Ngày 26-6-2013, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; sơ kết thực hiện Chỉ thị 1940 của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo và Chỉ thị 22 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý đất đai liên quan đến tôn giáo. Đồng chí Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh tới dự và chỉ đạo hội nghị. Đồng chí Bùi Đức Long, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Thiếu tướng Đặng Văn Sinh, Giám đốc Công an tỉnh; Phạm Văn Bằng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18-6-2004. Qua 8 năm triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp lệnh, nghị định của Chính phủ về hoạt động tôn giáo; các cấp, các ngành đã tổ chức trên 800 hội nghị quán triệt phổ biến Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện tốt Đề án tuyên truyền giáo dục pháp luật của Chính phủ cho tín đồ các tôn giáo, do đó đã giúp các tổ chức tôn giáo và nhân dân nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo ở địa phương được thực hiện đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, tôn giáo hoạt động theo pháp luật. Công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện nghiêm túc, tăng cường công tác quản lý các hoạt động đối ngoại của các tổ chức, cá nhân tôn giáo phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước thông qua các hoạt động đối ngoại của các tôn giáo… UBND tỉnh đã chấp thuận, cho phép thành lập 13 tổ chức tôn giáo cơ sở; 629 trường hợp đi đào tạo tại các trường tôn giáo… Sinh hoạt tôn giáo của đồng bào được bảo đảm an toàn, đúng pháp luật. Để nâng cao hiệu quả thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các địa phương trong tỉnh cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước đối với công tác tôn giáo; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 92 của Chính phủ, đảm bảo thực hiện nghiêm túc và thống nhất; tăng cường công tác phối hợp kiểm tra giữa các ngành, các cấp, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, nhất là trong hoạt động xây, sửa, nâng cấp nơi thờ tự; vấn đề hiến nhượng, lấn chiếm đất công... đối với tổ chức, cá nhân thuộc các tôn giáo.
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 1940/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo và Chỉ thị 22/CT-UBND của UBND tỉnh về tăng cường quản lý đất đai liên quan đến tôn giáo, việc quản lý, sử dụng nhà, đất liên quan đến công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh từng bước chuyển biến theo hướng tích cực. Các nhu cầu về nhà, đất phục vụ cho mục đích tôn giáo được quan tâm xem xét, giải quyết. Tuy nhiên do lịch sử để lại, việc giải quyết các vấn đề về nhà, đất nói chung và nhà, đất liên quan đến tôn giáo nói riêng có nhiều khó khăn. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần tăng cường công tác quản lý đất đai theo Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 18-7-2012 của BCH Đảng bộ tỉnh “Về việc tăng cường lãnh đạo công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh”, có kế hoạch giải quyết, xử lý các vụ việc tồn đọng; tổ chức nghiên cứu, phối hợp, thống nhất chỉ đạo, xem xét, giải quyết đảm bảo đúng pháp luật, phù hợp với tình hình địa phương. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các sai phạm mới phát sinh; việc xử lý phải kịp thời, kiên quyết, dứt điểm ngay từ cơ sở. Tập trung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo theo hướng: cơ sở tôn giáo sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì khẩn trương thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn đối với các trường hợp đất đai có tranh chấp, vi phạm thì xác minh làm rõ và cấp giấy chứng nhận sau khi đã xử lý.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ngành chức năng cần tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp trong công tác tôn giáo, nhất là công tác quản lý các hoạt động tôn giáo và nhà, đất liên quan đến tôn giáo; tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo công tác tôn giáo ở các huyện, thành phố; chủ động đấu tranh với mọi âm mưu lợi dụng các vấn đề tôn giáo nhằm chia rẽ, gây mất đoàn kết giữa các tôn giáo của các thế lực thù địch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. UBND các huyện, thành phố tiếp tục chủ động rà soát, nắm chắc tình hình sử dụng đất đai của các cơ sở tôn giáo đang sử dụng; thống kê phân loại chính xác, xác định từng loại diện tích đất cơ sở tôn giáo xin lại, đòi lại, chuyển nhượng, nhận hiến tặng; loại đất, nguồn gốc đất, thời điểm chuyển nhượng…, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn không để phát sinh vi phạm mới, đồng thời tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo./.
Văn Trọng