Ngày 7-11-2013, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh và các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng (TCTD) về việc cung ứng vốn cho các tổ chức, đơn vị kinh tế trên địa bàn tỉnh. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở: Tài chính, Công thương, Cục Thuế tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. |
Đến nay, toàn tỉnh có 15 chi nhánh TCTD (6 chi nhánh NHTM Nhà nước, 7 chi nhánh NHTM cổ phần, Chi nhánh Ngân hàng CSXH, Chi nhánh Ngân hàng HTX), 41 Quỹ tín dụng (QTD) cơ sở, 4 đơn vị tổ chức tài chính vi mô, 98 phòng giao dịch. Tổng nguồn vốn huy động từ các tổ chức và dân cư đến cuối tháng 10-2013 đạt 19.030 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với đầu năm. Trong đó tiền gửi bằng VND tăng 13,4%, tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 3,6%, tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng 12% và chiếm tỷ trọng 80%. Dư nợ cho vay đạt 21.077 tỷ đồng, tăng trưởng 9,2% so với cuối năm 2012. Phân theo loại hình TCTD: dư nợ nhóm các NHTM Nhà nước đạt 15.293 tỷ đồng, chiếm 72,56%; dư nợ nhóm các NHTM cổ phần đạt 2.382 tỷ đồng, chiếm 11,3%; dư nợ tại Ngân hàng CSXH đạt 2.065 tỷ đồng, chiếm 9,8%; dư nợ 1.337 tỷ đồng ở các QTD và các tổ chức tài chính vi mô, chiếm 6,34%. Thực hiện các quy định về chính sách lãi suất và giải pháp tín dụng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp, NHNN đã chỉ đạo các TCTD triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc việc giảm lãi suất cho vay. Đến nay mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND đã giảm 3-4%/năm so với năm 2012, giảm 5-7% so với năm 2011 và trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Tỷ trọng dư nợ cho vay bằng VND với lãi suất thấp tăng dần hằng tháng, dư nợ cho vay bằng VND với mức lãi suất dưới 10%/năm chiếm 19,6%, mức lãi suất từ 10-13%/năm chiếm 71%, mức lãi suất từ 13-15% chiếm 7,1%, mức lãi suất trên 15% chỉ còn chiếm 2,3%. Các NHTM Nhà nước không còn mức lãi suất trên 15%/năm và mức lãi suất cho vay trên 13%/năm chiếm tỷ trọng không đáng kể. Nợ xấu của TCTD trên địa bàn cũng được kiểm soát hiệu quả; dư nợ xấu cuối năm 2011 là 243 tỷ đồng (tỷ lệ nợ xấu 1,34%), cuối năm 2012 là 177 tỷ đồng (tỷ lệ nợ xấu là 0,92%), cuối tháng 10-2013 là 283 tỷ đồng (tỷ lệ nợ xấu là 0,92%). Tại hội nghị, lãnh đạo các TCTD đã nêu những khó khăn để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng và bàn các giải pháp tháo gỡ. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế tăng trưởng tín dụng là: Một số doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nhưng không có nhu cầu vay vốn vì chưa có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi; một số doanh nghiệp hạn chế năng lực tài chính, không chứng minh được tính khả thi cũng như hiệu quả của dự án, báo cáo tài chính chưa minh bạch, chưa chứng minh được khả năng trả nợ không có tài sản bảo đảm thủ tục pháp lý... Hội nghị thống nhất đề ra những giải pháp để đảm bảo hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2013 là: Các TCTD tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối nguồn vốn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng tín dụng trên địa bàn cả năm đạt 15% so với cuối năm 2012. Chủ động xử lý nợ xấu theo đúng các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 843/QĐ-TTg. Nâng cao vai trò của NHNN trong quản lý Nhà nước về hoạt động tín dụng đối với các TCTD trên địa bàn.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: NHNN và các TCTD cần nghiên cứu nghiêm túc cơ cấu cho vay phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế. Trong 2 tháng cuối năm, các TCTD cần huy động mọi nguồn lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, tạo tiền đề cho các chỉ tiêu chung của nền kinh tế những năm tới mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra. Trong đó tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên, chú trọng tới các doanh nghiệp đang thực hiện các dự án trong lĩnh vực dệt may, đóng tàu, công nghiệp, các doanh nghiệp chế biến: gỗ, bia, hóa dược, hàng nông sản, thực phẩm… Đồng chí nhấn mạnh, muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% các TCTD phải tham gia tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; cải tiến đơn giản thủ tục cho vay, áp dụng lãi suất linh hoạt, đảm bảo lãi suất thấp hơn 10%/năm đối với các món vay ngắn hạn, tháo gỡ về tài sản đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sắp hoàn thành, các doanh nghiệp có đơn đặt hàng, có thị trường tiêu thụ… Đối với NHNN cần làm tốt công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín dụng trên địa bàn để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Đối với mỗi TCTD cần nghiên cứu phương thức quản lý của ngân hàng cấp Trung ương để có đề xuất, kiến nghị trong hoạt động tín dụng, đảm bảo phù hợp với đặc thù riêng của cơ cấu kinh tế của tỉnh, bảo đảm ngân hàng thực sự là kênh quan trọng nhất cung cấp vốn cho nền kinh tế./.
Tin, ảnh: Quang Lộc