Từ ngôi Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh

07:54, 15/10/2022

Năm 2022, tròn 115 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Trường Chinh (1907-2022) và tháng 9 vừa qua, đúng 34 năm ngày Ông vĩnh biệt về với thế giới người hiền. Chúng tôi trở về thăm lại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh tại làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định - nơi Đặng Xuân Khu (tên khai sinh của Trường Chinh) cất tiếng khóc chào đời.

Tượng Tổng Bí thư Trường Chinh ở khu trung tâm huyện Xuân Trường.
Tượng Tổng Bí thư Trường Chinh ở khu trung tâm huyện Xuân Trường.

Hành Thiện nằm ở ngã ba sông Hồng và sông Ninh Cơ, đất làng có dáng hình con cá chép ở tư thế như đang vẫy vùng trong nước, đầu quay ra sông Ninh Cơ, đuôi quẫy về phía sông Hồng. Làng chia làm 14 dong tương ứng với 14 xóm; Xóm nào cũng có lối trước thông ra lối sau, như chia con cá chép làm 14 khúc.

Sau khi dâng hương ở tượng đài Tổng Bí thư Trường Chinh, anh Nguyễn Công Chuyên, nguyên Bí thư Huyện ủy Xuân Trường, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định, dẫn chúng tôi về thăm Nhà lưu niệm ở xóm 7 làng Hành Thiện. Dọc lối đi vào làng mướt xanh hàng cây long não do Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội - một trong những người con ưu tú của đất Hành Thiện về trồng tặng làng.

Tôi đã hai lần về thăm Nhà lưu niệm vị lãnh tụ cao cấp của Đảng; nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp; nhà văn hóa xuất sắc; Nhà báo, nhà thơ tài danh theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã cống hiến cả đời cho dân, cho nước.

Chùa Keo ở làng Hành Thiện.
Chùa Keo ở làng Hành Thiện.

Các hiện vật trưng bày tại Nhà lưu niệm hầu như vẫn như lần trước. Lần này do có nhiều thời gian, tôi có dịp xem kỹ các hiện vật, phát hiện hai tấm ảnh gây ấn tượng đặc biệt với tôi - đó là ảnh Bác Hồ chụp chung với các thân nhân 11 đồng chí lãnh đạo cao cấp chủ chốt của Đảng ta. (Thứ tự từ trái sang phải là: Thân phụ đồng chí Hoàng Văn Hoan; Thân mẫu Đại tướng Võ Nguyên Giáp; thân mẫu đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai; Thân mẫu đồng chí Lê Thanh Nghị; thân phụ đồng chí Trần Quốc Hoàn; thân phụ đồng chí Lê Duẩn; Thân phụ đồng chí Trường Chinh; thân phụ đồng chí Hoàng Văn Thụ; thân mẫu đồng chí Nguyễn Văn Cừ; Thân mẫu đồng chí Hoàng Viết Thắng).

Tác giả cùng đoàn thắp nhang ban thờ gia tiên trong Nhà lưu niệm.
Tác giả cùng đoàn thắp nhang ban thờ gia tiên trong Nhà lưu niệm.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, báo chí đã đăng hàng trăm bức ảnh Bác Hồ trò chuyện với nông dân, công nhân, trí thức, văn nghệ sĩ, cụ già, phụ nữ, thiếu nhi… nhưng đây là tấm ảnh đặc biệt, thể hiện tấm lòng và tình cảm trân trọng của Bác đối với những người đã sinh ra, nuôi dưỡng những cán bộ hoạt động bên cạnh mình, chia ngọt sẻ bùi, vào tù ra tội, cùng động viên nhau vượt qua mọi bão giông cách mạng để phụng sự Tổ quốc, mưu cầu hạnh phúc cho Nhân dân.

Bỗng trong tâm trí tôi nhớ đến câu thơ của Tố Hữu: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế / Ôm cả non sông, mọi kiếp người”. Bức ảnh thứ hai treo ở giữa vách tường bên phải là Vua Duy Tân. Chúng tôi chăm chú nghe cô Thoa, người thuyết minh của Nhà lưu niệm kể lại sự tích tấm ảnh này:

Theo tư liệu lịch sử, bác Trường Chinh rất kính trọng lòng yêu nước, thương dân của Vua Duy Tân. Nhận ngôi vua từ năm mới 7 tuổi, nhưng từ thời niên thiếu, cậu bé đã nuôi dưỡng lòng yêu nước và chí căm thù bọn thực dân cướp nước ta. Một lần, Vua ra tắm biển, vui lấy cát nặn hình người, hình nhà; Người đi phục vụ mang chậu nước đến để Vua rửa tay, Vua cười vui hỏi rằng: nước sạch làm mất đi vết bẩn trên tay, nhưng nếu nước bẩn thì rửa bằng gì? Người phục vụ chưa kịp trả lời thì Vua Duy Tân tự trả lời: Phải rửa bằng máu!

