Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tiếp xúc cử tri tại các địa phuơng

07:04, 23/04/2014

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) khoá XIII, trong hai ngày 21 và 22-4-2014, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của tỉnh đã đi tiếp xúc cử tri tại các địa phương trong tỉnh.

Tại các điểm tiếp xúc cử tri, các ĐBQH đã báo cáo với cử tri dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 7, QH khoá XIII và trả lời tóm tắt của các bộ, ngành Trung ương đối với những kiến nghị của cử tri Nam Định tại các kỳ họp trước. Kỳ họp thứ 7, QH khoá XIII dự kiến khai mạc ngày 20-5-2014. Kỳ họp QH lần này sẽ xem xét và quyết định một số vấn đề chính như: Thông qua 10 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến vào 18 dự án luật. Thảo luận các nội dung về KT-XH, giám sát các báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2013; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2014; quyết toán NSNN năm 2012; QH giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Ủy ban Thường vụ QH báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII; Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp; Xem xét thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2015; Xem xét thông qua Nghị quyết về việc xây dựng, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015... và các nội dung quan trọng khác.

Đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và các ĐBQH: Nguyễn Anh Sơn, Hoàng Thị Tố Nga đã tiếp xúc cử tri các xã: Trực Khang (Trực Ninh); Nghĩa Tân, Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); Nam Hùng (Nam Trực).

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại xã Nam Hùng, huyện Nam Trực
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại xã Nam Hùng, huyện Nam Trực. Ảnh: Thu Thủy

Cử tri xã Trực Khang kiến nghị một số vấn đề thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công như cần đẩy nhanh việc cấp thẻ BHYT cho quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, đề nghị cấp thẻ BHYT theo địa bàn dân cư thay vì địa bàn hành chính. Trong xây dựng NTM, đề nghị QH xem xét vấn đề vốn đối ứng, vì đối với xã khó khăn, nguồn thu chủ yếu là NSNN hỗ trợ, sẽ không có vốn đối ứng để thực hiện dự án. Cần có chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ phụ nữ cơ sở, hỗ trợ kinh phí học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và bố trí công việc hợp lý, ưu tiên rút ngắn thời gian đóng BHXH của phụ nữ so với nam giới. Cử tri cũng đề nghị QH nghiên cứu, có biện pháp bình ổn giá cho nông nghiệp, mở rộng nguồn vốn vay đến các hộ khó khăn, những hộ phát triển trang trại; đầu tư lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi để bảo đảm ổn định giá, bảo vệ người chăn nuôi. Về lĩnh vực Y tế, cử tri đề nghị QH xem xét mở rộng mạng lưới bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, tăng cường đội ngũ y, bác sĩ có năng lực, cải thiện trang thiết bị y tế ở các tuyến này để hạn chế vượt tuyến, quá tải ở tuyến trên; thủ tục chuyển viện nên gọn nhẹ, nhất là đối với bệnh nhân cấp cứu. Về vấn đề GD và ĐT, cử tri kiến nghị đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non, đảm bảo cho trẻ được học tập trong môi trường tốt nhất. Về chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, cử tri cũng đề nghị nâng mức trợ cấp cho đội ngũ cán bộ thôn, xóm và chi trưởng các đoàn thể…

