Ngày 14-12-2012, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển liên tỉnh ven biển châu thổ sông Hồng (Khu DTSQ sông Hồng), tổ chức hội nghị thống nhất quy chế quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững Khu DTSQ sông Hồng. Đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm thành viên Ban Quản lý Khu DTSQ sông Hồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, các ngành liên quan và lãnh đạo các huyện, các xã nằm trong địa phận Khu DTSQ sông Hồng thuộc 3 tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình; đại diện Uỷ ban UNESCO Việt Nam, Uỷ ban Con người và sinh quyển, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng.
Ảnh minh họa/Internet. |
Khu DTSQ sông Hồng thuộc địa bàn 3 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình được UNESCO công nhận từ năm 2005. Tuy nhiên Ban Quản lý Khu DTSQ sông Hồng vẫn còn tồn tại nhiều điểm bất cập như: quản lý chồng chéo, phân cấp quản lý không đồng bộ giữa các tỉnh… Trước thực trạng này, cơ quan quản lý nhà nước thuộc 3 tỉnh cùng nhóm cố vấn (Uỷ ban Con người và sinh quyển, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng) đã thảo luận và xây dựng dự thảo “Quy chế quản lý Khu DTSQ sông Hồng” nhằm thiết lập quy chế quản lý thống nhất, tăng cường cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý Khu DTSQ sông Hồng. Theo đó, dự thảo của quy chế nêu rõ phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của quy chế; các nguyên tắc quản lý; mục tiêu, phương thức quản lý; phân vùng quản lý; cơ chế quản lý; nội dung tổng thể và nội dung chi tiết trong công tác quản lý; tổ chức bộ máy và các cơ chế, trách nhiệm tổ chức thực hiện… Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện bản dự thảo với các quy chế điều phối theo hướng mở, tăng cường sự liên kết bền chặt, hiệu quả của cả 3 tỉnh và thu hút được sự quan tâm, chú ý, hỗ trợ, đầu tư của các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động của Khu DTSQ sông Hồng.
Kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đánh giá cao sự tích cực đóng góp ý kiến của các đại biểu, góp phần chỉnh sửa bản dự thảo hiệu quả nhất. Đồng chí nhấn mạnh, sự thống nhất chỉnh sửa các nội dung trong quy chế: 3 tỉnh phải cử đại diện tham gia vào Ban quản lý; bầu Ban thư ký giúp việc cho Ban quản lý dưới sự giúp đỡ của Ban tư vấn. Các ngành có trách nhiệm giám sát, hướng dẫn hoạt động của Ban quản lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ; phối hợp Ban thư ký và các đơn vị huy động nguồn vốn hoạt động. Riêng các huyện, các xã phải có trách nhiệm trong công tác chỉ đạo các đơn vị, đoàn thể, địa phương thực hiện các hoạt động quản lý bảo tồn và phát triển bền vững Khu DTSQ sông Hồng. Việc quản lý, điều hành hoạt động của Ban quản lý Khu DTSQ sông Hồng phải ghi rõ sự luân phiên của cả 3 tỉnh. Sau khi chỉnh sửa, Bản dự thảo sẽ được trình lên Uỷ ban UNESCO và Ban quản lý sẽ căn cứ triển khai các hoạt động ngay sau khi “Quy chế quản lý Khu DTSQ sông Hồng” được phê duyệt./.
Nguyễn Thanh Thuý