Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tiếp xúc cử tri Thành phố Nam Định, các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Vụ Bản và Ý Yên
Chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, từ ngày 24 đến 25-4-2013, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh gồm các đồng chí: Vũ Văn Ninh, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh: Nguyễn Anh Sơn, Nguyễn Thị Thu Hằng, Hoàng Thị Tố Nga đã tổ chức các đoàn tiếp xúc cử tri phường Cửa Bắc (TP Nam Định), xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc), xã Điền Xá (Nam Trực), xã Tân Khánh (Vụ Bản), xã Yên Thọ (Ý Yên), các xã Trực Đạo, Trực Tuấn, Trực Thanh (Trực Ninh) và cử tri huyện Nghĩa Hưng.
Các đồng chí đại biểu Quốc hội, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo Thành phố Nam Định tại buổi tiếp xúc cử tri phường Cửa Bắc. Ảnh: Thanh Tuấn |
Tại các điểm tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã báo cáo với các cử tri dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII và tóm tắt trả lời của các bộ, ngành Trung ương đối với những ý kiến, kiến nghị của cử tri Nam Định tại các kỳ họp trước. Dự kiến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII sẽ khai mạc ngày 20-5-2013 và bế mạc ngày 25-6-2013. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét và quyết định những vấn đề chính sau: Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 7 dự án luật. Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2013, quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011; xem xét thông qua nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014; báo cáo của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nghe một số báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng khác…
Tại các điểm tiếp xúc với cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã nghe lãnh đạo các địa phương, cơ sở báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng quý I và những nhiệm vụ trọng tâm quý II-2013, đồng thời nghe cử tri bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và đề xuất, kiến nghị những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay: Cử tri phường Cửa Bắc (TP Nam Định) tập trung kiến nghị một số vấn đề: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ở địa bàn phường còn chậm, nhiều hộ dân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ tháng 5-2012 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được GCNQSDĐ, đề nghị tỉnh, thành phố chỉ đạo để giải quyết dứt điểm. Đối với tuyến đường Lương Thế Vinh (đường Rặng Xoan cũ), sau khi giải toả, mở rộng còn hàng cột điện nằm giữa đường đã nhiều năm mà thành phố chưa có biện pháp xử lý, không đảm bảo an toàn giao thông; đề nghị ngành Điện di chuyển tạo thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân. Một số đoạn đường thuộc tổ dân phố 38 ở đường Kênh bị ngập úng cục bộ mỗi khi có mưa lớn, đề nghị thành phố có biện pháp xử lý dứt điểm, đảm bảo vệ sinh môi trường cho khu vực này. Cử tri tổ dân phố số 4, khu nhà 5 tầng, đường Trần Đăng Ninh đề nghị thành phố có biện pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực này do Khu nhà 5 tầng đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Một số tuyến như: phố Lê Hồng Sơn chưa có điện thắp sáng; phố Đoàn Trần Nghiệp xuống cấp; kè hồ An Trạch bị lở, ô nhiễm môi trường lòng hồ; hệ thống cống một số đoạn bị sập gây ngập úng và mất vệ sinh môi trường. Đối với tuyến đường Điện Biên, đề nghị tỉnh, thành phố chỉ đạo và lập phương án trả lại vỉa hè, tạo điều kiện cho các hộ dân và người đi bộ đảm bảo an toàn giao thông. Một số cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ nên giữ nguyên độ tuổi lao động nghỉ hưu đối với nữ là 55 tuổi, nam 60 tuổi là hợp lý. Bên cạnh đó, cử tri kiến nghị tỉnh, thành phố có biện pháp quản lý chặt chẽ, chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm và tránh tình trạng chạy theo thành tích. Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh kiến nghị với Bộ GD và ĐT duy trì điểm sàn trong việc tuyển sinh đại học, cao đẳng để bảo đảm chất lượng đào tạo của các trường. Đối với sinh viên đã tốt nghiệp Trường Đại học Dân lập Lương Thế Vinh, tỉnh cần có hướng giải quyết thấu tình đạt lý. Cử tri cũng đề nghị tỉnh có biện pháp để thu hút nhân tài về tỉnh công tác.