Cử tri xã Nam Hùng đề nghị Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, sớm đổi mới cơ cấu tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, hình thành chuỗi giá trị sản xuất; quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với những người đã làm chủ nhiệm HTX nông nghiệp ở những xã đã hợp nhất; các khoản đầu tư của Nhà nước cho chương trình xây dựng NTM cần được công khai, minh bạch hơn để nhân dân biết rõ, từ đó tạo được sự đồng thuận trong xã hội; cần quy hoạch khu chăn nuôi tập trung để giảm ô nhiễm môi trường khu dân cư và nâng cao hiệu quả sản xuất; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Cổ Chử (xã Bình Minh) triển khai thi công đã gần 5 năm chưa hoàn thành, nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho nhân dân đi lại. Đồng thời các cử tri cũng đề nghị cần quan tâm sớm triển khai thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với những người có công với cách mạng và thân nhân, gia đình người có công. Quan tâm nâng mức đầu tư ngân sách cho hoạt động của LLVT địa phương để hoàn hành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay và nâng độ tuổi tham gia lực lượng DQTV ở địa phương. Cử tri các xã Nghĩa Bình và Nghĩa Tân đề nghị Nhà nước có chính sách giá cả vật tư nông nghiệp, phân bón, giống, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả chương trình “liên kết 4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục đầu tư, hỗ trợ chương trình xây dựng NTM và xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu, tiêu chí cho phù hợp với các vùng, miền, nâng định mức hỗ trợ cho các công trình; quan tâm củng cố hệ thống đê, kè trên địa bàn góp phần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong điều kiện thời tiết bất thường; đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương; có chính sách ưu đãi về tín dụng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng mô hình trình diễn cây trồng, vật nuôi mới và các kỹ thuật sản xuất, thâm canh tiên tiến tại các vùng, miền khác nhau; quan tâm đến dạy nghề cho nông dân; tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp hoạt động góp phần phục vụ hiệu quả cho sản xuất, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản; triển khai đưa chương trình bảo hiểm nông nghiệp ra đại trà; tăng mức hỗ trợ chỉnh trang đồng ruộng và giao thông, thủy lợi nội đồng; quan tâm đến chế độ, chính sách với người có công, người bị nhiễm chất độc da cam; đội ngũ cán bộ cơ sở. Về đổi mới chương trình sách giáo khoa phải được kiểm nghiệm kỹ, thống nhất ở mỗi cấp học, ngành học, chương trình phải có tính ổn định cao; quan tâm tạo sân chơi cho thanh, thiếu niên. Có chính sách hỗ trợ các địa phương xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; chính sách mới để giải quyết việc làm cho sinh viên các trường sư phạm khi ra trường…

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong quý I-2014. Đồng chí cũng thông tin thêm đến các cử tri về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời phân tích, giải đáp những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đồng chí nhấn mạnh: Việc xây dựng NTM là một chiến lược lớn, lâu dài của đất nước, là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống nhân dân nông thôn. Các vấn đề chế độ, chính sách đối với người có công, cán bộ cơ sở, xây dựng hạ tầng nông thôn điện, đường, trường, trạm… tiếp tục được QH xem xét để hoàn thiện dần cho phù hợp.

Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận, tiếp thu những ý kiến kiến nghị của các cử tri để đề xuất với QH, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu xem xét, giải quyết; về những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, đồng chí đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng sớm xem xét, giải quyết.

Đồng chí Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh và các ĐBQH: Nguyễn Văn Pha, Vũ Xuân Trường đã tiếp xúc cử tri phường Lộc Vượng (TP Nam Định) và Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc); xã Liên Bảo (Vụ Bản); xã Yên Phú (Ý Yên). Dự buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Mỹ Lộc và Thành phố Nam Định có các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Trần Lương Bằng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Chung, Bí thư Thành ủy Nam Định.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Phạm Hồng Hà và các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri xã Yên Phú, huyện Ý Yên (ảnh bên phải). Ảnh: Văn Huỳnh
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Phạm Hồng Hà và các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri xã Yên Phú, huyện Ý Yên. Ảnh: Văn Huỳnh

