Chiều 23-4-2014, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành phố về việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2005-2012 và nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2013-2015. Đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về giảm nghèo bền vững chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương và Uỷ ban MTTQ Việt Nam. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Bùi Đức Long, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ giảm nghèo bền vững tỉnh và các thành viên BCĐ của tỉnh.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị. |
Giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Giai đoạn 2005-2012, trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn chỉ đạo ưu tiên cho lĩnh vực an sinh và giảm nghèo, đồng thời tiếp tục bố trí kinh phí triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các địa bàn nghèo, ban hành một số chính sách an sinh xã hội trợ giúp người nghèo về đời sống như chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, chính sách trợ cấp khó khăn đột xuất cho các đối tượng thu nhập thấp gặp rủi ro. Tổng nguồn vốn huy động cho mục tiêu giảm nghèo từ năm 2005-2012 là trên 864 nghìn tỷ đồng, đã có trên 6,8 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với mức vay bình quân 8,8 triệu đồng/lượt/hộ, xây dựng 8.500 mô hình trình diễn và hội nghị đầu bờ với 3 triệu lượt hộ nghèo tham gia, tổ chức 30 nghìn lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, 500 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở… Các chương trình và chính sách giảm nghèo đã huy động được sức mạnh, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo nguồn lực to lớn thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình giảm nghèo và chính sách giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm: năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo cả nước 9,6%, giảm xuống còn 7,8% năm 2013 và phấn đấu giảm xuống còn 5,8-6% năm 2014, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, an sinh xã hội, TTATXH được giữ vững.
Giai đoạn 2013-2015, BCĐ Trung ương về giảm nghèo bền vững đặt mục tiêu: đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5% theo chuẩn nghèo hiện hành, tỷ lệ các huyện nghèo còn dưới 30%. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành của Trung ương và địa phương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chính sách giảm nghèo, hướng tới thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hỗ trợ để người dân tự thoát nghèo, chuyển dần hình thức hỗ trợ từ gián tiếp sang trực tiếp, giảm dần hình thức hỗ trợ cho không sang cho vay với lãi suất thấp. Phân loại đối tượng để có các chính sách hỗ trợ phù hợp mang tính đặc thù, nhất là với nhóm dân tộc ít người, nhóm người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. Xây dựng cơ chế quản lý vốn đầu tư cho giảm nghèo; tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở, cộng đồng. Tổ chức tốt việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn, đẩy mạnh các hình thức huy động nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả và bền vững các mục tiêu giảm nghèo.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, việc thực hiện chính sách giảm nghèo là một trong những nội dung quan trọng mang tính chiến lược. Hệ thống cơ chế chính sách ngày càng được hoàn thiện, đồng thời các địa phương cũng đã vận dụng, ban hành mức hỗ trợ cụ thể, phù hợp với địa bàn, đối tượng, phát huy hiệu quả, từng bước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều chính sách, văn bản còn chồng chéo, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo. Nhiều chính sách còn mang tính cào bằng, chưa khuyến khích các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, kết quả giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Định hướng công tác giảm nghèo trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: các địa phương phải thực hiện công tác giảm nghèo một cách toàn diện, trong đó cần tập trung chính sách và nguồn lực cho những vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đối với các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các chính sách giảm nghèo, giảm bớt số lượng văn bản chính sách. Việc xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ mới cần theo hướng mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững. Các địa phương cần cụ thể hóa mục tiêu chương trình giảm nghèo vào các chỉ tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm ở địa phương và có kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện, nhân rộng các mô hình, điển hình tốt về giảm nghèo để các nơi học tập, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện./.
Minh Tân