của đồng chí Nguyễn Văn Tuấn,
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại Kỳ họp
- Kính thưa Chủ toạ Kỳ họp;
- Thưa các vị đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu HĐND tỉnh và các vị đại biểu tham dự Kỳ họp;
- Thưa toàn thể nhân dân.
Thay mặt UBND tỉnh, tôi cảm ơn các vị đại biểu HĐND tỉnh đã đánh giá, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền các cấp, các ngành trong năm 2012, UBND tỉnh đã báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2012. Tôi xin nhấn mạnh và làm rõ một số nội dung sau:
I. NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT
1. Năm 2012, mặc dù gặp khó khăn lớn về suy thoái kinh tế, kinh tế vĩ mô chưa ổn định, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, hàng hoá tồn kho lớn. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, trực tiếp là sự tàn phá của cơn bão số 8. Nhưng có sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của chính quyền các cấp, sự giám sát của HĐND, sự phối hợp của MTTQ và hoạt động tích cực của các sở, ngành, đoàn thể, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của toàn dân và của doanh nghiệp, chúng ta giành thắng lợi quan trọng đáng khích lệ: Phần lớn các chỉ tiêu đạt cao hơn năm 2011, có 19/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, nhiều chỉ tiêu cao hơn nhiều mức bình quân của cả nước. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành đã được phê duyệt. Có thể nói năm 2012 là năm quy hoạch, làm cơ sở cho các cấp, các ngành quản lý và điều hành có hiệu quả.
2. Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới có chuyển biến tích cực, được nhân dân đồng tình tổ chức thực hiện. Tất cả các địa phương đều xác định dồn điền đổi thửa theo quy hoạch xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chỉnh trang đồng ruộng, từng bước hình thành mô hình sản xuất hàng hoá với các phương thức canh tác hiện đại thay dần cách thức làm ăn cũ, đưa máy móc vào thay sức người, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho nông dân, là khâu đột phá xây dựng nông thôn mới bền vững. Đã xuất hiện một số nhân tố mới: Huyện Hải Hậu hoàn thành dồn điền đổi thửa sớm nhất toàn tỉnh, tất cả các xã đều xây dựng nông thôn mới; huyện Ý Yên làm mới, cải tạo, nâng cấp 238km/1.517km đường giao thông nông thôn, 17/115 bãi rác thải, nhiều nhất tỉnh; huyện Nam Trực xây dựng được 10/45 mô hình cánh đồng mẫu lớn, nhiều nhất tỉnh; huyện Giao Thuỷ xây dựng và cấp giấy chứng nhận được 159/351 trang trại tập trung, nhiều nhất tỉnh.
3. Xây dựng Thành phố Nam Định từng bước trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, bộ mặt đô thị thay đổi đáng kể; được Hiệp hội đô thị toàn quốc suy tôn là “Đô thị xanh - sạch - đẹp”. Đến nay, có 83/100 tuyến phố văn minh đô thị; hoàn thành đưa vào sử dụng 48 công trình chỉnh trang đô thị, tạo điểm nhấn cho thành phố. Cơ bản khắc phục ngập úng các tuyến đường nội thành sau mưa lớn.
4. Văn hoá xã hội và an sinh xã hội:
- Văn hoá xã hội đạt thành tích mới: Về giáo dục - đào tạo, 7 học sinh tham gia dự các kỳ thi Olympic Quốc tế và Châu Á - Thái Bình Dương đều đoạt giải Bạc và Đồng. Có 523 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 37 trường so với năm 2011, 7 nhà giáo được phong tặng Nhà giáo Ưu tú. Lĩnh vực y tế có 204/229 xã phường, thị trấn, bằng 89,1% đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới. Bệnh viện đa khoa các cấp tiếp nhận, chuyển giao 70 dịch vụ kỹ thuật cao từ các bệnh viện Trung ương góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí cho người dân. Lĩnh vực văn hoá, thể thao đã tổ chức 2 cuộc hội diễn văn nghệ quần chúng, được Chủ tịch nước phong tặng 1 Nghệ sĩ Nhân dân, 12 Nghệ sĩ Ưu tú, Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Trần, Chùa Tháp Phổ Minh. Các đoàn nghệ thuật tham gia hội diễn toàn quốc đạt 19 Huy chương Vàng, Bạc cả tập thể và cá nhân. Tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hoá thờ mẫu gắn với nghi lễ hát chầu văn” làm cơ sở xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận hát chầu văn là văn hoá phi vật thể nhân loại. Tổ chức 20 giải thể thao quần chúng. Tham gia các giải thể thao quốc gia đạt 130 huy chương các loại, tăng 47 huy chương so với năm 2011.