Đoàn ĐBQH của tỉnh đã nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo tóm tắt tình hình phát triển KT-XH năm 2013 và quý I-2014, phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH trong thời gian tới và nghe cử tri bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị về những vấn đề nảy sinh trong đời sống KT-XH. Đa số cử tri phường Lộc Vượng đề nghị với Trung ương, với tỉnh và thành phố những vấn đề liên quan đến việc triển khai Dự án Văn hóa Trần; xây dựng cơ sở hạ tầng và giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp... Cụ thể đề nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Văn hóa Trần và cho phép phường sớm được trùng tu, nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục công trình nội tự Đền Trần, chùa Tháp đã bị xuống cấp. Tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp đường Kênh, đường Bái và xây dựng hệ thống cống tiêu, thoát nước; lắp đặt đèn chiếu sáng trong khu dân cư; nhanh chóng thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng thể của phường, dành quỹ đất xây dựng NVH tại các khu dân cư, mở rộng nghĩa trang nhân dân vào xứ đồng Cừ Con, Cánh Phượng để đảm bảo nhu cầu phát triển đô thị trên địa bàn phường. Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng và các trang thiết bị dạy học cho các trường để thực hiện đạt chuẩn theo giai đoạn. Cho chuyển đổi diện tích đất thổ canh nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư thành đất thổ cư để tránh tình trạng lấn chiếm đất đai, ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự của địa phương. Đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm cho thành lập thêm các tổ dân phố ở Khu đô thị Hòa Vượng, để thuận tiện trong công tác quản lý và ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân... Cử tri Thị trấn Mỹ Lộc đề nghị QH, Chính phủ và tỉnh tiếp tục dành nguồn kinh phí hỗ trợ thị trấn thực hiện chương trình xây dựng NTM; trong đó tập trung vào hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cơ giới hóa nông nghiệp để giảm sức lao động nặng nhọc cho nông dân và nâng cao thu nhập, hạn chế tình trạng nông dân phải bỏ ruộng do canh tác không hiệu quả như hiện nay. Đề nghị ngành chức năng sớm có phương án khắc phục tình trạng xuống cấp đoạn đường từ cầu Giáng đến đường Nam Định - Phủ Lý và sớm có biện pháp xử lý các trường hợp tài sản của một số hộ dân bị ảnh hưởng do quá trình thi công đường Nam Định - Phủ Lý. Có phương án xây dựng các trường học phổ thông trên địa bàn. Quan tâm hơn nữa đến công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; nâng mức phụ cấp và tổ chức tập huấn nghiệp vụ trên các lĩnh vực cho đội ngũ cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố. Phần lớn các ý kiến của cử tri xã Liên Bảo (Vụ Bản) đều tập trung kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, đề nghị Trung ương và tỉnh cho tạm ứng tiền để cơ sở nâng cấp đường giao thông và các cây cầu bị xuống cấp. Đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường Bất Di - Dốc Sắn và tuyến đường chợ Lời - Vĩnh Hào vì hiện nay các tuyến đường này đã xuống cấp nghiêm trọng gây mất an toàn giao thông, không đảm bảo yêu cầu phục vụ cho công tác phòng, chống lụt bão của huyện Vụ Bản; đầu tư làm cầu Rộc, cầu Trung Phu, cầu sông Tiên Hương. Đề nghị các cấp xử lý nghiêm các xe quá khổ, quá tải phá hỏng đường giao thông và các xe cơ giới tự chế. Đề nghị Trung ương và tỉnh quan tâm giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn.

Cử tri xã Yên Phú (Ý Yên) đề nghị QH giải quyết các chế độ chính sách cho những quân nhân còn tồn đọng, tăng mức trợ cấp cho một số chức danh của cán bộ cơ sở; giải quyết nhanh chóng những thủ tục quan trọng cho những CCB, cựu quân nhân, xử lý nghiêm những thanh niên không chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự và điều chỉnh Luật cho phù hợp với đối tượng là học sinh, sinh viên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đề nghị Nhà nước có chính sách bảo đảm hiệu quả sản xuất cho người nông dân; kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất và buôn bán hàng nhái, hàng giả các mặt hàng vật tư nông nghiệp, nông sản gây ảnh hưởng đến nguồn gốc sản xuất của nông dân, sớm ban hành chính sách bảo hiểm cây lúa để người nông dân yên tâm sản xuất.

