Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định điện

09:04, 08/04/2013

CÔNG ĐIỆN
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định điện:

 

- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố;
- Các sở, ngành: NN và PTNT, Y tế, Công thương, GTVT, TN và MT, Công an tỉnh.

Theo thông báo của Cục Thú y, hiện nay cả nước có 2 tỉnh phát sinh dịch lợn tai xanh là: Nghệ An, Quảng Trị; 2 tỉnh phát sinh dịch lở mồm long móng (LMLM) là Bắc Ninh và Thanh Hoá. Trên địa bàn tỉnh Nam Định ngày 20-3-2013 dịch cúm gia cầm xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Yên Phú, huyện Ý Yên (166 ngan, 101 vịt); ngày 27-3-2013 dịch lợn tai xanh xảy ra tại xóm 5, xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường (5 hộ, 44 lợn ốm) và xóm 7, xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh (15 hộ, 86 lợn ốm). Đến ngày 2-4-2013 có 4 xã thuộc hai huyện Xuân Trường và Trực Ninh có dịch tai xanh (1.861 lợn ốm, đã tiêu huỷ 1.966 con lợn bằng 5.733kg). Thời tiết mưa ẩm là điều kiện rất thuận lợi cho các loại dịch bệnh nguy hiểm tiếp tục phát sinh và lây lan mạnh trong thời gian tới.

Trước tình hình trên để nhanh chóng bao vây dập tắt các ổ dịch, kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

1.1. Chấn chỉnh màng lưới thú y cơ sở; tổng kiểm tra, rà soát thống kê đàn lợn, đàn gia cầm, tình hình dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi; giám sát phát hiện sớm các ổ dịch bệnh mới phát sinh, báo cáo kịp thời, không giấu dịch để tự điều trị. Trường hợp thú y cơ sở có vi phạm thì phải xử lý kịp thời.

Khẩn trương hoàn thành tiêm phòng vắc-xin vụ xuân năm 2013. Tại khu vực có dịch tai xanh phải tiêm phòng vắc-xin tai xanh 100% đàn lợn, chú ý thực hiện tốt các giải pháp phòng tránh lây lan dịch bệnh từ dụng cụ tiêm phòng và người đi tiêm phòng, tiến hành giám sát chặt chẽ số lượng lợn đã tiêm, tình hình dịch bệnh sau khi tiêm phòng.

1.2. Tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch để người chăn nuôi chủ động tự giác khai báo khi có dịch và chủ động, tích cực tham gia phòng chống dịch; không bán tháo, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm ốm chết; không vứt xác súc vật chết ra môi trường; không sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm mắc bệnh để làm thực phẩm. Khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm đặc biệt gia súc, gia cầm ốm phải có bảo hộ cá nhân, sau khi tiếp xúc phải vệ sinh sạch sẽ. Vùng có dịch và vùng có nguy cơ cao phải tích cực tuyên truyền và tổ chức họp dân để phổ biến trực tiếp các biện pháp phòng chống dịch; những vùng khác tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn và tại hội nghị về tình hình dịch bệnh, biện pháp và kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

1.3. Giao trách nhiệm cụ thể cho tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cấp chính quyền và đơn vị liên quan từ huyện, thành phố đến thôn, xóm trong phòng, chống, khoanh vùng xử lý ngăn chặn dịch bệnh; trách nhiệm của người chăn nuôi trong phòng, chống, khoanh vùng xử lý ngăn chặn dịch bệnh; trách nhiệm của người chăn nuôi trong phòng, chống dịch bệnh và tiêu huỷ gia súc, gia cầm bị bệnh khi có dịch xảy ra trên địa bàn. Địa phương nào chủ quan, lơ là không tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, để dịch lây lan ra diện rộng thì người đứng đầu chính quyền và cơ quan chuyên môn địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

1.4. Phát động Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 5-4-2013 đến 5-5-2013.

Thực hiện quyết liệt các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh; ở những nơi có ổ dịch phải tiến hành khử trùng triệt để như phun thuốc sát trùng vào chuồng trại chăn nuôi 1 lần/ngày, rắc vôi bột ở xung quanh chuồng trại, dọc đường giao thông, cống rãnh tiêu thoát nước và khu vực tiêu huỷ.

1.5. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường thuộc Sở Công thương và lực lượng thú y thuộc Sở NN và PTNT tăng cường kiểm soát, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm.

Quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm; ký cam kết không giết mổ, không vận chuyển gia súc, gia cầm mắc bệnh và gia súc, gia cầm từ vùng có dịch ra ngoài; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm ra vào địa bàn; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định.

1.6. Ngành Y tế chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố, ngành NN và PTNT thực hiện có hiệu quả các hoạt động theo dõi sức khoẻ lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và nhân dân tại vùng có dịch; hướng dẫn thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời trường hợp lây lan dịch bệnh từ gia súc, gia cầm sang người và từ người sang người.

1.7. Thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc các xã, phường, thị trấn khẩn trưởng triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch. Chủ động xây dựng phương án ứng phó khi dịch xảy ra về nhân lực, vật tư, dụng cụ, địa điểm tiêu huỷ…

2. Đề nghị Uỷ ban MTTQ tỉnh, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan truyền thông từ tỉnh đến huyện, xã tích cực thông tin tuyên truyền về tình hình, sự nguy hiểm và tác hại của dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch, biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để cán bộ, nhân dân biết, chủ động tự giác thực hiện.

3. Yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung trên và thường xuyên báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Chi cục Thú y, Sở NN và PTNT, số 190 Cù Chính Lan, Thành phố Nam Định, điện thoại: 0350. 3644242, Fax: 0350.3631869)./.

KT. CHỦ TỊCH
Phó CHỦ TỊCH
Nguyễn Viết Hưng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com