- Thực hiện chính sách an sinh xã hội: Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã cho 34.210 hộ nghèo vay vốn với dư nợ là 493 tỷ đồng, cho 58.408 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với dư nợ là 1.133 tỷ đồng, cho 42.672 hộ vay vốn làm nước sạch và VSMT nông thôn với dư nợ là 295 tỷ đồng, xây mới 160 nhà, sửa chữa 88 nhà tình nghĩa cho các hộ chính sách và người nghèo.
5. Các cấp, các ngành và toàn dân hưởng ứng tích cực bằng nhiều hoạt động thiết thực, trong đó gắn biển chào mừng 750 năm Thiên Trường - Nam Định 9 công trình trọng điểm. Tổ chức thành công kế hoạch kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, đón Huân chương Hồ Chí Minh, Thành phố Nam Định là đô thị loại I, đón nhận Bằng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt “Đền Trần, chùa Tháp”; đã khơi dậy niềm tự hào của toàn dân với truyền thống cách mạng và văn hiến của tỉnh nhà và vị thế của tỉnh được nâng lên. Được lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các tỉnh bạn đánh giá cao.
6. An ninh - Quốc phòng được giữ vững, tạo điều kiện tập trung xây dựng tỉnh, huyện giàu mạnh, văn minh.
7. Các cấp, các ngành và toàn dân đồng tâm hiệp lực, chung sức phòng chống có hiệu quả cơn bão số 8. Nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão đưa mọi hoạt động sớm trở lại bình thường, đời sống nhân dân ổn định.
Tuy nhiên cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại như báo cáo đã trình bày. Đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải có quyết tâm cao, nhân dân đồng tình ủng hộ để sớm khắc phục, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ NHÓM GIẢI PHÁP LỚN TẬP TRUNG ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH - QUỐC PHÒNG VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NĂM 2013.
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và dự toán ngân sách năm 2013 trong điều kiện còn nhiều khó khăn khó lường, có những khó khăn còn hơn cả năm 2012, chúng ta cần phải có sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, giải pháp đồng bộ và chỉ đạo điều hành quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm, hướng vào một số nhiệm vụ và nhóm giải pháp lớn trọng tâm sau đây:
1. Nhiệm vụ và nhóm giải pháp đột phá trong năm bản lề 2013 và những năm tiếp theo:
- Thực hiện đồng thời các tiêu chí xây dựng thành phố trung tâm vùng. Đẩy mạnh tiến độ quy hoạch chi tiết các khu chức năng, lựa chọn các công trình điểm nhấn mới, xây dựng 100% tuyến phố văn minh đô thị, trong đó phải khơi dậy niềm tự hào, sự đồng thuận của toàn dân chung sức xây dựng thành phố, xây dựng đời sống văn hoá xứng tầm đô thị loại I. Tập trung nguồn lực xây dựng các phường, xã phía đông nam.