Phát biểu tại các cuộc tiếp xúc cử tri, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và nhiệm vụ phát triển KT-XH trong năm 2013 và quý I-2014. Đồng chí ghi nhận những kiến nghị của cử tri để phản ánh đến QH, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xem xét giải quyết. Đồng thời, giải đáp một số vấn đề cử tri quan tâm. Về Dự án Văn hoá Trần, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định tầm vóc và giá trị lịch sử văn hóa của Khu di tích Lịch sử Văn hóa Đền Trần, chùa Tháp và việc giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc; quan điểm, chủ trương của tỉnh về bảo tồn và phát huy những giá trị của khu di tích gắn với việc phát triển KT-XH của thành phố và của tỉnh. Đồng chí đề nghị thành phố thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, đền bù GPMB khi thực hiện các dự án cho nhân dân đảm bảo công khai, minh bạch và đúng quy định. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức, sản xuất, kinh doanh nhằm ổn định đời sống của người dân sau giải phóng mặt bằng. Chỉ đạo các cơ quan chức năng khi giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến việc đặt tên đường, gắn biển số nhà phải nhanh chóng, thuận lợi, tránh phiền hà cho nhân dân. Đối với các ý kiến kiến nghị của cử tri Thị trấn Mỹ Lộc, đồng chí đề nghị huyện cần khẩn trương có phương án xây dựng trường học trên địa bàn thị trấn trình tỉnh xem xét, giải quyết ngay trong tháng 6. Bên cạnh đó, huyện cần quan tâm xây dựng các công trình hạ tầng của thị trấn, tạo điều kiện cho thị trấn phát triển xứng đáng với vai trò là trung tâm kinh tế - chính trị của huyện. Nhanh chóng phối hợp với nhà đầu tư có biện pháp khắc phục tình trạng xuống cấp đoạn đường từ cầu Giáng đến đường Nam Định - Phủ Lý và tài sản của một số hộ dân bị ảnh hưởng do thi công đường nhằm đảm bảo cho người dân sớm ổn định đời sống, phát triển sản xuất. Thay mặt Đoàn ĐBQH của tỉnh, đồng chí đã cảm ơn chính quyền, MTTQ các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn tiếp xúc với cử tri, mong rằng cử tri ở các đơn vị cơ sở tiếp tục đóng góp những ý kiến cùng với cử tri trong toàn tỉnh hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Các đại biểu: Trần Quang Chiểu, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH; Nguyễn Thị Thu Hằng; Linh mục Lê Ngọc Hoàn đã tiếp xúc cử tri các xã trên địa bàn 3 huyện Hải Hậu, Xuân Trường và Giao Thuỷ.

Cử tri các xã Hải Lộc, Hải Phúc, Hải Hà và Hải Thanh đề nghị QH, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân; trong đó đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về giống, phân bón để nông dân yên tâm lao động sản xuất. Bởi hiện nay giá vật tư nông nghiệp đầu vào quá cao, trong khi đầu ra cho sản phẩm nông sản không ổn định, gây khó khăn cho nông dân khi mở rộng diện tích canh tác. Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện về kinh phí. Tuy nhiên việc triển khai giải ngân vốn xây dựng NTM về địa phương còn chậm. Đề nghị các cấp, các ngành sớm có kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ làm nhà ở đối với người có công để đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách đối với người có công theo quy định. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ và tỉnh nâng mức kinh phí hoạt động cho MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở; nâng mức phụ cấp cho các chức danh: chi ủy viên, công an viên, trưởng các đoàn thể ở xóm, thôn (tổ dân phố), vì hiện nay với mức phụ cấp bằng 0,15-0,3% mức lương tối thiểu là thấp, không khuyến khích, thu hút được cán bộ làm việc. Đề nghị Nhà nước có chỉ đạo cụ thể về công tác tuyên truyền và xử lý đối với các đạo lạ hoạt động trái pháp luật gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và truyền thống của dân tộc.

