Trong các ngày 30 và 31-10-2013, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh do đồng chí Trần Văn Chung, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát chuyên đề Công tác quản lý Nhà nước về thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục công lập trong 3 năm (từ năm 2010 đến năm 2012) tại Sở GD và ĐT và Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp tỉnh Nam Định.
Trong 3 năm qua, Sở GD và ĐT đã triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, UBND tỉnh về thiết bị dạy học. Việc trang bị và sử dụng thiết bị dạy học tối thiểu được thực hiện theo đúng danh mục quy định của Bộ GD và ĐT ở các cấp học mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Trong đó, thiết bị dạy học của cấp học mầm non đảm bảo chất lượng các chỉ số quy định trong danh mục, độ an toàn, công năng và độ bền. Ở cấp tiểu học, THCS và THPT ngành đã tổ chức mua sắm thiết bị dạy học theo danh mục quy định, đảm bảo chất lượng phục vụ chương trình đổi mới giáo dục phổ thông. Ngành đã tăng cường đầu tư trang thiết bị tin học và ngoại ngữ cho các trường phổ thông nhằm nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và trình độ ngoại ngữ cho học sinh ở các cấp học. Sở GD và ĐT đã phát động mạnh mẽ phong trào tự làm thiết bị và cải tạo thiết bị dạy học trong toàn ngành. Nhiều tập thể, cá nhân có những thiết bị tự làm, thiết bị cải tiến xuất sắc có tính thực tiễn cao được sử dụng rộng rãi trong công tác dạy và học. Thông qua phong trào tự làm thiết bị dạy học và sử dụng thiết bị dạy học đã góp phần quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao hiệu quả giờ lên lớp; đồng thời, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Công tác tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp quản lý, sử dụng, bảo quản thiết bị dạy học được thực hiện thường xuyên. Trong 3 năm qua, toàn ngành đã tổ chức tập huấn về tin học, ngoại ngữ, thư viện, thiết bị cho 1.150 cán bộ, giáo viên các bậc học phổ thông. Từ năm 2010 đến năm 2012, tổng đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học là 249 tỷ 495 triệu đồng; trong đó, đầu tư từ ngân sách Nhà nước là 193 tỷ 611 triệu đồng, đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia là 15 tỷ 093 triệu đồng và từ nguồn xã hội hóa là 40 tỷ 791 triệu đồng. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước về thiết bị dạy học trong các nhà trường thời gian qua còn những khó khăn bất cập: Bậc học mầm non chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý, sử dụng thiết bị dạy học. Bậc tiểu học, THCS, THPT tuy đã có đủ số cán bộ quản lý, sử dụng thiết bị dạy học nhưng số cán bộ chuyên trách đã qua đào tạo còn ít, chủ yếu là kiêm nhiệm. Về cơ sở vật chất các trường mầm non chưa có phòng quản lý thiết bị riêng, một số trường tiểu học, THCS do thiếu phòng học bộ môn, thiếu không gian trưng bày nên việc khai thác, sử dụng, bảo quản trang thiết bị dạy học chưa hiệu quả. Từ thực tế trên, Sở GD và ĐT đã đề nghị Bộ GD và ĐT, UBND tỉnh tiếp tục bổ sung thiết bị dạy học cho các nhà trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Bổ sung biên chế cán bộ chuyên trách thiết bị dạy học cho các nhà trường; tăng cường hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.
Tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp tỉnh Nam Định, thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng thiết bị dạy học được thực hiện nền nếp, khoa học. Thiết bị dạy học khi đầu tư mua sắm đều được kiểm tra chất lượng, vào sổ tài sản và có kế hoạch bảo quản, khai thác sử dụng, sửa chữa đúng quy định; những thiết bị đã hư hỏng đều được bổ sung kịp thời phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Từ năm 2010 đến năm 2012, Trung tâm được cấp 400 triệu đồng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy. Hiện nay, Trung tâm đã trang bị tương đối đầy đủ trang thiết bị dạy học cho các phòng học bộ môn như: điện dân dụng, thêu, tin học, nấu ăn, làm và cắm hoa nghệ thuật. Bên cạnh đó, Trung tâm còn đầu tư mua sắm trang thiết bị vật tư để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu dạy và học, đồng thời phát động phong trào giáo viên tham gia chế tạo thiết bị phục vụ nội dung chương trình bài giảng. Tuy nhiên, công tác đầu tư thiết bị dạy học tại Trung tâm vẫn còn những khó khăn, bất cập như: Việc bổ sung trang thiết bị và kinh phí để mua sắm thiết bị phục vụ cho các phòng học chức năng còn hạn chế; không có cán bộ chuyên trách trong việc quản lý, bảo quản thiết bị. Một số thiết bị của phòng tin học được Bộ GD và ĐT cấp từ Dự án THCS II (năm 2007), chất lượng thiết bị thấp, hay bị hư hỏng, hiệu quả sử dụng không cao. Từ thực trạng trên, Trung tâm kiến nghị với UBND tỉnh và Sở GD và ĐT quan tâm đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy và học, bổ sung biên chế thực hiện công tác quản lý thiết bị dạy học.
Tại các buổi giám sát, các thành viên trong Đoàn đã đề nghị Sở GD và ĐT, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Nam Định làm rõ một số nội dung như: Công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra của ngành Giáo dục đối với việc bổ sung các thiết bị hư hỏng và phát hiện vi phạm trong việc bảo quản trang thiết bị. Hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học tại các cấp học, tần suất sử dụng trang thiết bị trong giảng dạy và học tập; việc sử dụng máy vi tính tại các trường học mầm non. Cơ chế khuyến khích giáo viên tham gia phong trào tự làm thiết bị dạy học và một số vấn đề liên quan đến việc tổ chức dạy nghề phổ thông và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông như: xu hướng học nghề của học sinh; hình thức, kinh phí, hiệu quả liên kết giữa Trung tâm và các trường phổ thông trên địa bàn.
Các nội dung kiến nghị trong việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục công lập tại các buổi giám sát đã được Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh ghi nhận và đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết./.
Văn Trọng