- Kiên trì đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, chống khuynh hướng nóng vội, đồng thời cũng chống tư tưởng chờ đợi mà phải huy động tổng lực các nguồn lực, trong đó người dân là chủ thể (bao gồm cả con em làm ăn thành đạt xa quê) sự tham gia tích cực của các doanh nhân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của nhà nước các cấp. Thực hiện có hiệu quả các công trình theo nhóm thứ tự ưu tiên. Tăng cường giám sát cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư. Mọi khoản huy động trong dân phải phù hợp với điều kiện của nhân dân, dân chủ công khai trong bàn bạc người quyết định là dân và dân là người tổ chức thực hiện và giám sát, dân hưởng thành quả. Kiên quyết không khởi công mới các công trình không đủ thủ tục, chưa có nguồn vốn bảo đảm. Đồng thời các xã có trách nhiệm chủ động có kế hoạch thanh toán các khoản nợ, không để mất khả năng thanh toán. Phấn đấu hoàn thành dồn điền đổi thửa theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp trong năm 2013 kết hợp với nhân dân góp đất làm đường giao thông, chỉnh trang đồng ruộng xây dựng cánh đồng mẫu lớn và vùng cây vụ đông tập trung, phát triển trang trại tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường. Tiến hành cơ khí hoá sản xuất nông nghiệp hàng hoá từ khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch đến chế biến sau thu hoạch, giảm lao động nặng nhọc cho nông dân, tăng năng suất lao động trong nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đó chính là mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
- Để khắc phục và ngăn chặn tình trạng nợ ở các xã, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm gây ra nợ và có biện pháp xử lý. Đồng thời UBND các huyện, thành phố phải nâng cao chất lượng phê duyệt dự án, trong đó đặc biệt chú ý về quy mô dự án, suất đầu tư, nguồn vốn đảm bảo, với nguyên tắc chung là: cấp nào, ai ký phê duyệt dự án đầu tư thì trực tiếp chịu trách nhiệm.
- Tập trung cao nhất để thông xe kỹ thuật tuyến đường Nam Định - Phủ Lý vào cuối năm 2013. Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng cầu Thịnh Long, Nhà máy nhiệt điện 2.400MW. Tạo điều kiện cho nhà đầu tư Nhật Bản xây dựng khu công nghiệp Mỹ Trung. Hoàn thành cơ bản các hạng mục công trình phục vụ Đại hội TDTT toàn quốc vào năm 2014 tại tỉnh nhà.
2. Nhiệm vụ và nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh:
Tạo điều kiện tối đa cho phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu ngân sách. Đáp ứng tốt hơn nguồn nhân lực qua đào tạo có chất lượng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như các làng nghề; sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp. Các sở, ngành thực hiện nghiêm bộ thủ tục hành chính đã công bố, kiên quyết xử lý cán bộ, công chức gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân và doanh nghiệp, giảm chi phí hành chính. Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn tín dụng, các thủ tục hành chính thông qua cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” hiện đại. Tiếp tục rà soát bổ sung, xây dựng mới các cơ chế khuyến khích đầu tư trong công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đồng thời thực hiện có hiệu quả các cơ chế đã có. Đổi mới phương thức kêu gọi đầu tư, hỗ trợ các doang nghiệp tham gia hội chợ, quảng cáo sản phẩm mới và tiêu thụ hàng hoá.
3. Nhiệm vụ và nhóm giải pháp về văn hoá, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội: Đẩy mạnh hoạt động văn hoá xã hội thực hiện kịp thời có hiệu quả chính sách an sinh xã hội. Trước hết, thực hiện tốt chính sách người có công, xét duyệt hồ sơ các đối tượng theo hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Chính sách cho người nghèo và người cận nghèo. Năm 2013 dù ngân sách tỉnh khó khăn đến đâu cũng quyết tâm tiết kiệm các khoản chi chưa cần thiết dành nguồn hỗ trợ 30% kinh phí cho người cận nghèo được hưởng 100% bảo hiểm y tế như người nghèo. Chuẩn bị tốt nhất các nguồn hàng và các điều kiện khác phục vụ Tết Quý Tỵ cho nhân dân. Chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ địa chỉ không để giá các hàng hoá thiết yếu tăng đột biến trước, trong và sau tết.
Duy trì thành tích cao ngành GD và ĐT. Tập trung đầu tư bồi dưỡng giáo viên và trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các trường chất lượng cao, có lộ trình thực hiện chất lượng đồng đều ở các cấp học, bậc học. Từng bước khắc phục tình trạng thiếu lớp học, dạy thêm tràn lan, kiên quyết chống lạm thu ở các trường. Dành vốn đầu tư công nghệ cao cho một số dịch vụ y tế thực hiện nhiệm vụ trung tâm vùng. Nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư. Chú trọng phát triển thể thao quần chúng; đào tạo bồi dưỡng thể thao thành tích cao ở những môn có lợi thế, phấn đấu có thứ hạng trong Đại hội TDTT toàn quốc.
Đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản lĩnh vực giáo dục đào tạo, vốn khoa học chưa bố trí cho các công trình khởi công mới không đảm bảo thủ tục. Trong năm nếu đủ thủ tục UBND tỉnh trình Thường trực HĐND xem xét quyết định và báo cáo HĐND kỳ họp gần nhất để sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn vốn này theo quy định.
4. Nhiệm vụ và nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai: Các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Nghị quyết số 17 của BCH Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai. Trước hết các huyện, thành phố làm tốt các nội dung: hồ sơ quản lý các loại đất, thực hiện nghiêm các quy hoạch, kế hoạch về đất, thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, phát triển công nghiệp dịch vụ, các công trình phúc lợi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm và 5 năm. Xử lý nghiêm những vi phạm về đất đai theo quy định của pháp luật, sớm đưa công tác quản lý sử dụng đất đai vào nề nếp, chấm dứt vi phạm mới.
5. Nhiệm vụ và nhóm giải pháp về An ninh - Quốc phòng: Giữ vững an ninh - quốc phòng; đảm bảo trật tự an ninh và an toàn giao thông trong những ngày kỷ niệm lớn, ngày lễ tết. Đặc biệt là an ninh nông thôn, không để kẻ xấu lợi dụng kích động nhân dân. Thực hiện đúng Luật Khiếu nại tố cáo, tăng cường đối thoại giải thích làm rõ luật pháp, chế độ chính sách cho nhân dân, có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nhân dân bị thu hồi đất. Chú trọng công tác hoà giải xử lý các vụ việc ngay từ cơ sở bắt đầu phát sinh. Thực hành tiết kiệm, tích cực phòng chống tham nhũng. Kiên quyết xử lý người vi phạm pháp luật.
Thực hiện nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự, hoàn thành chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ có chất lượng, đúng luật.
III. NHỮNG KIẾN NGHỊ CỬ TRI
Những nhiệm vụ và nhóm giải pháp lớn trình bày ở trên phần nào đã giải đáp ý kiến của cử tri và đại biểu. Tôi xin làm rõ một số nhóm vấn đề sau đây:
1. Nhóm về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ cải tạo thuỷ lợi nội đồng, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới
- Về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp: Hiện nay tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ sản xuất vụ đông, đối với cây bí và cây đậu tương, Cơ chế hỗ trợ phòng trừ dịch bệnh gia súc gia cầm, Cơ chế hỗ trợ mua máy gặt đập liên hoàn. Cơ chế hỗ trợ xây dựng kho lạnh bảo quản giống khoai tây. Tới đây căn cứ khả năng ngân sách tỉnh tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ mua máy làm đất, máy cấy có giá trị cao.
- Về hỗ trợ cải tạo thuỷ lợi nội đồng: Tỉnh đã có cơ chế hàng năm dành 50% (100 tỷ) kinh phí bù thuỷ lợi phí của các công ty khai thác các công trình thuỷ lợi để nạo vét kiên cố hoá kênh cấp 2, hỗ trợ 50% số mét dài kênh cấp 3 trên cánh đồng mẫu lớn. Giao UBND các huyện phối hợp với các công ty xác định công trình làm trước, làm sau phù hợp với điều kiện đối ứng kiên cố hoá kênh cấp 3 trên cánh đồng mẫu lớn ở mỗi địa phương.
- Về hỗ trợ xây dựng nông thôn mới: UBND tỉnh vừa trình HĐND tỉnh cơ chế hỗ trợ xây dựng nông thôn mới từ ngân sách của tỉnh ngoài ngân sách Trung ương hỗ trợ theo Chương trình MTQG với mức 8 tỷ đồng/xã (không tính chương trình nước sạch nông thôn, kinh phí xây dựng, kiên cố hoá trường học, 100 tỷ đồng hàng năm xây dựng, cải tạo hệ thống kênh cấp II, cấp III) là cố gắng lớn của tỉnh trong điều kiện ngân sách tỉnh phải nhận trợ cấp ngân sách Trung ương 70% tổng chi. Tỉnh sẽ phấn đấu đến năm 2014 hoàn thành hỗ trợ cho 85 xã xây dựng nông thôn mới trước 1 năm để các xã chủ động.
