* Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tới dự
Các đồng chí: Trương Vĩnh Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh thăm Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội TP Nam Định. Ảnh: Thu Hà |
Những năm qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, đã tác động tiêu cực đến các mặt đời sống kinh tế - xã hội, để lại hậu quả nghiêm trọng về an ninh trật tự xã hội và sức khỏe cộng đồng, đáng chú ý tệ nạn ma túy đã bắt đầu xâm nhập vào học đường, một bộ phận nhỏ học sinh, sinh viên đã bị lôi kéo vào tệ nạn này. Thời gian qua, ngành GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an các cấp và chính quyền địa phương xây dựng môi trường trong và ngoài các trường học trong sạch, không tệ nạn ma túy đồng thời làm tốt công tác phòng ngừa và triển khai các biện pháp hiệu quả làm giảm số học sinh, sinh viên nghiện ma túy, từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi học đường. Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp phòng chống ma túy trong trường học, ngành GD-ĐT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Công an và các ngành chức năng đề ra các biện pháp thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về phòng, chống ma túy của Đảng và Chính phủ; tăng cường đấu tranh với tội phạm ma túy làm trong sạch môi trường xung quanh các trường học; điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng lôi kéo, rủ rê học sinh sinh viên vào con đường phạm tội và tệ nạn ma túy; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về tác hại của các loại ma túy và kịp thời thông báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm ma túy để các trường học, địa phương có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Phát biểu tại buổi lễ ra quân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng biểu dương và đánh giá cao sáng kiến của Bộ GD và ĐT, Bộ Công an và UBND tỉnh trong việc tổ chức lễ ra quân thực hiện chương trình phòng chống ma túy trong trường học và kết quả phối hợp trong công tác phòng chống ma túy những năm qua và nhấn mạnh: Tệ nạn ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp, thời gian tới, các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về tác hại, hậu quả của ma túy, đặc biệt là về một số loại ma túy mới, ma túy tổng hợp… kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú với nhiều nội dung phù hợp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi sự xâm nhập của tệ nạn ma túy vào học đường. Các nhà trường tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không liên quan đến ma túy và các tệ nạn xã hội. Tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, nhất là Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thiết thực phát huy vai trò của thanh niên trong công tác phòng chống ma túy, đồng thời tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm và ma túy trong các trường học, nắm chắc số lượng học sinh, sinh viên mắc tệ nạn ma túy, tìm ra nguyên nhân để có những giải pháp cụ thể, kết hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy, góp phần xây dựng xã hội không có ma túy, mái trường không có ma túy.
Tại lễ ra quân, đại diện ngành GD-ĐT 14 tỉnh, thành phố đã ký cam kết thực hiện Chương trình hành động phòng chống ma túy trong trường học đến năm 2015.
Ngày 19-6-2010, tại thành phố Nam Định, Bộ GD và ĐT phối hợp với Bộ Công an và UBND tỉnh Nam Định tổ chức hội thảo thực trạng và giải pháp tổ chức giáo dục phòng chống ma túy trong trường học. Các đồng chí: Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; Bùi Đức Long, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện Bộ Công an; đại diện ngành GD-ĐT 14 tỉnh, thành phố tới dự.
Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng về tệ nạn ma túy xâm nhập vào trong các trường học, những nguyên nhân và nguy cơ tiềm ẩn, các giải pháp, cách làm hiệu quả các đơn vị đã tổ chức thực hiện và các giải pháp phòng ngừa từ xa nhằm đẩy lùi tệ nạn ma túy. Thời gian qua, cùng với việc xác định vai trò trách nhiệm của mình, ngành GD-ĐT đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa, rà soát các đối tượng học sinh, sinh viên liên quan đến tệ nạn ma túy, xây dựng các chương trình cụ thể trong công tác phòng chống ma túy nhằm xây dựng môi trường an toàn lành mạnh, không có ma túy và tệ nạn xã hội. Các trường đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống ma túy, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, vận động học sinh, sinh viên tích cực tham gia phòng chống, loại bỏ ma túy ra khỏi nhà trường với nhiều mô hình, phong trào hiệu quả như: gắn kết phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt" với công tác giữ gìn "An toàn trường học" trong các nhà trường và phong trào xây dựng "Trường học an toàn, thân thiện, học sinh tích cực", "Nhà trường không có tội phạm và tệ nạn xã hội"; mô hình "Học sinh, sinh viên tự quản", "Thanh niên xung kích"; tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên các trường đã thường xuyên tổ chức các hoạt động bổ ích, thiết thực và lành mạnh lôi cuốn đông đảo học sinh tham gia… đã góp phần hạn chế sự xâm nhập và đẩy lùi tệ nạn ma túy trong trường học, làm trong sạch và lành mạnh môi trường học đường. Trên cơ sở kết quả đạt được, các ý kiến đóng góp của các cơ sở giáo dục về công tác phòng chống ma túy trong thời gian tới, tập trung vào các giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và các biện pháp phòng ngừa; lồng ghép các chương trình, công tác phòng chống ma túy với các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành GD-ĐT; đẩy mạnh việc quản lý học sinh, sinh viên, kịp thời nắm bắt tình hình, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trật tự, an ninh, vụ việc có biểu hiện liên quan đến ma túy, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", tăng cường các hoạt động ngoại khóa nhằm thu hút, lôi cuốn học sinh, sinh viên vào các hoạt động bổ ích, lý thú, xây dựng nếp sống lành mạnh…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phòng chống tệ nạn ma túy trong trường học thời gian qua thì ngành GD-ĐT và ngành Công an cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy; khảo sát và nắm chắc số học sinh, sinh viên nghiện ma túy và tìm ra nguyên nhân để có những biện pháp đấu tranh đẩy lùi phù hợp, hiệu quả; tăng cường sự phối kết hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội, đây là vấn đề mấu chốt trong công tác phòng chống ma túy học đường đồng thời tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục với các hình thức phong phú, thiết thực vận động các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng chống ma túy nói chung và đẩy lùi tệ nạn ma túy trong học đường nói riêng.
Trong thời gian về thăm và làm việc tại tỉnh ta, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đã đi kiểm tra thực tế kết quả công tác triển khai thực hiện Đề án cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở phường Cửa Bắc (TP Nam Định) và kiểm tra tiến độ thực hiện dự án xây dựng Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động - xã hội thành phố Nam Định./.
Thủy Anh