Đoàn ĐBQH của tỉnh giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng

06:04, 09/04/2014

Trong 2 ngày 7 và 8-4-2014, tại Sở KH và ĐT, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh và Viễn thông Nam Định, Đoàn ĐBQH của tỉnh đã tổ chức giám sát nội dung “việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội khóa XIII về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015” trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Phạm Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐNĐ tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh làm Trưởng đoàn giám sát. Tham gia Đoàn giám sát có các đồng chí ĐBQH của tỉnh, Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ tỉnh.

Đồng chí Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh và Đoàn ĐBQH của tỉnh giám sát tại Sở KH và ĐT.
Đồng chí Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh và Đoàn ĐBQH của tỉnh giám sát tại Sở KH và ĐT.

Trong 2 năm qua, công tác tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực vượt bậc, được Trung ương đánh giá cao. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ KH và ĐT, giai đoạn 2011-2014, Sở KH và ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Trong đó, đã xiết chặt đầu tư, chỉ đạo khắc phục, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; thực hiện nguyên tắc bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên, hạn chế tối đa dự án khởi công mới, tránh đầu tư dàn trải. Đồng thời, thực hiện giãn tiến độ một số dự án, chủ động điều chuyển, cân đối nguồn vốn giữa các dự án để nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn ngân sách tại địa phương. Trong lĩnh vực tái cơ cấu DNNN, năm 2010, tỉnh ta đã hoàn tất các thủ tục chuyển đổi và đưa 13 DNNN hoạt động theo mô hình Cty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước do UBND tỉnh làm chủ sở hữu, tổng số DNNN do địa phương quản lý là 15 doanh nghiệp. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh tiếp tục thực hiện sắp xếp cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015 với kế hoạch cụ thể cho từng loại hình doanh nghiệp, trong đó chú ý việc xây dựng phương án tái cơ cấu 2 Cty TNHH MTV nông nghiệp Rạng Đông và Bạch Long. Đại diện Sở KH và ĐT đã nêu một số hạn chế, tồn tại, nguyên nhân các dự án đầu tư kém hiệu quả và kiến nghị cần sớm ban hành Luật Đầu tư công làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện quản lý đầu tư sử dụng vốn Nhà nước; đồng thời có cơ chế phù hợp với một số lĩnh vực đầu tư và thống nhất ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, tạo sự đồng bộ giữa các ngành trong triển khai. Đối với việc tái cơ cấu DNNN, Sở KH và ĐT đề nghị hoàn thiện chính sách pháp luật để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, phân định rõ đầu mối, chức năng, nhiệm vụ các ngành liên quan; tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiểm soát viên, người đại diện vốn Nhà nước.

Tại Chi nhánh NHNN tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, trong 2 năm 2012-2013, các văn bản liên quan đến tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đã được triển khai và chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức ngân hàng. Toàn tỉnh hiện có 16 TCTD chi nhánh cấp tỉnh; trong đó có 6 chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước, 7 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần; 41 Quỹ TDND và 4 đơn vị tổ chức tài chính quy mô cấp chi nhánh. Kết quả thực hiện tái cơ cấu lại các TCTD trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo kế hoạch và hướng dẫn của NHNN Việt Nam, đề án cơ cấu lại các TCTD do hội sở chính của các TCTD xây dựng trình NHNN Việt Nam phê duyệt hoặc NHNN Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cấp chi nhánh chỉ là cấp thực hiện theo đề án tổng thể của hội sở chính. Thông qua việc sáp nhập, hợp nhất của hội sở chính, đến cuối năm 2013 các chi nhánh TCTD trên địa bàn có sự thay đổi như: chi nhánh Cty CP Tài chính Dầu khí Nam Định chuyển thành chi nhánh Ngân hàng TMCP Đại chúng Nam Định (do Ngân hàng TMCP Phương Tây hợp nhất với Cty CP tài chính Dầu khí); chi nhánh Quỹ TDND Trung ương tại Nam Định thành chi nhánh Ngân hàng HTX Nam Định. Đối với các Quỹ TDND cơ sở, thực hiện đề án ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Thống đốc NHNN, chi nhánh NHNN tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn 41 Quỹ TDND trên địa bàn rà soát để xây dựng phương án cơ cấu lại giai đoạn 2011-2015. Đến cuối năm 2013, phương án cơ cấu lại của 41 Quỹ TDND đã được NHNN tỉnh phê duyệt, đồng thời giám sát việc thực hiện hằng tháng. Kết quả xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn tỉnh không lớn, số dư nợ xấu thời điểm cuối năm 2011 là 370 tỷ đồng (1,9%); đến cuối quý I-2014 chỉ còn 99 tỷ đồng (chiếm 0,42%). Trong đó, cơ cấu nợ xấu của các ngân hàng thương mại có 54 tỷ đồng (tỷ trọng 55%), Quỹ TDND 7 tỷ đồng (7%), Ngân hàng Phát triển 33 tỷ đồng (33%), Ngân hàng CSXH 5 tỷ đồng (5%); phân theo loại hình khách hàng vay: doanh nghiệp chiếm 59 tỷ đồng (60%), hộ gia đình, cá nhân 40 tỷ đồng (40%). Nợ xấu giảm 271 tỷ đồng là do các TCTD sử dụng từ nguồn dự phòng 248 tỷ đồng, thu hồi được từ khách hàng vay 23 tỷ đồng.