Đối với các xã chưa xây dựng nông thôn mới nhưng có đăng ký xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, nếu đủ vốn đối ứng tỉnh sẽ tạo điều kiện cấp trước các công trình xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trụ sở; xây dựng nâng cấp trạm y tế; hố chôn rác thải.
- Về hỗ trợ sau bão số 8: Tỉnh đã quyết định trích 20 tỷ đồng từ quỹ dự trữ tài chính hỗ trợ các huyện để hỗ trợ nhân dân. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ tỉnh 70 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo, các sở đang tích cực xác định tiêu chí để phân chia đảm bảo công bằng.
2. Nhóm về đất đai môi trường
- Về đất đai:
+ Các huyện đề nghị được đấu giá các mảnh đất nhỏ xen kẽ khu dân cư bên đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ; UBND tỉnh đồng ý kiến nghị này nhưng phải đảm bảo quy hoạch hành lang an toàn giao thông.
+ Các huyện, thành phố đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các tổ chức, đơn vị quản lý sử dụng đất không đúng Luật Đất đai (để hoang, sử dụng không hiệu quả). Việc này UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN và MT đã và đang làm quyết liệt. Yêu cầu UBND các huyện, thành phố hợp tác, phối hợp với Sở TN và MT thực hiện có hiệu quả.
- Về vấn đề môi trường: Cử tri nhiều huyện đề nghị tỉnh kiểm tra xử lý nghiêm cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ở các dòng sông, ven đường, trong các khu, cụm công nghiệp. Việc này trước hết cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc chỉ đạo, tuyên truyền vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mọi người dân cũng như các tổ chức doanh nghiệp. Mặt khác trách nhiệm trực tiếp quản lý nhà nước môi trường là UBND các huyện, các xã phải có biện pháp kiên quyết xử lý ngay từ nơi phát sinh theo thẩm quyền. Huyện uỷ Nam Trực vừa qua có nghị quyết về việc này cộng với biện pháp quyết liệt nên bước đầu có kết quả tốt, các huyện khác cần nghiên cứu vận dụng. Tuy nhiên Sở TN và MT, Cảnh sát Môi trường phải tăng cường hướng dẫn, kiểm tra phối hợp với các huyện, thành phố thống nhất biện pháp xử lý đúng pháp luật.
3. Về xây dựng, giao thông và điện lực:
Cử tri huyện Nghĩa Hưng đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí cho bà con chuyển đổi sang các hình thức sản xuất khác khi lò gạch thủ công bị xoá bỏ theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ:
Việc này UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện xây dựng cơ chế chung cho toàn tỉnh.
Cử tri huyện Vụ Bản đề nghị tỉnh xem xét nâng mức đền bù, hỗ trợ tài sản, công trình kiến trúc, hoa màu khi thực hiện giải phóng mặt bằng vì hiện nay mức hỗ trợ đền bù quá thấp so với thực tế:
Việc này Sở Xây dựng sẽ trình UBND tỉnh quyết định vào đầu năm 2013.
Cử tri các huyện Vụ Bản, Mỹ Lộc, Ý Yên, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Hải Hậu đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để xây dựng nâng cấp một số tuyến đường giao thông, xây dựng cầu đã xuống cấp:
Các vị đại biểu HĐND đã nghe và thảo luận về dự toán ngân sách, kế hoạch phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013. Khi ngân sách tỉnh có điều kiện sẽ lựa chọn công trình có tính khẩn cấp và hỗ trợ dần. Riêng quốc lộ 38B (đường 12 cũ) Bộ GTVT đã có kế hoạch bố trí vốn năm 2013, yêu cầu các huyện làm tốt công tác GPMB để đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường đang triển khai.
Cử tri các huyện đề nghị nâng cấp lưới điện hạ thế nông thôn:
Ngành điện đang triển khai Dự án cải tạo lưới điện hạ thế nông thôn giai đoạn 2 trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, huyện Giao Thủy có 15 xã, huyện Hải Hậu 22 xã, huyện Nghĩa Hưng 18 xã, huyện Nam Trực 12 xã, huyện Mỹ Lộc 8 xã. Mức vốn đầu tư trung bình mỗi xã khoảng 2 tỷ đồng. Dự án đang trong giai đoạn thực hiện đấu thầu và sẽ triển khai thi công vào quý 1-2013, dự kiến hoàn thành trong năm 2013.
