Đồng chí Trường Chinh với Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (kỳ 4)

07:55, 20/10/2022

TS. Đặng Văn Thái

(Tiếp theo)

Trong xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa phải sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế, xác định đúng cơ cấu thành phần kinh tế, sửa chữa những khuyết điếm trong việc chưa xác định rõ ràng, nhất quán những quan điếm, chủ trương và chính sách chỉ đạo công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, nóng vội, muốn xóa bỏ ngay các thành phần phi xã hội chủ nghĩa, nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh, nhấn mạnh việc thay đổi quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất mà không coi trọng giải quyết các vấn đề về tổ chức quản lý và chế độ phân phối.

Trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, phải sửa chữa những khuyết điểm do thiếu hiểu biết và ít kinh nghiệm quản lý, khắc phục cả hai khuynh hướng bảo thủ trì trệ không muốn đổi mới và nóng vội giản đơn, muốn giải quyết xong mọi vấn đề trong một thời gian ngắn.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986).

Báo cáo chính trị khẳng định: "Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Nhiều năm nay, trong nhận thức của chúng ta về chủ nghĩa xã hội có nhiều quan niệm lạc hậu, nhất là những quan niệm về công nghiệp hóa, về cải tạo xã hội chủ nghĩa, về cơ chế quản lý kinh tế, về phân phối, lưu thông... Đó là một nguyên nhân chậm phát triển và cụ thể hóa đường lối chung và đường lối kinh tế trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ. Vì vậy, phải đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, chúng ta mới có thể vượt qua khó khăn, thực hiện được những mục tiêu do Đại hội lần thứ VI đề ra". Báo cáo chính trị xác định: "Đổi mới tư duy không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu lý luận đã đạt được, phủ nhận những quy luật phổ biến của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phủ nhận đường lối đúng đắn đã được xác định, trái lại, chính là bổ sung và phát triển những thành tựu ấy".

Báo cáo chính trị chỉ rõ: "Đổi mới tư duy trong mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng và Nhà nước là việc cấp bách, đồng thời là việc thường xuyên, lâu dài. Tính bảo thủ, sức ỳ của những quan niệm cũ là trở ngại không nhỏ, nhất là những quan niệm ấy lại gắn chặt với những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân và đầu óc thủ cựu. Cần tạo những điều kiện xã hội thuận lợi cho quá trình đổi mới tư duy: bầu không khí dân chủ trong xã hội, nhất là trong sinh hoạt Đảng, trong nghiên cứu khoa học; tinh thần tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý; hệ thống thông tin chính xác; tự phê bình và phê bình được tiến hành một cách thường xuyên và nghiêm túc... Điều quan trọng là phải coi trọng công tác lý luận nhằm cung cấp nội dung khoa học cho việc đổi mới tư duy".

Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, Báo cáo chính trị nêu ra sáu yêu cầu đối với công tác xây dựng Đảng:

Một là, đổi mới tư duy, nâng cao phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân là nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng.

Hai là, đổi mới đội ngũ cán bộ, kiện toàn các cơ quan lãnh đạo và quản lý.

Ba là, đổi mới phong cách làm việc, giữ vững các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt trong Đảng.

Bốn là, nâng cao chất lượng đảng viên, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực.

Năm là, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở.

Sáu là, tăng cường đoàn kết, nhất trí trong Đảng.

Kết thúc Báo cáo chính trị, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh:

"Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu sự đổi mới quan trọng của Đảng trong lãnh đạo chính trị, tư tưởng, tổ chức và có ý nghĩa to lớn tăng cường hơn nữa khối đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng.

Trước mắt chúng ta có nhiều khó khăn, nhưng Đảng và nhân dân ta có những điều kiện cần thiết để khắc phục những khó khăn ấy, đưa sự nghiệp cách mạng vẻ vang tiếp tục tiến lên".

Báo cáo chính trị và Nghị quyết của Đại hội lần thứ VI là đỉnh cao của thái độ cầu thị, dám nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật, dũng cảm tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, giải phóng được sức mạnh của dân tộc, sự thông minh, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân của cán bộ, đảng viên chúng ta.

Ngày 15-12, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa V trình bày tóm tắt Báo cáo chính trị.

Chiều ngày 17-12, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ đề nghị với Đại hội không tham gia ứng cử vì điều kiện sức khỏe. Đại hội tuyên dương công trạng to lớn vì nước, vì dân của các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ và nhất trí trao trách nhiệm cao cả cho ba đồng chí làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngày 18-12, Đại hội thông qua Nghị quyết về Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế và Báo cáo xây dựng Đảng.

Đại hội lần thứ VI của Đảng có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Với tầm nhìn thấu rõ thực trạng đất nước, tổng kết được những kinh nghiệm từ thực tiễn thành công và thất bại; với ý thức trách nhiệm vì dân, vì nước, dũng cảm thừa nhận sai lầm, khuyết điểm; với tinh thần đoàn kết, nhất trí cao, Đại hội lần thứ VI đã tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, mở ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Với những đóng góp to lớn về lý luận và thực tiễn, với trách nhiệm quyết định trong chuẩn bị các văn kiện và tổ chức thành công Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí Trường Chinh là kiến trúc sư vĩ đại của sự nghiệp đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com