Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội về thăm và làm việc tại tỉnh ta

07:07, 17/07/2013

Ngày 16-7-2013, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã về thăm và làm việc tại tỉnh ta về tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương (NQTW) 7 (khóa X). Cùng đi với đồng chí Chủ tịch Quốc hội có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT; Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch HND Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành: KH và ĐT, Y tế, Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội. Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Phạm Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện NQTW 7 (khóa X) của tỉnh; các đồng chí trong Ban TVTU: Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Công Chuyên, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Trần Văn Chung, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ngô Quang An, Giám đốc Sở KH và ĐT; Trần Văn Chung, Bí thư Thành ủy Nam Định và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chụp ảnh với các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Xuân Thu
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chụp ảnh với các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Xuân Thu

Tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện NQTW 7 (khóa X) của tỉnh đã báo cáo với đồng chí Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác về tình hình 5 năm (2009-2013) thực hiện NQTW 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Triển khai thực hiện Nghị quyết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương, đồng thời xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách của tỉnh để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã ban hành 8 nghị quyết, trong đó có 6 nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo các nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Ban TVTU, BCH Đảng bộ tỉnh có nhiều chỉ thị, kết luận chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện các nghị quyết, đặc biệt là triển khai chương trình xây dựng NTM. UBND tỉnh đã rà soát, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch phát triển Thành phố Nam Định đến năm 2020; lập Đề án xây dựng KKT Ninh Cơ, chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát, xây dựng các quy hoạch: sử dụng đất giai đoạn 2010-2020; phát triển giao thông vận tải; bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp; phát triển thương mại; phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020… Trong lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh đã hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; quy hoạch xây dựng NTM. Đến tháng 6-2013, toàn tỉnh có 199/200 xã, thị trấn triển khai công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), trong đó có 149 xã hoàn thành giao đất ngoài thực địa. Thông qua DĐĐT đã vận động các hộ nông dân góp đất, góp công, kinh phí, huy động máy móc, phương tiện đào đắp đường giao thông, thủy lợi nội đồng kết hợp chỉnh trang đồng ruộng. Toàn tỉnh đã xây dựng được 150 mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với tổng diện tích 8.725ha; từng bước mở rộng diện tích gieo sạ, đến năm 2013, tỷ lệ gieo sạ đạt 16% diện tích gieo cấy. Tỷ trọng giống lúa hàng hóa chất lượng cao tăng từ 20% năm 2008 lên 70% năm 2013; chuyển 100% diện tích lúa xuân sang trà xuân muộn; 60% diện tích lúa mùa sang trà mùa sớm và mùa trung sớm nên đã giảm thiểu ảnh hưởng của sâu bệnh và thiên tai. Năng suất lúa bình quân đạt 119 tạ/ha, sản lượng lúa hằng năm đạt trên 930 nghìn tấn, trong đó có 350-400 nghìn tấn lúa hàng hóa chất lượng cao; giá trị sản phẩm trên 1ha đất canh tác năm 2012 đạt 95 triệu đồng, bằng 1,5 lần so với năm 2008, luôn là tỉnh trong nhóm dẫn đầu về sản xuất lúa ở đồng bằng sông Hồng. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục được duy trì, phát triển theo hướng tập trung trang trại, gia trại. Toàn tỉnh có 116 trang trại, 9.000 gia trại đạt tiêu chí mới. Về nuôi trồng thủy sản, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15%/năm; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm tỷ trọng khai thác. Sản lượng thủy sản năm 2012 đạt 100 nghìn tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 53.281 tấn, khai thác đạt 46.779 tấn. Trong 5 năm (2009-2013), tỉnh đã tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách và xã hội để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn. Tập trung ưu tiên các công trình trọng điểm phục vụ sản xuất, phòng, chống thiên tai. Toàn tỉnh đã lập, triển khai 90 dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp với tổng vốn đầu tư 4.818,1 tỷ đồng; hoàn thành nâng cấp 56,8/91,5km đê biển, bê tông 102,6km mặt đê sông; xây mới 15 cống qua đê… Trong lĩnh vực giao thông, đã tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh và hệ thống giao thông nông thôn… với tổng vốn đầu tư 8.619 tỷ đồng. Đến tháng 6-2010, đã bàn giao toàn bộ lưới điện nông thôn cho ngành Điện quản lý. Từ năm 2009-2013, tổng vốn huy động đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đạt 37.688,7 tỷ đồng, bằng 2,96 lần so với giai đoạn 2004-2008; trong đó vốn Nhà nước 11.472,3 tỷ đồng (chiếm 30,44%), vốn doanh nghiệp 8.780 tỷ đồng (chiếm 23,3%), vốn góp của nhân dân 16.333,6 tỷ đồng (chiếm 43,33%), vốn ODA 1.102,8 tỷ đồng (chiếm 2,93%). Về công nghiệp và dịch vụ nông thôn, năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp ở nông thôn đạt 7.814 tỷ đồng, gấp 2,04 lần so với năm 2008, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2009-2013 đạt 18,8%/năm. Ngành nghề nông thôn phát triển ổn định, toàn tỉnh có 113 làng nghề, trong đó có 74 làng nghề được công nhận nghề và làng nghề truyền thống, thu hút 130 nghìn lao động làm việc tại 305 cơ sở, 52 nghìn hộ sản xuất ngành nghề. Đến nay, toàn tỉnh có 443 doanh nghiệp đầu tư vào 20 CCN, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2.548 tỷ đồng, tăng 1.594,1 tỷ đồng so với năm 2008, thu hút trên 16 nghìn lao động. Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2011-2015), tỉnh đã chọn 96 xã (chiếm 46% số xã toàn tỉnh) thực hiện. Đến tháng 6-2013, có 3 xã đạt 18/19 tiêu chí, 9 xã đạt 17 tiêu chí, 11 xã đạt 16 tiêu chí, 12 xã đạt 15 tiêu chí, 47 xã đạt từ 10-14 tiêu chí và 14 xã đạt từ 8-10 tiêu chí. Trong 3 năm (2010-2013), tổng vốn huy động thực hiện chương trình xây dựng NTM đạt 5.013,8 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Nhà nước 1.748,7 tỷ đồng, bằng 34,9%; vốn doanh nghiệp 714,7 tỷ đồng, bằng 14,3%, vốn nhân dân đóng góp 826 tỷ đồng, bằng 16,5%... Tỉnh đã quan tâm thực hiện các chính sách xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Trong đó tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội; thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống mới ở nông thôn. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội giải quyết những bức xúc ở nông thôn. Trong 5 năm (2009-2013) đã giải quyết việc làm cho 114.240 người, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên tăng từ 74,7% năm 2009 lên 76,5% năm 2013; thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 10,6 triệu đồng/người năm 2008 lên 20,7 triệu đồng/người năm 2012, ước năm 2013 đạt 24 triệu đồng/người; tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 90,26%; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm dần, đến năm 2012 còn 6,72%.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Xí nghiệp May thuộc Cty CP May Sông Hồng tại Cụm Công nghiệp Hải Phương, huyện Hải Hậu. Ảnh: Hoàng Tuấn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo thăm Xí nghiệp May thuộc Cty CP May Sông Hồng tại Cụm Công nghiệp Hải Phương, huyện Hải Hậu. Ảnh: Hoàng Tuấn

