Ngày 29-4-2013, đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch lợn tai xanh tại các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Giao Thủy. Cùng đi với đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh có lãnh đạo các Sở: NN và PTNT, TN và MT, Công thương, Y tế và Công an tỉnh.
Đến hết ngày 28-4-2013, dịch lợn tai xanh ở tỉnh ta đã phát sinh tại 14 xã của 2 huyện Trực Ninh và Xuân Trường làm 18.510 con lợn ốm. Số lợn đã tiêu hủy là 8.047 con với tổng trọng lượng 144.145kg. Tại 4 xã vùng uy hiếp của huyện Hải Hậu đã có 60 con lợn chết phải tiêu hủy, trọng lượng 3.751kg. Chiều hướng dịch vẫn diễn biến phức tạp. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nghe UBND các huyện báo cáo tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống, kết quả rà soát đàn lợn, kết quả tiêm phòng vắc xin tai xanh, công tác khử trùng, tiêu độc tại các địa phương. Qua kiểm tra thực tế tại các hộ chăn nuôi và UBND các xã Nam Tiến, Nam Thái (Nam Trực), Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), Giao Thịnh (Giao Thủy), Hải Toàn, Hải Đường (Hải Hậu) đoàn kiểm tra đã góp ý hướng dẫn cụ thể về công tác phòng chống dịch cho từng hộ và từng xã. Chiều cùng ngày, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao ban với Trưởng BCĐ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và lãnh đạo Phòng NN và PTNT 6 huyện: Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Trực tại tiền phương BCĐ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của tỉnh ở huyện Hải Hậu. Cùng dự giao ban có lãnh đạo Cục Thú y (Bộ NN và PTNT), lực lượng thú y vùng I đang công tác tại các vùng có dịch và vùng uy hiếp, nguy cơ cao ở tỉnh ta. Đồng chí đã thông báo những kết quả kiểm tra, đặc biệt là những khuyết điểm trong phòng, chống, dập dịch của các huyện, xã và các hộ chăn nuôi. Qua kiểm tra thực tế vẫn còn nhiều bất cập: các địa phương chưa quyết liệt trong phòng, dập dịch; lãnh đạo chưa sâu sát; chính quyền cấp xã chưa kiểm tra cụ thể mà chỉ dựa vào con số báo cáo… Do vậy mặc dù vắc xin đã được cấp nhưng tiến độ tiêm rất chậm. Việc đăng ký mua thêm vắc xin rất ít, thậm chí ở các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Nam Trực chưa mua. Thuốc khử trùng tiêu độc các huyện cũng chưa mua thêm, chủ yếu trông chờ nguồn cấp; mới có 2 huyện Xuân Trường và Hải Hậu mua vôi bột để khử trùng, tiêu độc. Vẫn còn tình trạng vứt xác lợn chết ra sông, kênh. Đồng chí yêu cầu Sở NN và PTNT kiểm tra lại thực tế số lượng lợn đã tiêu hủy; kiểm tra lại đàn lợn vì so với báo cáo sau khi rà soát vẫn còn hiện tượng đàn lợn giảm đột ngột, nhất là ở các vùng uy hiếp, vùng chưa có dịch. Thời gian tới, tỉnh và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác khoanh vùng dập dịch. Tập trung tiêm vắc xin tai xanh không để sót, lọt; hoàn thành tiêm vắc xin tai xanh cho các vùng có nguy cơ cao và vùng uy hiếp trong ngày 30-4. Các địa phương tiếp tục rà soát lại và tiêm bổ sung ngay cho số lợn chưa tiêm, xong trong ngày 3-5. Hộ nào cố tình không tiêm, giao cho Chủ tịch UBND xã xử lý hành chính và tiếp tục tổ chức tiêm theo đúng Pháp lệnh Thú y. Đồng chí Phó Chủ tịch giao cho mỗi xã phải mua ít nhất 10 tấn vôi bột và 200 lít thuốc khử trùng, tiêu độc. UBND các huyện rà soát nắm vững đàn lợn nuôi, số lợn tiêu hủy; vùng nguy cơ cao, vùng uy hiếp kiên quyết không cho nhập, tái đàn; không để vứt xác lợn xuống kênh mương, tiêu hủy đúng kỹ thuật, an toàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền… Sở NN và PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y và tham mưu cho tỉnh các biện pháp dập tắt dịch, không để lây lan; chỉ đạo, hướng dẫn 2 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong báo cáo kết quả rà soát, tiêm phòng vắc xin, biện pháp phòng dập dịch, tiêu hủy lợn bị dịch, vệ sinh môi trường, công tác vận chuyển, giết mổ… ở các địa phương. Huyện Hải Hậu và Sở NN và PTNT làm ngay tờ trình công bố dịch lợn tai xanh tại xã Hải Đường. Đề nghị Cục Thú y tiếp tục quan tâm, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm lợn ốm chết của vùng nguy cơ cao và vùng uy hiếp./.
Tuấn Anh