Cử tri xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) đề nghị Quốc hội, Chính phủ, tỉnh, huyện quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng NTM; có kế hoạch cụ thể dạy nghề cho lao động nông thôn; quan tâm đến chính sách cho thân nhân người có công, cần giảm thủ tục hành chính trong việc xét duyệt miễn giảm đối với học sinh trong diện chính sách. Hiện nay, chế độ BHXH cho cán bộ quản lý HTX còn nhiều bất cập, đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chỉ đạo để đảm bảo mức sống cho cán bộ HTX. Cử tri xã Mỹ Thành cũng đề nghị tỉnh có biện pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, đất khu vực Nhà máy xử lý rác thải của thành phố (liền kề địa bàn xã). Cử tri của xã Trực Đạo (Trực Ninh) đề nghị: Về lĩnh vực đất đai, đề nghị Quốc hội trước khi thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) nên lấy ruộng của người đã khuất, công chức, viên chức nhà nước đã thoát ly nông thôn để chia lại cho số lao động mới (sinh sau năm 1993) sinh sống ở địa phương nhưng không có đất nông nghiệp. Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, cử tri đề nghị Chính phủ cần có chính sách đầu tư và tạo nguồn hợp pháp, phù hợp với sự phát triển ở từng địa phương. Về y tế, quy trình làm thủ tục cấp thẻ BHYT còn chậm, ảnh hưởng đến việc điều trị của người bệnh. Mức đóng phí BHYT tự nguyện còn cao so với thu nhập của người dân nông thôn. Ngành y tế cần thường xuyên tổ chức các đợt khám chữa bệnh lưu động để người dân nông thôn có cơ hội khám chữa bệnh và thụ hưởng các dịch vụ y tế tốt hơn. Đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư cho cơ giới hóa gieo cấy, thu hoạch nông sản để giải phóng sức lao động và giảm chi phí cho nông dân; tiếp tục có chính sách hỗ trợ địa phương chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, mô hình quản lý vật tư nông nghiệp, mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp và quan tâm hỗ trợ kịp thời cho nông dân khi gặp thiên tai, dịch bệnh. Cử tri xã Điền Xá (Nam Trực) kiến nghị với Chính phủ cần điều chỉnh một số tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về NTM không phù hợp với thực tế ở mỗi địa phương nên việc huy động nguồn lực để đầu tư cho chương trình gặp nhiều khó khăn như tiêu chí về lao động, việc làm, thu nhập, chợ nông thôn. Ngoài ra, chế độ cho các đối tượng chính sách như thương bệnh binh, người nhiễm chất độc màu da cam, người hưởng lương hưu… còn thấp, Nhà nước cần xem xét điều chỉnh cho phù hợp với tình hình biến động giá cả hiện nay, nhằm ổn định cuộc sống cho các đối tượng này. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tình trạng thanh, thiếu niên phạm pháp đang có chiều hướng gia tăng, đề nghị Nhà nước cần tăng cường biện pháp giáo dục, răn đe cụ thể để bảo đảm trật tự an toàn xã hội và bảo đảm an toàn giao thông. Hiện nay, đa số cử tri đều phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, tuy nhiên trong bối cảnh tình hình ở biển Đông phức tạp, Nhà nước cần có những quyết sách đúng đắn, hợp với lòng dân để bảo vệ chủ quyền biển, đảo và an ninh biên giới quốc gia. Thời gian qua, Quốc hội đã có nhiều đổi mới hoạt động nhưng các đại biểu Quốc hội cần tăng cường hơn nữa công tác tiếp xúc cử tri, nhất là ở cơ sở để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước và Quốc hội.
