Trong các ngày 2 và 8-4-2014, Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2011-2013) tại Sở LĐ-TB và XH; UBND xã Nam Cường và Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh. Tham gia đoàn giám sát có đồng chí Trần Lương Bằng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Trong 3 năm (2011-2013), công tác BTXH đã được Sở LĐ-TB và XH tập trung chỉ đạo thực hiện kịp thời, đúng quy trình, đối tượng, đảm bảo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng. Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện công tác tham mưu, xây dựng các văn bản về trợ cấp, trợ giúp; tổ chức hướng dẫn triển khai và kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện công tác BTXH. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thường xuyên tuyên truyền các chính sách về trợ giúp xã hội tới cán bộ và nhân dân. Chủ động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng BTXH. Thực hiện tốt công tác quản lý, xét duyệt và công tác chi trả cho các đối tượng hưởng chính sách BTXH. Từ năm 2011 đến năm 2013, toàn tỉnh đã thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 209.240 người với số tiền gần 433 tỷ đồng; trợ cấp đột xuất cho 849 người với số tiền gần 5 tỷ đồng. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác BTXH vẫn còn những tồn tại như: Nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách BTXH ban hành chậm; một số chính sách thiếu thống nhất, khó khăn trong tổ chức thực hiện tại địa phương. Kinh phí chi cho các hoạt động thực hiện chính sách BTXH ở cấp xã đa số không được đảm bảo. Một số địa phương chưa thực hiện chi trợ cấp xã hội định kỳ hằng tháng; quy trình xét duyệt hồ sơ chưa được thực hiện đúng quy định về thời gian; việc cập nhật thông tin đối tượng chưa kịp thời; công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách tại cộng đồng còn chưa được quan tâm. Cơ sở vật chất của các cơ sở BTXH xuống cấp, chưa đảm bảo yêu cầu quy định. Tại địa bàn các huyện, thành phố hiện có không ít đối tượng cần phải được đưa vào quản lý nuôi dưỡng tại Trung tâm BTXH, nhưng chưa đủ điều kiện đảm bảo thực hiện. Để nâng cao chất lượng công tác BTXH, Sở LĐ-TB và XH đề nghị với Trung ương cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách mới để tạo điều kiện cho địa phương triển khai thực hiện kịp thời. Nghiên cứu quy định hoặc hướng dẫn bổ sung chính sách BTXH đối với người khuyết tật. Quy định một chức danh công chức LĐ-TB và XH cấp xã, không kiêm nhiệm chức danh khác để giảm tải nhiệm vụ cho cán bộ LĐ-TB và XH. Đối với tỉnh, xem xét, ban hành quy định mức thu đối với người tự nguyện vào cơ sở BTXH. Cho phép Sở LĐ-TB và XH chuẩn bị thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Trung tâm BTXH, đủ điều kiện trở thành Trung tâm Công tác xã hội tổng hợp, đảm bảo tiếp nhận các đối tượng BTXH vào quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng. Đối với cấp huyện, thành phố, cần tăng cường công tác chỉ đạo, tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình, thời gian xét duyệt, công khai việc thiết lập, lưu trữ hồ sơ, thực hiện quy định về chi trả trợ cấp xã hội để công tác trợ giúp xã hội được thực hiện theo quy định của Nhà nước. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đúng thời gian, đầy đủ, chính xác về số liệu đối với cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên. Tăng cường công tác giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác BTXH.
