Ngày 7-11-2012, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 8; tổng kết sản xuất vụ xuân năm 2012, triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ xuân năm 2013. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy (BCH) PCLB và TKCN tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Trần Lương Bằng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đoàn Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Xuân Đức, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Trần Văn Chung, Bí thư Thành ủy Nam Định; Ngô Quang An, Giám đốc Sở KH và ĐT; đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 8. |
Bão số 8 là cơn bão rất mạnh, đổ bộ vào tỉnh ta đêm 28-10-2012. Để chủ động phòng, chống cơn bão số 8, thực hiện chỉ đạo của BCH PCLB và TKCN tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với lực lượng kiểm ngư, các huyện, xã ven biển liên tục thông báo tình hình, diễn biến của bão số 8 và kêu gọi 2.080 tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn. UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện ven biển tổ chức sơ tán 13.100 người vào khu vực an toàn; tổ chức kiểm tra vật tư dự trữ PCLB của tỉnh và các huyện, chủ động phương án phòng chống. Huyện Nghĩa Hưng đã tập kết 20.000m2 bạt chống tràn, 200m3 đá hộc, 500 rọ thép và 340 người cùng phương tiện, tập kết tại đê Cồn Xanh để hộ đê; sử dụng 5.000 cấu kiện bê tông đúc sẵn xếp cao 0,8m trên mặt đê dài 1.200m để chống sóng, sử dụng 200 cấu kiện bê tông đúc sẵn để gia cố 60m đê và kè xung yếu tại xã Nghĩa Thắng. Huyện Hải Hậu đã tổ chức đắp bồi trúc, gia cố 400m thân đê, kè Phúc Hải (xã Hải Phúc), với tổng khối lượng đào đắp trên 1.000m3. Mặc dù đã chủ động phòng, chống nhưng bão số 8 có cường độ gió mạnh, kéo dài trong nhiều giờ đã gây hậu quả nặng nề, làm 1 người chết, 6 người bị thương; nhiều đoạn mái kè trên tuyến đê biển bị sạt lở, trên 2.000m2 lún sập như: kè Hải Thịnh 3, kè Táo Khoai (Hải Hậu); một số kè trên tuyến đê sông cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng như: kè Hạ Miêu (Xuân Trường) sạt nghiêm trọng 800m, kè Cống Chúa (Giao Thủy) sạt nhiều vị trí với chiều dài 2.200m, kè Tương Nam (Nam Trực) sạt mái dài 150m, kè Mặt Lăng và Hợp Hòa (Trực Ninh) sạt lở vào bãi từ 0,5 đến 1,5m. Bão số 8 làm 8.740ha lúa mùa bị đổ, dập; 12.894ha cây vụ đông bị ngập úng; 205ha rừng phòng hộ bị gãy đổ; 715ha đồng muối bị hư hỏng ô nề; 600 chòi canh và 1.700ha nuôi trồng thủy sản bị đổ, hư hại và mất trắng; 500 cột điện cao thế và 1.405 cột điện hạ thế bị đổ gẫy, 100 trạm hạ thế bị hư hỏng; tháp thu phát sóng truyền hình cao 180m của Đài PT-TH tỉnh bị đổ, 76 cột thu phát sóng viễn thông bị đổ gẫy, 313 tuyến cáp quang bị đứt, 1.200 cột bê tông treo cáp bị đổ. Có 69 nhà bị đổ sập, 27.225 công trình: trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học… bị tốc mái, hư hỏng. Thiệt hại do ảnh hưởng bão số 8 gây ra trong toàn tỉnh là trên 2.521 tỷ đồng. Ngay sau khi bão tan, UBND tỉnh, BCH PCLB và TKCN tỉnh đã họp khẩn cấp với các ngành, địa phương đánh giá thiệt hại ban đầu, khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, như: tập trung nhân lực và phương tiện giải tỏa cây cối, cột điện đổ đảm bảo giao thông thông suốt; khôi phục hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc, phát thanh - truyền hình, động viên nhân dân ra đồng tận thu lúa mùa, tổ chức bơm tát, trồng dặm diện tích cây vụ đông đã trồng và tiếp tục trồng các loại cây vụ đông còn thời vụ… nhanh chóng khôi phục các hoạt động sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.
Tại hội nghị, Sở NN và PTNT đã báo cáo kết quả sản xuất vụ xuân năm 2012 và triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ xuân năm 2013. Vụ xuân năm 2013, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 77,5 nghìn ha lúa, 15 nghìn ha rau màu. Về chăn nuôi, phấn đấu đến 1-4-2013, tổng đàn lợn đạt 720 nghìn con; đàn trâu bò đạt 43,5 nghìn con; đàn gia cầm đạt 6,55 triệu con. Phát động và tổ chức tốt Tết trồng cây Xuân Quý Tỵ, khôi phục 205ha rừng phòng hộ ven biển và 500 nghìn cây môi trường do thiệt hại của bão số 8; chăm sóc, trồng dặm 300ha rừng đã trồng trong năm 2011, 2012 và quản lý tốt 3.600ha rừng phòng hộ hiện có.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương những nỗ lực của các ban, ngành, các huyện, thành phố, các tập thể, cá nhân và nhân dân toàn tỉnh đã chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão số 8 gây ra. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, nhất là đối với các nhà dân bị sập đổ, hư hại nặng và các công trình phúc lợi như điện, đường, trường, trạm, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Ngành Điện lực cần chú ý khôi phục và hoàn thiện toàn bộ hệ thống đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Các địa phương tích cực động viên nông dân tiếp tục ứng cứu, dặm tỉa diện tích cây vụ đông bị ảnh hưởng do bão và gieo trồng các loại cây vụ đông còn thời vụ. Các ban, ngành phối hợp với UBND các huyện, thành phố nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ đối với các hộ dân bị thiệt hại do bão đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng, công khai, công bằng… Đối với nhiệm vụ sản xuất vụ xuân năm 2013, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN và PTNT phối hợp với các địa phương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đẩy nhanh thời vụ sản xuất để phấn đấu vụ đông năm 2013 toàn tỉnh đạt 20 nghìn ha. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ các vật tư thiết yếu cho sản xuất vụ xuân năm 2013 như: giống, thuốc BVTV và có biện pháp chỉ đạo phòng chống rét cho mạ, chuẩn bị mạ dự phòng… Các Cty TNHH một thành viên KTCTTL bám sát lịch xả nước của các hồ thủy điện để có kế hoạch lấy đủ nước phục vụ sản xuất./.
Tin, ảnh: Thành Trung