Có lẽ câu chuyện từ tấm ảnh quý này, đã lý giải nguyên nhân anh thanh niên Đặng Xuân Khu đang học trường Thành Chung ở Nam Định, đã quyết định bỏ học đi tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm.

Bí thư Huyện ủy Xuân Trường Bùi Văn Hảo báo cáo với đoàn về phong trào xây dựng huyện nhà theo lời căn dặn của cố Tổng Bí thư Trường Chinh.
Bí thư Huyện ủy Xuân Trường Bùi Văn Hảo báo cáo với đoàn về phong trào xây dựng huyện nhà theo lời căn dặn của cố Tổng Bí thư Trường Chinh.

Tôi càng thấm thía vì sao những lần đến thăm báo Nhân Dân, Tổng Bí thư Trường Chinh đều nhấn mạnh phẩm chất và sứ mệnh cao quý của người làm báo cách mạng là phải thổi bùng lên trong lòng người đọc ngọn lửa yêu nước Việt Nam, khêu gợi tinh thần quật cường dân tộc, lòng dũng cảm đánh thắng các thế lực ngoại xâm, để giành và giữ bằng được nền độc lập dân tộc mà các chí sĩ cách mạng đã vì lý tưởng cao quý đó, dám chấp nhận và vượt qua mọi gian khó, hy sinh, kể cả ngục tù dã man và máy chém.

Đi dọc làng Hành Thiện, nghe bao câu chuyện về những người con ưu tú của làng, tôi càng hiểu sự lan tỏa tấm gương sáng ngời về tình cảm, trí tuệ của Tổng Bí thư Trường Chinh dành cho Đảng, cho Dân, đã thật sự lay động, lan tỏa tới các thế hệ hậu sinh ở làng Hành Thiện.

Từ năm 1945 đến nay, Hành Thiện đã có 204 người con là giáo sư, tiến sĩ, trong đó có hơn 50 là giáo sư. Làng cũng có nhiều tướng lĩnh tài danh, như Đặng Quốc Thụy, Nguyễn Đăng Kính, Đặng Quốc Bảo, Nguyễn Sĩ Quốc, Phạm Gia Triệu, Nguyễn Việt Tiến, Phạm Hòa Bình; có 2 Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân là Phạm Gia Triệu, Nguyễn Đăng Kính; có không ít người mang hàm Bộ trưởng, như Đặng Hồi Xuân, Đặng Vũ Chư; Nhiều người mang học hàm Giáo sư, như Đặng Vũ Khiêu, Đặng Xuân Kỳ, Đặng Vũ Minh, Nguyễn Sĩ Quốc, Phạm Gia Triệu, Nguyễn Việt Tiến. Đặc biệt, đã có 3 nhà khoa học được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là: Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu; Giáo sư Y khoa Đặng Vũ Hỷ; Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Thụ.

Trong không khí cuộc gặp thân tình, cởi mở, tại phòng họp Huyện ủy gồm khá đông đủ lãnh đạo các ban, ngành và Thường trực Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân, anh Bùi Văn Hảo, Bí thư Huyện ủy Xuân Trường sôi nổi cho biết: Các tầng lớp Nhân dân trong huyện vô cùng tự hào được sống và làm việc trên mảnh đất đã sinh ra Tổng Bí thư Trường Chinh, luôn luôn nhớ lời căn dặn của Tổng Bí thư trong 2 lần về thăm huyện nhà: Cán bộ và nhân dân cần phát huy cao nhất truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học của Xuân Trường để xây dựng huyện ta vững mạnh về mọi mặt.

Làm theo lời dạy đó, các đoàn thể chính trị trong huyện, các trường học, đơn vị, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày sinh Trường Chinh, đều tổ chức tọa đàm về tấm gương nhà cách mạng tiền bối của Đảng; trao các phần thưởng cho những người lao động giỏi cùng những học sinh giỏi đạt giải cao ở cấp quốc gia và quốc tế.

“Ôn cố tri tân”, chúng tôi thường xuyên động viên các thầy giáo, cô giáo, các thế hệ học sinh nhớ câu truyền miệng “Đông Cổ Am, nam Hành Thiện” ý nói phía đông có làng Cổ Am (nay thuộc Vĩnh Bảo, Hải Phòng) có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; Phía Nam có làng Hành Thiện với nhiều người học hành đỗ đạt cao. Riêng làng Hành Thiện có câu: “Trai học hành, gái canh cửi” để chỉ rằng, cái đáng trân trọng nhất của con trai Hành Thiện là chuyện đèn sách; Cái đáng yêu nhất của con gái Hành Thiện là chuyện kéo tơ, dệt vải. Vì vậy, rất nhiều người thích câu thơ này của nhà thơ Trường Chinh - Sóng Hồng:

“…Trăng xuống làm gương em chải tóc
Làm đèn anh học suốt đêm dài”

Câu thơ vẫn còn giá trị thời sự và giá trị tư tưởng, nghệ thuật cho đến hôm nay, phải không, thưa nhà báo?

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com