Chiều 6-3-2013, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh ta về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời xem xét, tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc của địa phương. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các Bộ: KH và ĐT, GTVT, GD và ĐT, Tài chính, Công thương, Xây dựng. Về phía tỉnh ta có các đồng chí: Phạm Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Đoàn Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Quang An, Giám đốc Sở KH và ĐT; lãnh đạo các sở: Tài chính, Công thương, GTVT và Văn phòng UBND tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương chụp ảnh với các đồng chí lãnh đạo tỉnh ta. |
Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy báo cáo với Thủ tướng Chính phủ những kết quả Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh ta đạt được trong năm 2012 và 2 tháng đầu năm 2013. Năm 2012 vượt lên những khó khăn do suy giảm kinh tế, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của cơn bão Sơn Tinh, với sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cùng sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và có bước phát triển; quốc phòng, an ninh được giữ vững, hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm GDP trong tỉnh tính theo giá cố định 1994 đạt 12.753 tỷ đồng, tăng 11,7%; GDP bình quân đầu người đạt 21,1 triệu đồng. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 22%. Giá trị các ngành dịch vụ tăng 11,5%. Tổng giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn đạt 380,8 triệu USD. Thu ngân sách đạt 2.028 tỷ đồng (kế hoạch 1.900 tỷ đồng). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 18.561 tỷ đồng, tăng 18,6%; giải quyết việc làm mới cho 30,5 nghìn lượt người; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới xuống còn 6,72%. Các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, tài nguyên môi trường; công thương; đầu tư xây dựng; tài chính, ngân hàng, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; Nam Định đã giữ vững danh hiệu 18 năm liên tục là một trong những tỉnh đứng đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục, đào tạo. Tỉnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Quyết định công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh và đón nhận Bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Phổ Minh. Thông qua các sự kiện chính trị, văn hóa lớn đã khơi dậy niềm tự hào của người dân Nam Định với truyền thống cách mạng, hào khí Đông A, phát huy giá trị văn hóa lịch sử của mảnh đất "địa linh nhân kiệt", góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương Nam Định ngày càng giàu mạnh, văn minh...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tỉnh trong hai vấn đề lớn nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, đó là khẩn trương hoàn thành tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý và Nhà máy nhiệt điện Nam Định, công suất 2.400MW tại huyện Hải Hậu. Dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý kết nối từ nút giao Liêm Tuyền (Hà Nam) về Thành phố Nam Định có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, là điều kiện để cải thiện môi trường đầu tư. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho đầu tư từ năm 2007, đến nay đã cơ bản hoàn thành các hạng mục cầu, cống trên tuyến và toàn bộ phần nền đường với giá trị thực hiện 2.000 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 3.593 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tiến độ dự án sẽ hoàn thành và thông xe vào cuối năm 2013. Để bảo đảm cho dự án về đích đúng thời hạn, tỉnh Nam Định đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tạo điều kiện bố trí nguồn vốn còn thiếu, cụ thể là không thu hồi vốn đã tạm ứng năm 2013, cho phép ứng hết số vốn trái phiếu Chính phủ đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan đẩy nhanh tiến độ đàm phán hợp đồng BOT Nhà máy nhiệt điện Nam Định nhằm sớm khởi công công trình...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận, biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng đánh giá, Nam Định có nhiều tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, về nguồn nhân lực chất lượng cao, vì vậy tỉnh cần tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, phát huy mọi lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần rà soát, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ để đạt và vượt các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là phát huy thế mạnh về tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ; quan tâm, giúp đỡ doanh nghiệp, nông dân; vận dụng mọi cơ chế, chính sách, năng động, sáng tạo, tận dụng lợi thế nguồn nhân lực chất lượng cao và điều kiện tự nhiên để thu hút vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao theo hướng tiêu hao ít năng lượng, thân thiện môi trường; nỗ lực cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng. Về nông nghiệp, chú ý thúc đẩy sản xuất, đưa khoa học, công nghệ vào thâm canh, tăng năng suất, gia tăng giá trị sản phẩm, giảm chi phí, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cần tiếp tục chăm lo đời sống văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế cho nhân dân; chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Về kiến nghị của tỉnh, đối với dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý, Thủ tướng giao Bộ KH và ĐT phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan rà soát, xem xét lại hình thức đầu tư từ BT sang hình thức đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Thủ tướng đồng ý để tỉnh Nam Định ứng tiếp số vốn còn lại của năm 2014 và 2015, nếu cần thiết sẽ ứng nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 nhằm hoàn thành dứt điểm, đưa dự án vào hoạt động trong năm 2013. Đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Nam Định tại Hải Hậu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với chủ đầu tư để thúc đẩy dự án được triển khai sớm theo lộ trình Chính phủ đã phê duyệt./.
Tin, ảnh: Xuân Thu