Theo kế hoạch, lưới điện hạ thế của những xã còn lại sẽ được đầu tư cải tạo vào năm 2014. Các khách hàng ưu tiên trong đó có khu, cụm công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản đảm bảo không thiếu điện.
Cử tri một số địa phương đề nghị thanh toán lại kinh phí đầu tư vào hệ thống truyền tải điện trước khi bàn giao cho điện lực quản lý
Việc này không thể thực hiện được vì tỉnh đã chỉ đạo các địa phương bàn giao lưới điện hạ thế nông thôn cho điện lực quản lý theo cơ chế thoả thuận tự nguyện, các địa phương đã tự nguyện bàn giao cho Điện lực Nam Định quản lý và đầu tư.
4. Tài chính, ngân hàng
Cử tri huyện Vụ Bản đề nghị tỉnh cấp kinh phí kịp thời để thực hiện việc miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15-11-2010 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đến nay, Sở Tài chính đã cấp đủ kinh phí thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ của năm học 2010-2011 và năm học 2011-2012. Riêng năm học 2012-2013, các huyện, thành phố chưa có báo cáo đầy đủ, cụ thể nên chưa bổ sung kinh phí để chi trả theo chế độ được. Yêu cầu các huyện khẩn trương làm thủ tục theo quy định gửi về Sở Tài chính để thẩm định cấp kịp thời.
Cử tri huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ có ý kiến về lĩnh vực ngân hàng: Việc này ngoài thẩm quyền của UBND tỉnh. Tuy nhiên UBND tỉnh tiếp thu phản ánh lên các Ngân hàng Trung ương.
5. Về văn hoá xã hội, tổ chức cán bộ:
Cử tri huyện Nam Trực đề nghị tỉnh làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm về việc tháp truyền hình tỉnh Nam Định bị đổ trong cơn bão số 8 vừa qua.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Đài PT-TH Nam Định mời Cục Kiểm định chất lượng của Bộ Xây dựng về kiểm định xác định nguyên nhân trách nhiệm.
6. Về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo
Cử tri huyện Xuân Trường đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tích cực giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện kéo dài đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Trong năm 2012 UBND tỉnh đã tập trung cao chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành thực hiện công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC của công dân, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về KNTC tại địa phương. Các vụ việc KNTC, kiến nghị, đề nghị thuộc thẩm quyền đã được thủ trưởng các đơn vị quan tâm, tập trung chỉ đạo, xem xét giải quyết, ưu tiên giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC các vụ việc phức tạp đông người và các vụ việc tồn đọng kéo dài, không để phát sinh các điểm nóng về KNTC.
Quá trình giải quyết đã thực hiện tăng cường đối thoại công khai với công dân. Công tác hoà giải các tranh chấp, kiến nghị, đề nghị của công dân ở cơ sở đã được UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành tích cực, khẩn trương, có kết quả. Đề nghị UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành làm hết trách nhiệm, thẩm quyền và tăng cường chủ động phối hợp chặt chẽ giữa cấp và ngành thống nhất các giải pháp để xử lý dứt điểm theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.
Những nội dung cụ thể khác của từng xã, từng huyện, UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan trả lời bằng văn bản tới các đại biểu.
Kính thưa:
- Chủ tọa Kỳ họp!
- Các vị đại biểu!
Thay mặt UBND tỉnh, một lần nữa tôi xin cảm ơn sự quan tâm của các vị đại biểu HĐND và cử tri toàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành và các đơn vị thực hiện nghiêm những Nghị quyết kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khoá XVII đề ra và tiếp thu, tập trung giải quyết những kiến nghị của cử tri liên quan đến địa phương, ngành mình.
Kính chúc các đồng chí và các vị đại biểu sức khoẻ, hạnh phúc.
Chúc Kỳ họp thành công tốt đẹp.
Xin cảm ơn./.