Cử tri các xã Xuân Ngọc, Xuân Ninh, Xuân Thượng và Thị trấn Xuân Trường kiến nghị việc đền bù thiệt hại cho người bị xử oan sai là chính đáng nhưng tiền đền bù oan sai lại lấy từ NSNN (tức là tiền thuế của nhân dân đóng góp) là không hợp lý. QH, Chính phủ cần có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với cán bộ gây án oan sai và việc bồi thường khắc phục hậu quả phải do cán bộ liên quan chịu trách nhiệm. Về vấn đề giáo dục cao đẳng, đại học và sau đại học, cử tri nêu ý kiến, nhiều trường cao đẳng, đại học tuyển sinh nhưng không bám sát nhu cầu thực tế của thị trường lao động việc làm thuộc ngành học, chỉ chạy theo số lượng, không chú trọng đến chất lượng đào tạo dẫn đến nhiều cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm hoặc việc làm không phù hợp với trình độ và chuyên môn được đào tạo, gây lãng phí tài năng, nguồn nhân lực... Cử tri đề nghị QH, Chính phủ chỉ đạo, định hướng cụ thể và có chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ vào làm việc trong các cơ quan ở địa phương, bố trí cán bộ hợp lý, tránh dàn trải, nơi thừa, nơi thiếu gây lãng phí. Cử tri cũng đề nghị QH, Chính phủ cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là việc kiên cố hóa hệ thống thủy lợi nội đồng. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp ngày càng gia tăng do sử dụng thuốc BVTV tràn lan, đề nghị QH, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, đầu tư áp dụng công nghệ sinh học trong phát triển sản xuất, hạn chế thuốc hoá học BVTV, phát triển nông nghiệp bền vững, có biện pháp ngăn chặn nước mặn xâm thực và đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai thích ứng biến đổi khí hậu. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh có cơ chế, chính sách khôi phục, phát triển các làng nghề trong nông thôn, căn cứ nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế để đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động dôi dư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại xã Giao Thanh (Giao Thủy) các cử tri kiến nghị Nhà nước nâng mức điều tiết nguồn kinh phí đấu thầu đất ở hàng năm cho tuyến xã từ 50% lên 70% để có nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM; quan tâm đầu tư xây dựng bãi rác thải; triển khai dự án cấp nước sạch đến xã; tăng nguồn hỗ trợ phát triển đất sản xuất nông nghiệp (mức hiện nay 500.000 đồng/ha là quá thấp). Cử tri đề nghị với QH tiếp tục nghiên cứu xét trợ cấp cho các đối tượng là quân nhân tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc, không nên quy định theo địa bàn xảy ra chiến tranh. Về việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, đối với công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung đối với nam công dân trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự đã được địa phương giới thiệu đi học nghề tại các trường cao đẳng, đại học, trung cấp chuyên nghiệp, nhưng học xong không tìm được việc làm, không có cơ quan nào quản lý... Cử tri nêu ý kiến ở địa bàn nông thôn, các trường THCS, tiểu học, mầm non muốn đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 phải đảm bảo chỉ tiêu 90% học sinh tham gia BHYT; mức độ 2 phải đạt 100%. Đối với học sinh diện hộ nghèo hoặc cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 1 phần nhưng với học sinh không thuộc các hộ trên cũng không có điều kiện mua BHYT (theo quy định là 289.800 đồng/học sinh/năm). Để đạt chỉ tiêu này, một số trường học, giáo viên phải bỏ tiền túi để mua BHYT cho học sinh nhưng không phát lại thẻ cho học sinh vì các em chưa nộp tiền. Cử tri đề nghị không nên đưa chỉ tiêu BHYT vào chỉ tiêu thi đua của ngành GD và ĐT. Vấn đề đầu tư xây dựng phòng học từ nguồn trái phiếu Chính phủ trên địa bàn còn chưa phù hợp, chưa sát với yêu cầu thực tế và chưa công bằng. Trong khi ở khu vực thành phố, trường học được Nhà nước đầu tư xây dựng, thì ở địa bàn nông thôn (trực tiếp là xã Giao Thanh) trường học chủ yếu do ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp. Về vấn đề dạy nghề cho lao động nông thôn, trước đây ở Giao Thanh đã mở một số lớp dạy nghề cho phụ nữ như nghề móc sợi, mây tre đan xuất khẩu… việc làm sau đào tạo không ổn định do doanh nghiệp không ở địa bàn. Cử tri đề nghị Nhà nước có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp về đầu tư trực tiếp tại địa bàn nông thôn để tạo việc làm, thu nhập tại chỗ cho lao động nông thôn. Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị QH giữ nguyên độ tuổi nghỉ chế độ với nam là 60 tuổi, nữ 55 tuổi.

Đoàn ĐBQH của tỉnh đã giải trình một số nội dung kiến nghị của cử tri quan tâm, đồng thời tiếp thu các ý kiến để trình QH ở kỳ họp thứ 7 sắp tới./.

Nhóm PV thời sự



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com