Những ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Nghĩa Hưng tập trung vào việc Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương cần tiếp tục quan tâm và có những chính sách cụ thể, thiết thực hơn nữa để đẩy nhanh sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và tiến trình xây dựng NTM. Cử tri xã Nghĩa Trung đề nghị Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý đất đai, sớm sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp với thực tiễn. Hiện nay, hoạt động của các HTXNN còn hình thức và kém hiệu quả, đề nghị Nhà nước tập trung chỉ đạo đổi mới mô hình hoạt động của HTXNN cho hiệu quả hơn. Cử tri của Thị trấn Liễu Đề kiến nghị với Bộ GD và ĐT cân đối lại nhóm, ngành đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng, xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực để thực hiện chính sách GD và ĐT phù hợp và hiệu quả. Cử tri xã Tân Khánh (Vụ Bản) đề nghị: nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư xây dựng kiên cố hoá trường học những năm qua quá thấp, đề nghị Chính phủ nâng mức hỗ trợ cho phù hợp với thực tế. Về lĩnh vực giao thông nông thôn, tuyến đường giao thông từ cầu Hạnh Lâm đi cầu Họ dài khoảng 13km hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm sớm có kế hoạch đầu tư nâng cấp tuyến đường này để nhân dân 2 xã Tân Khánh và Minh Thuận đi lại thuận tiện, an toàn và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đề nghị Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nhất là tạo điều kiện cho nông dân trồng lúa có lãi 30% trở lên. Ngoài ra, chính sách bảo hiểm cây lúa là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, song mức đóng bảo hiểm hiện nay quá cao, phạm vi bảo hiểm hẹp. Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung Quyết định số 315 ngày 1-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho phù hợp và để các hộ nông dân tích cực tham gia. Cử tri xã Yên Thọ (Ý Yên) đề nghị hiện nay ngân sách địa phương và đời sống nông dân còn nhiều khó khăn, do vậy Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là hỗ trợ một phần kinh phí làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hoá kênh mương và xây dựng nhà văn hoá ở khu dân cư để cải thiện đời sống văn hoá tinh thần cho nông dân. Ngoài ra, ngân hàng cần có chính sách cho vay vốn ưu đãi để nông dân đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Về chế độ chính sách đối với cán bộ cơ sở theo Nghị định số 29 của Chính phủ, cử tri phản ánh mức phụ cấp cho đội ngũ cán bộ thôn nói riêng, cán bộ không chuyên trách nói chung còn quá thấp, do vậy đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu nâng mức phụ cấp và bổ sung một số chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở cấp xã cho phù hợp.
Phát biểu ý kiến với các cử tri của huyện Nam Trực và huyện Nghĩa Hưng, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã thông báo khái quát tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của nước ta từ đầu năm 2013 đến nay và những giải pháp chủ yếu của Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tập trung thực hiện nhằm ổn định và thúc đẩy kinh tế phát triển, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do tình hình suy giảm kinh tế thế giới nhưng nhờ có những giải pháp đồng bộ, tập trung chỉ đạo quyết liệt nên đến nay tình hình kinh tế cả nước đã có bước tăng trưởng khá, nhất là tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bằng các biện pháp xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, ngân hàng bảo đảm lãi suất vay vốn thấp hơn so với trước, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu…, đồng thời khắc phục nhanh các hạn chế, yếu kém về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân tích và làm rõ một số vấn đề cử tri đang quan tâm như phát triển kinh tế, xây dựng NTM, kiềm chế lạm phát, bảo đảm trật tự ATGT, thực hiện các chính sách xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, chống tham ô lãng phí. Đối với những đề xuất, kiến nghị của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tiếp thu đầy đủ để tổng hợp báo cáo với Quốc hội, Chính phủ để tiếp tục nghiên cứu, xem xét giải quyết. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri có liên quan đến phạm vi, lĩnh vực của tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh và các ngành của tỉnh cần khẩn trương xem xét giải quyết kịp thời; nhấn mạnh một số nhiệm vụ tỉnh Nam Định cần tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Phó Thủ tướng Chính phủ đã thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh cảm ơn cử tri trong toàn tỉnh đã quan tâm theo dõi, giúp đỡ và tạo điều kiện để các vị đại biểu Quốc hội thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân…
Phát biểu tại các cuộc tiếp xúc với cử tri của Thành phố Nam Định, huyện Mỹ Lộc, huyện Vụ Bản, huyện Ý Yên, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 4 tháng đầu năm 2013, nhất là trong việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, đồng thời trao đổi, làm rõ thêm những chủ trương, biện pháp chỉ đạo cụ thể của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh trong việc ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn ở các địa phương, cơ sở. Các ý kiến đề xuất, kiến nghị của cử tri đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành của Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh ghi nhận đầy đủ và tổng hợp để báo cáo. Những đề xuất, kiến nghị đối với tỉnh và các ngành của tỉnh, một số nội dung yêu cầu của cử tri, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã trực tiếp làm rõ và trả lời ngay tại hội nghị tiếp xúc. Những nội dung khác sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh tìm hiểu kỹ và xem xét giải quyết. Đối với ý kiến của cử tri Thành phố Nam Định về việc chậm cấp GCNQSDĐ, đồng chí đề nghị lãnh đạo thành phố phải rà soát ngay số hồ sơ đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính để kịp thời cấp GCNQSDĐ cho nhân dân và thời gian hoàn thành đến hết tháng 6-2013. Đối với những trường hợp lấn chiếm đất công trái phép, thành phố cần tập trung giải quyết dứt điểm. Các ý kiến của cử tri xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc), xã Tân Khánh (Vụ Bản), xã Yên Thọ (Ý Yên) xung quanh vấn đề nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tỉnh đã cố gắng vận dụng bằng mọi cách để tạo nguồn vốn hỗ trợ cho các cơ sở, tuy nhiên do ngân sách của tỉnh còn hạn chế nên trong chương trình xây dựng NTM, các địa phương cần huy động mọi nguồn lực, trong đó có sự tự nguyện đóng góp của nhân dân với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”… Tại các điểm tiếp xúc cử tri, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh cũng đã giải trình và làm rõ thêm một số vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm, đồng thời tiếp thu đầy đủ các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của cử tri để tổng hợp báo cáo với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành của Trung ương tiếp tục nghiên cứu, xem xét giải quyết.
