Kỷ niệm 95 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính

07:12, 09/12/2013

Ngày 7-12-2013, tại Nhà Văn hóa 3-2, UBND tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 95 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính (1918-2013). Các đồng chí: Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; Bùi Đức Long, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Văn Chung, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam; các văn nghệ sĩ Trung ương quê hương Nam Định; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố; văn nghệ sĩ tỉnh; lãnh đạo xã Cộng Hòa (Vụ Bản); gia đình nhà thơ Nguyễn Bính và thầy, trò Trường THPT Nguyễn Bính cùng đông đảo bạn đọc yêu thơ Nguyễn Bính đã tới dự.

Đồng chí Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm.
Đồng chí Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm.

Nhà thơ Nguyễn Bính (tên thật là Nguyễn Trọng Bính) sinh ngày 13-2-1918 tại làng Thiện Vịnh, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Tên tuổi và sự nghiệp sáng tác của ông gắn liền với đỉnh cao phong trào thơ mới (1932-1945) với các tập thơ: “Cô hái mơ” (1937), “Tâm hồn tôi” (1937), “Lỡ bước sang ngang” (1940)… Năm 1943, Nguyễn Bính vào miền Nam để kiếm sống bằng nghề viết văn, viết báo, làm thơ. Năm 1944 ông đạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Thanh Niên Đông Pháp với truyện: “Không đất cắm dùi”. Năm 1945, ông đạt giải nhất cuộc thi viết truyện thơ dài Giải văn học xuyên Sài Gòn với truyện thơ: “Tỳ bà truyện”. Thời gian này, ông còn sáng tác chùm thơ đặc sắc viết về Huế như: “Xóm Ngự Viên”, “Giời mưa ở Huế” cùng với “Người con gái ở Lầu hoa”. Khi giặc Pháp quay lại chiếm Nam Bộ, Nguyễn Bính trở thành cán bộ kháng chiến, ông từng làm Chính trị viên Tiểu đoàn dân quân xã Mỹ Hòa, quận Trà Ôn (Cần Thơ); rồi làm Trưởng ban Công an xã; Trưởng ban Văn hóa thông tin, phụ trách tờ tin Người yêu nước để phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1948, ông tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc, làm Chủ tịch Hội Văn hóa Cứu quốc tỉnh Rạch Giá, sau về Phòng Tuyên huấn khu 8 Hội Văn nghệ Nam Bộ. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp ông có nhiều bài thơ hay như: “Ông lão mài gươm”, “Bài ca Đồng Tháp”, “Đây Nam Bộ kháng chiến”, trường ca “Tiểu đoàn 307” được phổ thành nhạc. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc tiếp tục sự nghiệp sáng tác gắn với cuộc hành trình đấu tranh thống nhất đất nước; sau ông về công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1958, ông trở về Nam Định nhận công tác tại Ty Văn hóa Thông tin Nam Định. Thời kỳ này ông có nhiều bài thơ trữ tình như: “Chiều thu”, “Đêm sao sáng”, “Trở về quê cũ”; các trường ca như: “Làng tôi”, “Xây nhà máy”… những truyện thơ: “Tiếng trống đêm”, “Bức thư nhà”… Trong suốt cuộc đời sáng tác và hoạt động cách mạng của mình, nhà thơ Nguyễn Bính đã để lại cho quê hương, đất nước, 14 tập thơ, 8 truyện thơ, 5 kịch bản sân khấu gồm 2 kịch chèo và 3 kịch thơ. Năm 2000, Nguyễn Bính được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, khẳng định những đóng góp và cống hiến của ông đối với sự nghiệp thi ca dân tộc.

Tại lễ kỷ niệm, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và đại diện gia đình nhà thơ Nguyễn Bính đã phát biểu cảm ơn sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã tổ chức trang trọng lễ kỷ niệm 95 năm ngày sinh của nhà thơ.

Sau lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục thể hiện các tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Bính như: Ngâm thơ “Cô hái mơ”; hát xẩm “Trăng sáng vườn chè”; trích đoạn chèo “Đinh Đạo ve gái” trong vở “Anh lái đò sông Vị”; chùm ca khúc “Gái xuân”; hát văn “Chân quê”, “Hội làng”; tân cổ “Gửi người vợ miền Nam”... do các nghệ sĩ Đoàn chèo, Đoàn Cải lương Nam Định, Nhà Văn hóa 3-2 biểu diễn./.

Tin, ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com