Tại Viễn thông Nam Định (VNPT Nam Định), là doanh nghiệp - đơn vị thành viên của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), nên giai đoạn 2011-2014 ở đơn vị không sử dụng nguồn vốn đầu tư công mà sử dụng nguồn vốn vay, nguồn vốn tự có của Tập đoàn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển mạng lưới trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, VNPT trong việc tiết giảm đầu tư, tiết kiệm chi phí sản xuất, trong giai đoạn 2011-2013, VNPT Nam Định đã thực hiện rà soát danh mục tất cả các dự án đầu tư phân cấp, thực hiện cắt giảm, giãn tiến độ trên 20 dự án chưa thực sự cấp bách, với số vốn đầu tư cắt giảm so với kế hoạch được phê duyệt trên 10 tỷ đồng năm 2011, trên 7 tỷ đồng năm 2012 và trên 12 tỷ đồng năm 2013. Doanh thu trong các năm được VNPT Nam Định duy trì tốc độ tăng trưởng tối thiểu 10-15%, nộp ngân sách tăng 2,5-3 lần và là 1 trong 10 doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước lớn nhất tỉnh.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đánh giá hiệu quả công tác đầu tư công tại tỉnh trong 2 năm qua, trao đổi làm rõ các nội dung liên quan đến cơ cấu phân bổ vốn, công tác quản lý của chủ đầu tư, vấn đề giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản; cơ chế sử dụng nguồn vốn, lĩnh vực đầu tư cho DNNN…

Thay mặt Đoàn ĐBQH của tỉnh, đồng chí Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, việc tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu DNNN gắn liền với tăng trưởng kinh tế, trong đó ngành KH và ĐT có vai trò rất quan trọng trong xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn. Đồng chí đánh giá cao hiệu quả nhiều dự án triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, nhất là trong đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng NTM. Đồng thời, yêu cầu ngành tiếp tục rà soát, đánh giá, thẩm định dự án chặt chẽ hơn, có cơ chế khuyến khích huy động vốn đầu tư, phát huy lợi thế tỉnh nông nghiệp, đặc biệt chú ý định hướng đầu tư công cho lĩnh vực nông nghiệp. Trước mắt, khắc phục đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ; xử lý hậu quả các dự án còn dang dở. Đối với DNNN, Sở KH và ĐT cần thúc đẩy hoàn thành cổ phần hóa 2 đơn vị trong lĩnh vực nông nghiệp từ nay đến năm 2015. Những ý kiến, kiến nghị của các ngành, đơn vị sẽ được Đoàn ĐBQH của tỉnh tiếp thu, báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét, tháo gỡ./.

Tin, ảnh: Thanh Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com