Trong thời gian tới, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của cử tri toàn tỉnh để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người đại biểu nhân dân, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri toàn tỉnh.
Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, ngày 26-4-2013, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự án Luật Hoà giải ở cơ sở, dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII.
Các đại biểu dự hội nghị đều cho rằng việc ban hành Luật Hoà giải ở cơ sở là cần thiết, góp phần giữ gìn và tăng cường đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ vững trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; nhất trí với tên gọi và nội dung, bố cục của luật gồm 5 chương và 33 điều. Các ý kiến đóng góp tập trung chủ yếu vào những nội dung: Tiêu chuẩn của hoà giải viên, vai trò quản lý của Nhà nước và MTTQ trong hoạt động hoà giải ở cơ sở; nguyên tắc hoạt động hoà giải ở cơ sở; kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hoà giải ở cơ sở; việc thành lập tổ hoà giải và những người được mời tham gia hoà giải; nội dung cụ thể của việc tiến hành hoà giải ở cơ sở…
Về các ý kiến đóng góp cụ thể: Hội CCB tỉnh đề nghị ở Điều 1 về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Luật cần bổ sung thêm một nội dung quy định về đối tượng điều chỉnh của luật. Ở khoản 3, Điều 23 về kết thúc hoà giải quy định “các bên không đạt được thoả thuận sau tối đa 3 lần hoà giải” chưa thật sự sát với thực tiễn cuộc sống và nên được nới rộng thêm về số lần hoà giải tuỳ theo trường hợp cụ thể. Hội Người cao tuổi tỉnh đề nghị ở khoản 2, Điều 7 nên đưa nội dung tiêu chuẩn hoà giải viên có hiểu biết về pháp luật lên trên nội dung có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân… Sở Tư pháp đề nghị ở khoản 1, Điều 2 nên bổ sung câu: “góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội và đoàn kết nội bộ nhân dân” vào sau cụm từ “ở cơ sở”. Ở Điều 3 nói về các vụ việc, mâu thuẫn, tranh chấp không được hoà giải cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Trong nội dung của Điều 8, đề nghị chọn phương án 1 là “bầu, công nhận hoà giải viên”. Ở khoản 5, Điều 4 không cần thiết phải đưa vào dự án Luật và ở Điều 7 quy định về tiêu chuẩn hoà giải viên cần bổ sung nội dung: “Hoà giải viên phải được lựa chọn và bầu ở nơi cư trú”. Hội Phụ nữ tỉnh cho rằng, ở Điều 7 cần bổ sung thêm tiêu chuẩn bảo đảm về sức khoẻ và hiểu biết tâm lý, xã hội; Điều 12 cần bổ sung nội dung khi thành lập tổ hoà giải nên ưu tiên cho các đối tượng là nữ. Đại diện Uỷ ban MTTQ tỉnh nhất trí với nội dung của Điều 30 trong dự án Luật nhưng đề nghị trách nhiệm của Uỷ ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên cần được quy định cụ thể hơn. Ngoài ra, ý kiến đóng góp của các ngành đề nghị bổ sung, chỉnh sửa một số điều, một số từ ngữ, thuật ngữ pháp luật chính xác hơn để dễ hiểu và dễ thực hiện.
Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đánh giá cao ý thức trách nhiệm của các đại biểu đã tích cực tham gia đóng góp vào dự thảo Luật, đồng thời ghi nhận đầy đủ các ý kiến đóng góp để tổng hợp, báo cáo với Quốc hội trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII./.
Thanh Tuấn và Quốc Tuấn