UBND xã Nam Cường thời gian qua đã thực hiện chặt chẽ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác BTXH. Xã thành lập Ban chỉ đạo, hội đồng xét duyệt công tác BTXH, có sự phối hợp tham gia của MTTQ và các đoàn thể của địa phương. Từ năm 2011 đến năm 2013, xã đã thực hiện trợ giúp cho 1.971 người với số tiền gần 2,2 tỷ đồng. Tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các đối tượng BTXH theo quy định. Tuy nhiên, công tác BTXH còn những vướng mắc như: quy định thủ tục hồ sơ đối tượng người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên phải có sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân, nhưng thực tế có rất nhiều người già hiện không có đầy đủ những giấy tờ này, việc hoàn tất hồ sơ đòi hỏi nhiều loại giấy tờ liên quan rất khó khăn cho việc thẩm định của địa phương. Số lượng đối tượng nhiều và có nhiều biến động, đối tượng là người cao tuổi trí nhớ suy giảm, các đối tượng tâm thần, mất trí thường xuyên đánh mất thẻ BHYT gây ảnh hưởng cho việc quản lý, theo dõi chi trả trợ cấp. Cán bộ làm công tác LĐ-TB và XH vừa phải thực hiện công việc chuyên môn nhiều vừa phải kiêm nhiệm chức danh Xã đội phó nên dẫn đến việc theo dõi thực hiện chế độ, chính sách BTXH gặp nhiều khó khăn…
Trong 3 năm (2011-2013), Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh đã thực hiện đúng chức năng BTXH về phục hồi chức năng, văn hóa, ngôn ngữ, giao tiếp, đào tạo nghề và công tác xã hội cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Trong đó, công tác quản lý đối tượng được duy trì 24/24 giờ trong ngày; đối tượng được khám, lập sổ y bạ theo dõi sức khỏe thường xuyên và hướng dẫn học tập, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Công tác dạy nghề và phục hồi chức năng có nhiều đổi mới về phương pháp giảng dạy để các em tiếp thu đạt hiệu quả cao nhất và khai thác hiệu quả công năng trang thiết bị được Nhà nước đầu tư. Hiện nay, Trung tâm duy trì 3 lớp may, 1 lớp mộc, 4 lớp nâng cao khả năng giao tiếp và hòa nhập, 1 lớp tin học cho trẻ khuyết tật. Phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm cho học viên của Trung tâm hết thời hạn học tập. Từ năm 2011 đến năm 2013, Trung tâm đã tiếp nhận phục hồi chức năng cho 307 học viên; trong đó đã có 60 học viên sau khi ra khỏi Trung tâm có việc làm; 86 học viên phục hồi chức năng được về với gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động Trung tâm vẫn còn những khó khăn như: Cán bộ, viên chức chưa được hưởng chế độ đặc thù nghề nghiệp; đối tượng chưa được hưởng vật tư, vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày; chưa có phương tiện vận chuyển học viên khi ốm đau; cơ sở hạ tầng khu nội trú xuống cấp ảnh hưởng đến sức khỏe của học viên…
Đoàn giám sát đã đề nghị Sở LĐ-TB và XH, các địa phương, đơn vị làm rõ một số vấn đề như: Những bất cập về cơ chế, chính sách đối với công tác BTXH; thời gian cấp kinh phí thực hiện BTXH; quy trình rà soát, thống kê, thẩm định và khó khăn, vướng mắc về thủ tục khi làm hồ sơ đối tượng. Công tác phối hợp với các đoàn thể trong việc tham gia thực hiện chế độ, chính sách BTXH. Công tác tuyên truyền chính sách tới các đối tượng được thụ hưởng và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thực hiện BTXH. Việc thực hiện quy định về mừng thọ cho người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi ở địa phương. Công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong việc khảo sát, tiếp nhận và quản lý trẻ khuyết tật; chính sách khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận người lao động khuyết tật…
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những nỗ lực của ngành LĐ-TB và XH trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BTXH trong thời gian qua đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng BTXH. Đồng chí đề nghị ngành LĐ-TB và XH tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chế độ chính sách cho đối tượng và mở rộng công khai trong việc thực hiện chế độ BTXH. Việc chi trả phải đúng đối tượng, đúng chế độ và đảm bảo kịp thời; tiếp tục quan tâm giải quyết các thủ tục còn tồn đọng trong hồ sơ cho đối tượng BTXH. Phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các ngành, đoàn thể thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BTXH; kịp thời giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực BTXH. Tiếp tục công tác tập huấn các chính sách mới về BTXH cho đội ngũ cán bộ làm công tác LĐ-TB và XH, trong đó đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ cấp xã./.
Trần Văn Trọng