Tại buổi làm việc, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Trung ương chỉ đạo và có hình thức phù hợp để tổ chức và quản lý các vấn đề có tính liên tỉnh, liên vùng, nhất là trong công tác quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch sản xuất, quy hoạch sản phẩm chủ yếu và thị trường tiêu thụ, quy hoạch hạ tầng then chốt, quy hoạch bảo vệ môi trường… để đảm bảo tính thống nhất, vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh, vừa phát huy hiệu quả tổng thể của vùng, liên vùng, tránh tình trạng cạnh tranh phân tán, lãng phí nguồn nhân lực và nguồn vốn. Tiếp tục rà soát, bổ sung luật pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, cơ giới hóa sản xuất. Rà soát, bổ sung, sửa đổi các Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 4-6-2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng thông thoáng về thủ tục, điều kiện đảm bảo và có mức đầu tư, hỗ trợ, hạn mức vay đủ lớn, lãi suất thấp để có sức hấp dẫn khuyến khích nông dân và doanh nghiệp. Tiếp tục có cơ chế, hình thức phù hợp về bảo hiểm sản xuất nông nghiệp. Tăng vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và vốn hỗ trợ các tỉnh chuyên trồng lúa và người trồng lúa; hướng dẫn, trợ giúp các địa phương trong quản lý, quản trị và đối phó với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên, môi trường, nhất là trong công tác xây dựng hệ thống cảnh báo, đánh giá tác động, xác định cơ cấu sản phẩm nông nghiệp phù hợp.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch Quốc hội biểu dương và đánh giá cao kết quả đạt được của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh trong việc thực hiện NQTW 7 (khóa X). Đồng chí nhấn mạnh, tỉnh cần rà soát lại các quy hoạch phát triển gắn với quy hoạch của vùng, liên vùng; chú ý tính toán việc phát triển CN-TTCN, làng nghề gắn với phát triển nông nghiệp, dịch vụ. Tiến hành tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lựa chọn sản phẩm nông nghiệp, lựa chọn thị trường, thế mạnh truyền thống của nông nghiệp Nam Định, xây dựng mô hình sản xuất có hiệu quả, bền vững. Giải quyết vấn đề đất nông nghiệp, đảm bảo phát huy hiệu quả kinh tế, tổ chức các mô hình trang trại, gia trại phát triển bền vững. Tiếp tục nghiên cứu đưa khoa học, công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nhận thức rõ CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn đảm bảo từ khâu tổ chức sản xuất, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Với truyền thống là địa phương có nền giáo dục tốt, cần tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao gắn với nông nghiệp, nông thôn, đồng bộ với phát triển CN-TTCN, dịch vụ. Tiếp tục đẩy mạnh Chương trình “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, phong trào xây dựng NTM, đảm bảo nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho nhân dân, có chính sách huy động nguồn lực để ủng hộ công cuộc xây dựng NTM. Đồng chí tin tưởng rằng, với trí và lực của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh, Nam Định sẽ thực hiện tốt NQTW 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng chí gửi lời chúc sức khỏe đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh ta.

