Ngày 24-5-2014, tại Nhà văn hóa 3-2 (TP Nam Định) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2014). Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh chính trị Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam; Trần Văn Chung, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy Nam Định; lãnh đạo Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12; Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Công binh, Trưởng Ban Dự án Đường tuần tra Biên giới quốc gia; lãnh đạo MTTQ và các tổ chức chính trị, đoàn thể, các sở, ban, ngành của tỉnh; các đồng chí đại biểu Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng và 500 đại biểu đại diện cho gần 5.000 hội viên trong tỉnh.
Cách đây 55 năm, thực hiện Nghị quyết 15 của BCH Trung ương Đảng về cách mạng miền Nam, ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương đã chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 13-8-1959, sau 8 ngày đêm, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn bằng phương thức gùi thồ đã được các chiến sĩ Đoàn 559 đưa tới Tà Riệp. Từ đó tuyến giao liên và vận chuyển chi viện được hình thành và hoạt động hiệu quả ở Đông Trường Sơn. Sau khi được hai Đảng và Nhà nước Việt Nam - Lào chấp thuận, Đoàn 559 khẩn trương chuyển hướng sang Tây Trường Sơn mở tuyến chi viện qua đất bạn Lào. Tuyến đường mới đã nối liền đường 12 và thông tới đường số 9 ở Mường Phìn, tỉnh Sa-van-na-khẹt (Lào) dài gần 200km, đảm nhận nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 3-4-1965, Thường trực Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết nâng cấp Đoàn 559 thành Bộ Tư lệnh 559. Đến năm 1973-1975, Bộ Tư lệnh 559 Trường Sơn phát triển lực lượng hùng hậu với 9 Sư đoàn Binh chủng cùng 21 Binh đoàn trực thuộc, quân số lên đến 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và 1 vạn TNXP. Các lực lượng của Đoàn 559 đã trực tiếp phục vụ và tham gia các chiến dịch lớn như: Tổng tiến công Mậu Thân 1968, Chiến dịch Khe Sanh năm 1968, Chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Chiến dịch giải phóng Quảng Trị xuân hè năm 1972, Chiến dịch giải phóng Trị - Thiên - Huế, Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch giải phóng Buôn Mê Thuột và cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975 kết thúc với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Để đáp ứng nguyện vọng tình cảm của các CCB Trường Sơn, đầu năm 1989, Ban Liên lạc (BLL) Bộ đội Trường Sơn khu vực Hà Nội ra đời làm trung tâm của các BLL và đơn vị truyền thống, từ đó BLL Bộ đội Trường Sơn các địa phương và các đơn vị cũng được thành lập. Ngày 17-5-2009, Hội nghị toàn quốc BLL Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh lần thứ 2 đã thống nhất thành lập Ban vận động thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Ngày 13-5-2011, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 1032/QĐ-BNV cho phép thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Ngày 4 và 5-7-2011, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đại hội lần thứ nhất Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã được tổ chức trọng thể. Gần 3 năm thành lập, đến nay Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh có 130 đầu mối với tổ chức Hội và BLL của 45 tỉnh và thành phố cả nước, 83 đơn vị truyền thống; đã có 27 tỉnh, thành phố tiến hành Đại hội thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, 81/183 huyện, 352/1.603 xã, phường và 10 đơn vị truyền thống thành lập tổ chức Hội. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nam Định đã có hàng chục nghìn người con tham gia TNXP, dân công hỏa tuyến chiến đấu, công tác trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử, nhiều đồng chí đã hy sinh. Đến nay, toàn tỉnh có gần 20.000 cựu TNXP, dân công hỏa tuyến Trường Sơn đang sinh sống và công tác. Qua hơn 1 năm thành lập, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh đã thu hút tập hợp được gần 5.000 hội viên, có 1 huyện và 19 xã tổ chức Đại hội thành lập tổ chức. Trong thời gian hoạt động, các cấp Hội đã đẩy mạnh các hoạt động tình nghĩa, thăm hỏi, động viên hội viên, xây mới 5 Nhà Tình nghĩa và đang triển khai xây dựng mới 13 ngôi nhà cho hội viên có khó khăn về nhà ở… Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh đã nhanh chóng trở thành địa chỉ tin cậy, là điểm tựa tinh thần của hàng nghìn cựu chiến sĩ Trường Sơn, TNXP, dân công hỏa tuyến Trường Sơn trong tỉnh.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã hoan nghênh Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh đã có những hoạt động thiết thực để xây dựng và phát triển tổ chức Hội cả về số lượng và chất lượng. Từ khi thành lập, Hội đã tích cực tuyên truyền, biểu dương những hội viên gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giữ gìn, phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn và tổ chức nhiều hoạt động tình nghĩa. Đồng chí đề nghị các hội viên tiếp tục giữ vững và phát huy phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”, “Bộ đội Trường Sơn”, luôn nâng cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, đấu tranh và làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch, tuyệt đối trung thành với Đảng, gương mẫu tự giác, tích cực tham gia góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, chung tay góp sức xây dựng NTM, giữ gìn ANCT, TTATXH, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, tình cảm đồng chí, đồng đội, quan tâm, động viên, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Tại Lễ kỷ niệm, Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã trao tặng Bằng khen cho 4 đơn vị, tặng Kỷ niệm chương cho 26 đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và 17 đồng chí tham gia Cuộc thi “Ký ức Trường Sơn” do Trung ương Hội phát động, trong đó có 2 đồng chí đạt giải Nhất và giải Nhì./.
Văn Huỳnh