Trong các ngày 2 và 3-12-2013, Đoàn ĐBQH của tỉnh đã tổ chức các đoàn tiếp xúc cử tri Thành phố Nam Định, các huyện Mỹ Lộc, Hải Hậu, Giao Thuỷ, Xuân Trường để báo cáo kết quả kỳ họp thứ sáu, QH khoá XIII và hoạt động của Đoàn ĐBQH của tỉnh tại kỳ họp. Các đồng chí: Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh; Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Vũ Xuân Trường, TUV, Viện trưởng Viện KSND tỉnh đã tiếp xúc cử tri Thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc. Các ĐBQH: Trần Quang Chiểu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của QH; Nguyễn Thị Thu Hằng tiếp xúc cử tri các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường.
Đồng chí Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri Thành phố Nam Định. Ảnh: Trần Văn Trọng |
Kỳ họp thứ sáu, QH khoá XIII diễn ra từ ngày 21-10 đến ngày 29-11-2013 với nội dung trọng tâm là: Thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) với 486 ĐB tán thành, chiếm 97,5% tổng số ĐB có mặt. Hiến pháp (sửa đổi) đã thể hiện, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới, có tính ổn định lâu dài. Nội dung Hiến pháp (sửa đổi) gồm có Lời nói đầu, 11 chương, 120 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. QH đã ban hành Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp (sửa đổi) bao gồm: quy định hiệu lực của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi); chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp (sửa đổi) có hiệu lực; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong việc tổ chức thi hành, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp (sửa đổi) để bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. QH thông qua 8 luật gồm: Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật Việc làm, Luật Tiếp công dân, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Đấu thầu (sửa đổi). Thông qua 11 Nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật. Xem xét tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp chủ yếu năm 2014; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2013, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014. Giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri; chất vấn và trả lời chất vấn. Về công tác nhân sự: QH đã tiến hành phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyên Thiện Nhân; tăng 1 Phó Thủ tướng Chính phủ; bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh; bổ nhiệm nhân sự giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Nguyễn Văn Nên; bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH đối với ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng Ban Dân nguyện của QH; bầu bổ sung Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của QH: Pháp luật; Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Đối ngoại và Ủy ban về Các vấn đề xã hội… Tại kỳ họp thứ sáu, QH khoá XIII, ĐBQH của tỉnh đã có nhiều cố gắng tham gia vào các hoạt động, chương trình công tác của QH. Các vị ĐBQH đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu để có những ý kiến sâu sắc phát biểu trong các phiên thảo luận tại hội trường và các buổi thảo luận tại Tổ, góp phần để việc biểu quyết, thông qua các Nghị quyết và các dự án luật đạt chất lượng cao; tham gia các hoạt động của QH và các Ủy ban của QH, tham dự các phiên họp theo quy định… Đã có 45 lượt đại biểu tham gia phát biểu ý kiến…
Tại các điểm tiếp xúc, cử tri các địa phương đều bày tỏ vui mừng trước những thành công quan trọng của kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII, đặc biệt là việc thông qua Hiến pháp (sửa đổi), quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2014, cùng nhiều nội dung khác về công tác lập pháp, giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời kiến nghị một số vấn đề quan tâm trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay. Cử tri Thành phố Nam Định đề nghị với QH, Chính phủ, tỉnh và thành phố có biện pháp ngăn chặn tình trạng lãng phí đất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện các dự án nhưng không khả thi; tình trạng lãng phí “chất xám” của một số cán bộ, học sinh ra nước ngoài nghiên cứu, học tập, sau đó không trở lại làm việc phục vụ đất nước; hay việc đào tạo nguồn nhân lực trong nước không theo quy hoạch, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm; tình trạng lãng phí trong xây dựng cơ bản. Trong đó trên địa bàn thành phố còn một số công trình như khu nhà 5 tầng trên đường Trần Thánh Tông, tòa nhà cao tầng của Cty cơ khí Phương Bắc cũ trên đường Văn Cao, khu nhà chung cư cũ tại chợ 5 tầng trên đường Trần Đăng Ninh giải phóng mặt bằng xong đã lâu nhưng vẫn chưa được xây dựng… Đề nghị UBND thành phố có biện pháp khắc phục tình trạng ách tắc giao thông tại các cổng trường học vào những giờ cao điểm. Xây dựng thêm chợ đầu mối tại khu vực phía nam, phía bắc của thành phố để có chỗ tập kết hàng hóa, tránh tình trạng quá tải của các chợ gây mất trật tự ATGT và mỹ quan đô thị.