Cũng trong chương trình của Đoàn công tác, sáng 16-7, đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã về thăm và làm việc tại huyện Hải Hậu. Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Hải Hậu đã báo cáo với Chủ tịch Quốc hội về kết quả 5 năm (2008-2013) thực hiện NQTW 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện. Trong chương trình xây dựng NTM, toàn huyện đã phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, cụ thể hóa 19 tiêu chí xã NTM của Trung ương thành 8 tiêu chí gia đình NTM và 12 tiêu chí xóm NTM. Đến hết năm 2012, toàn huyện có 204/546 xóm (tổ dân phố) đạt tiêu chí NTM; 64.244 gia đình được công nhận gia đình NTM, đạt 71%; đào tạo nghề cho 6.029 lao động; truyền nghề cho 19.223 lao động, tập huấn cho 11.750 lao động. Toàn huyện bình quân đạt 15/19 tiêu chí, tăng 8 tiêu chí so với trước năm 2010.

Đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã đi thăm các công trình, thành tựu phát triển nông nghiệp, nông thôn ở một số xã Hải Nam, Hải Phương, Hải Sơn… Tại các nơi đến thăm, đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã động viên, thăm hỏi cán bộ, nhân dân trong xã. Phát biểu trong chuyến thăm ở huyện Hải Hậu, đồng chí Chủ tịch Quốc hội biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Đồng chí cũng lưu ý với huyện một số vấn đề về CNH nông nghiệp, nông thôn, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động; tăng cường sử dụng lao động có tay nghề; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Trong xây dựng NTM, lấy nông thôn làm địa bàn để quy hoạch; nông dân làm chủ thể xây dựng, Nhà nước hỗ trợ từng phần, từng bước xây dựng NTM bền vững, không chạy theo thành tích, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, đảm bảo nâng cao đời sống cơ sở vật chất, tinh thần cho nhân dân./.

Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com