Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi khu dân cư chung tay, góp sức cho phong trào xây dựng gia đình văn hoá (*)

07:09, 19/09/2013

(Bài phát biểu của đồng chí
Bí thư Tỉnh uỷ
PHẠM HỒNG HÀ tại hội nghị)

Kính thưa các đồng chí và quý vị đại biểu

Hôm nay, chúng ta rất vui mừng, phấn khởi được tham dự Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc tỉnh Nam Định lần thứ II, một hoạt động hết sức có ý nghĩa trong đời sống chính trị - văn hoá - xã hội - kinh tế của tỉnh. Thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, tôi nhiệt liệt chúc mừng 90 Gia đình văn hoá tiêu biểu, đại diện cho hơn 418.000 Gia đình văn hoá trong toàn tỉnh về dự hội nghị này. Chúc các đồng chí và quý vị đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc.

Kính thưa các đồng chí và quý vị đại biểu

Tỉnh Nam Định của chúng ta là tỉnh có truyền thống văn hiến, yêu nước và cách mạng. Với truyền thống tốt đẹp này, trong nhiều năm qua, cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân trong tỉnh đã nhiệt tình hưởng ứng và tích cực thực hiện đường lối của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, coi đó vừa là động lực, vừa là mục tiêu của quá trình phát triển đất nước một cách bền vững. Đặc biệt là chúng ta đã rất tích cực thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hoá, một trong những nội dung quan trọng nhất của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, một nội dung ảnh hưởng thiết thực nhất, trực tiếp nhất đối với từng người, từng gia đình và cộng đồng dân cư.

Từ chuyển biến về nhận thức đã dẫn tới sự chuyển biến về hành động thông qua việc đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền và các phong trào quần chúng cụ thể như:

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Phong trào xây dựng làng văn hoá”, “Khu dân cư 5 không” của MTTQ tỉnh; phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân, viên chức, lao động của LĐLĐ tỉnh; phong trào “Gia đình nông dân văn hoá” của Hội Nông dân tỉnh; mô hình CLB, phấn đấu nuôi con khoẻ dạy con ngoan, xây dựng mái ấm gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” của Hội LHPN tỉnh; gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học của Hội Khuyến học tỉnh…

Quy mô, chất lượng của các phong trào ngày càng được nâng cao hơn và biểu hiện rất rõ qua các nội dung lớn như: Chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia các phong trào thi đua của địa phương; xây dựng gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập. Qua 5 năm thực hiện phong trào, tỷ lệ gia đình văn hoá tăng từ 63,89% năm 2007 lên 77% năm 2012. Đã có một số huyện tiêu biểu như: Thành phố Nam Định, huyện Vụ Bản, huyện Hải Hậu… đã xuất hiện nhiều tấm gương, điển hình tốt có sức lan toả cao.

Những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hoá cùng với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã góp phần quan trọng để duy trì, phát huy truyền thống, bản sắc văn hoá; các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và quê hương Nam Định; tạo nên động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng xã hội văn minh, cộng đồng hoà thuận, thôn xóm, tổ dân phố bình yên, gia đình hạnh phúc.

Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh nhiệt liệt chúc mừng, ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao thành tích, kết quả đã đạt được từ phong trào xây dựng gia đình văn hoá trong thời gian qua, đặc biệt là 90 gia đình văn hoá tiêu biểu được tuyên dương tại hội nghị hôm nay.

Kính thưa các đồng chí và quý vị đại biểu

Trong quá trình lãnh đạo và tổ chức thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hoá cũng còn một số hạn chế, trong đó đáng chú ý là: Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể chưa tập trung, chủ động trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo ở một số địa phương chưa tốt. Chất lượng, hiệu quả phong trào chưa đồng đều, đặc biệt chưa có được sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các cấp, ngành, các lực lượng trong việc tuyên truyền, ngăn chặn một cách hiệu quả sự tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường đối với từng gia đình trong việc giữ gìn các giá trị văn hoá, đạo đức, nhân văn tốt đẹp của dân tộc. Vẫn còn tình trạng bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ, mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp trong gia đình, họ hàng, thôn xóm… Đây là những hạn chế cần được tích cực khắc phục trong thời gian tới.

Kính thưa các đồng chí và quý vị đại biểu

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hoá và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” nói chung trong thời gian tới, tôi cơ bản nhất trí phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp như đã đề cập trong báo cáo của Ban Chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” của tỉnh và nhấn mạnh một số nội dung quan trọng sau:

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với các phong trào này, coi đây là một trong những nội dung trọng tâm, thường xuyên trong chương trình công tác, đề ra được những giải pháp chỉ đạo và thực hiện cụ thể. Chú trọng lãnh đạo việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tiếp tục đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá ở cơ sở.

2. MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, duy trì và phát triển phong trào sâu rộng hơn nữa với các hoạt động cụ thể, thiết thực, gắn kết chặt chẽ với chương trình xây dựng NTM, các phong trào nhân đạo, từ thiện, vì cộng đồng, vì xã hội và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Nâng cao chất lượng, tăng thời lượng hơn nữa các tin, bài, chuyên mục phản ánh về những tập thể điển hình, cá nhân tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến, các cách làm hay, những mô hình tốt để khuyến khích, nhân rộng.

4. Củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp. Có kế hoạch hoạt động hằng năm cụ thể, thiết thực, sát với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện phong trào. Thực hiện tốt công tác đăng ký, bình xét, thẩm định, công nhận gia đình văn hoá hằng năm đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định; tổng kết phong trào, khen thưởng kịp thời các gia đình văn hoá tiêu biểu hằng năm gắn với tổ chức “Ngày Gia đình Việt Nam” (28-6), “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” (18-11).

Kính thưa các đồng chí và quý vị đại biểu

Phát huy truyền thống văn hiến tốt đẹp của quê hương Nam Định và thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ kính yêu: Hạt nhân của xã hội là gia đình. Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt… Tôi mong rằng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi khu dân cư trong toàn tỉnh hãy tích cực hưởng ứng, chung tay, góp sức cho phong trào xây dựng gia đình văn hoá cùng với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” để cùng nhau phấn đấu cho mục tiêu xây dựng đất nước, quê hương Nam Định ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Xin chúc các đồng chí và quý vị đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn./.

------------
(*) Đầu đề của Báo Nam Định
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com