Cử tri huyện Mỹ Lộc tập trung kiến nghị các vấn đề về pháp luật, chế độ chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cử tri đề nghị QH xem xét hạn chế việc ban hành luật khung bởi thực tế hiện nay khi triển khai thực hiện luật phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn nên chậm thực thi trong thực tiễn. Tăng cường giám sát các cơ quan chức năng trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, bởi trong thời gian gần đây có nhiều văn bản ban hành không có tính khả thi hoặc khó thi hành. Cần có chính sách cho hưởng chế độ đối với thế hệ thứ 3 bị nhiễm chất độc da cam; nên hạ mức quy định độ tuổi hưởng chế độ người cao tuổi từ 80 tuổi như hiện nay xuống 70 tuổi và tăng mức trợ cấp hằng tháng. Đề nghị QH, Chính phủ và tỉnh tiếp tục giành nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng NTM; có cơ chế, chính sách để thúc đẩy chương trình liên kết “4 nhà” và hỗ trợ việc cơ giới hóa để sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn đạt hiệu quả; bố trí nguồn ngân sách để tạo điều kiện cho Ban Nông nghiệp xã hoạt động và tăng mức phụ cấp cho cán bộ kỹ thuật của Ban Nông nghiệp xã…
Cử tri huyện Hải Hậu đề nghị Nhà nước, QH, Chính phủ xem xét công nhận các xã ven biển trên địa bàn huyện là xã biên giới; đơn giản thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH khi giải quyết chế độ nghỉ hưu đối với cán bộ cấp xã; có chính sách cho những trường hợp bộ đội nhập ngũ sau năm 1975 đóng quân tại những vùng có chất độc da cam khi xuất ngũ trở về địa phương bị mắc các bệnh do ảnh hưởng của chất độc da cam. Tiếp tục đầu tư kinh phí hỗ trợ chương trình xây dựng NTM, đặc biệt là những xã có cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn đã bị xuống cấp. Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương chú trọng tuyên truyền những tấm gương “người tốt, việc tốt” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời hạn chế những chương trình giải trí trên truyền hình mang tính thương mại, chương trình phim truyện, ca nhạc có chất lượng thấp, xa rời bản sắc văn hóa dân tộc, không có tác dụng giáo dục và gây phản cảm đối với người xem.
Là địa phương ven biển, cử tri huyện Giao Thủy đề nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh quan tâm xây dựng nơi neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền ở khu vực ngoài đê biển vì hiện nay mỗi khi có bão, tàu thuyền vào tránh trú rất nhiều nhưng lại thiếu khu vực neo đậu an toàn; đầu tư xây dựng kè đê sông Hồng, nhất là đoạn trên địa bàn huyện vì hiện nay ở nhiều điểm phần chân đê đã bị xói mòn nghiêm trọng; nâng cấp kiên cố hóa hệ thống thủy lợi để tạo ra các tầng nước phục vụ việc tưới tiêu và nuôi thủy, hải sản; đồng thời xây dựng hệ thống cấp nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Các cử tri huyện Xuân Trường kiến nghị một số vấn đề như: tình hình ban hành luật, các văn bản hướng dẫn còn chưa kịp thời, đồng bộ; quy trình ban hành văn bản của một số cơ quan Trung ương chưa đúng quy định, chẳng hạn Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT ngày 4-7-2013 của Bộ GD và ĐT. Các văn bản đã ban hành nếu có sửa đổi, bổ sung nên ban hành văn bản mới để thay thế văn bản cũ, không nên ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, gây khó khăn cho người dân khi theo dõi cùng lúc 2 văn bản về cùng một việc. Đối với việc điều tra, xét xử của một số cơ quan pháp luật thời gian qua vừa bỏ lọt tội phạm nghiêm trọng, vừa có oan sai, gây mất niềm tin của nhân dân vào cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong việc thực hiện chính sách người có công còn chậm triển khai; hướng dẫn chưa chi tiết, chưa lường hết những vấn đề thực tiễn. Chẳng hạn người có tỷ lệ thương tật trên 61% thì vợ, con được hưởng BHYT nhưng trường hợp cả 2 vợ chồng có tỷ lệ thương tật từ 60% trở xuống lại không được hưởng BHYT. Chính sách bố trí, sử dụng cán bộ ở một số địa phương chưa hợp lý, nơi thừa, nơi thiếu. Một số chức danh như cán bộ giao thông - thủy lợi lại bố trí kiêm nhiệm trong khi công việc này ở cơ sở rất quan trọng, khối lượng công việc nhiều; nhân viên y tế cơ sở thừa trong khi phụ cấp lại cao.
Phát biểu tại các cuộc tiếp xúc với cử tri Thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Đồng chí thông tin thêm đến các cử tri về tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và trên toàn quốc; đồng thời phân tích, giải đáp những nội dung cốt lõi của Hiến pháp (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó nhấn mạnh: Bản Hiến pháp (sửa đổi) đã quy định rõ ràng, đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, bảo vệ Tổ quốc, về tổ chức bộ máy Nhà nước… khẳng định mạnh mẽ giá trị bất biến của chủ quyền quốc gia của nhân dân Việt Nam, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt, Hiến pháp đã thể hiện được ý Đảng đồng thuận với lòng dân; khẳng định tư tưởng chủ đạo của dân tộc Việt Nam là đề cao quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân; phản ánh giá trị cao quý, bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đồng chí ghi nhận những kiến nghị của cử tri và giải đáp một số vấn đề cử tri quan tâm thuộc thẩm quyền. Các ĐBQH của tỉnh đã giải trình, làm rõ một số vấn đề mà cử tri các địa phương quan tâm, đồng thời tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp, báo cáo với QH, Chính phủ và các bộ, ngành của Trung ương nghiên cứu, xem xét giải quyết./.
Nhóm PV thời sự