Ngày 17-9-2013, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết XDĐSVH” tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn tỉnh lần thứ II, năm 2013. Dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Trần Lương Bằng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phong trào của tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các huyện, thành phố và đại diện 90 Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại diện 90 Gia đình văn hóa tiêu biểu toàn tỉnh năm 2013. |
Trong 5 năm (2007-2012), ở tỉnh ta, công tác xây dựng gia đình văn hóa nói riêng và “Xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH đất nước” theo tinh thần Chỉ thị 49 của Ban Bí thư được triển khai có chiều sâu và diện rộng, bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ. Trong quá trình triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết XDĐSVH”, xây dựng gia đình văn hóa, Ban Chỉ đạo phong trào các cấp đều xây dựng kế hoạch, mục tiêu, phương hướng cụ thể, thiết thực phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Việc đăng ký, bình xét, công nhận gia đình văn hóa được các địa phương tổ chức công khai, dân chủ, đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn. Nhiều ngành có cách làm sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa như: Hội Phụ nữ với phong trào xây dựng "Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", “Gia đình 5 không, 3 sạch"; Hội Nông dân với phong trào "Gia đình nông dân văn hóa"; Hội CCB có phong trào "Gia đình hội viên gương mẫu"; Hội Người cao tuổi thực hiện "Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo"... Đến nay, toàn tỉnh có 418.025/546.127 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt 77%, tăng 13% so với năm 2007. Bên cạnh những mặt tích cực, phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại, hạn chế: Các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam như hiếu nghĩa, thuỷ chung, kính trên, nhường dưới có biểu hiện xuống cấp. Cấp uỷ, chính quyền một số cơ sở chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, ý nghĩa của phong trào, chưa tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc nên chất lượng phong trào chưa đồng đều. Ở một số nơi, công tác bình xét có biểu hiện chạy theo thành tích, chưa coi trọng chất lượng… Ban Chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết XDĐSVH” tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2015: Toàn tỉnh có 80% gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa; 18,7% gia đình được công nhận Gia đình thể thao. Đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 85% gia đình được công nhận Gia đình văn hóa, 25% gia đình được công nhận Gia đình thể thao…
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, đoàn thể và các gia đình tiêu biểu trình bày tham luận trao đổi kinh nghiệm trong phong trào xây dựng gia đình văn hoá.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã biểu dương 90 Gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc, đại diện cho hơn 418 nghìn Gia đình văn hóa trong toàn tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh: trong thời gian tới, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; mỗi người dân, mỗi gia đình, các địa phương trong toàn tỉnh cần tích cực chung tay nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa nói riêng và phong trào “Toàn dân đoàn kết XDĐSVH” nói chung, phấn đấu cho mục tiêu xây dựng đất nước, quê hương Nam Định ngày càng giàu mạnh, văn minh (Toàn văn phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đăng trong số báo hôm nay).
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho 90 Gia đình văn hoá tiêu biểu toàn tỉnh lần thứ II, năm 2013./.
Tin, ảnh: Việt Thắng