Đầu tháng 5-2012, con tàu Trường Sa (HQ-571) thuộc biên chế Hải đội 411 Vùng 4 Hải quân chở Đoàn công tác số 10 ra công tác tại quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) với 206 người của 7 đơn vị: Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Vùng 4 Hải quân, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và 4 tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh. Trong lần ra quần đảo Trường Sa lần này, đoàn đại biểu tỉnh Nam Định có nhiệm vụ quan trọng, thiêng liêng là đại diện Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh tổ chức Lễ khánh thành tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ở vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc.
Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: baodaknong.org.vn |
Con tàu Trường Sa HQ-571 rẽ sóng ra khơi, hướng đến đảo Song Tử Tây vào buổi chiều rực nắng. Tiếng còi tàu tu tu vang lên thả vào không gian mênh mông xanh ngắt giữa bời bời trùng dương sóng vỗ. Qua loa tàu, giọng nói rành rọt trầm ấm của nam thủy thủ trên khoang lái, nhắc tàu chuẩn bị cập bến. Mọi người ồ lên vui sướng, ai nấy ùa ra hai mạn tàu, hướng về đảo xa, lúc này chỉ là một chấm đen to mờ phía xa, để cảm nhận giây phút thiêng liêng lần đầu tiên được trực tiếp nhìn thấy hòn đảo tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc, mà bấy lâu nay chỉ được biết qua tài liệu và phim ảnh. Song Tử Tây dần hiện lên là một hòn đảo màu xanh ngọc trong nắng chiều rực rỡ. Những chiếc xuồng máy đưa chúng tôi cập bến đậu trong âu tàu đảo Song Tử Tây, những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo đứng thành hai hàng chào đón với nụ cười rất tươi. Sau ít phút nghỉ ngơi, tất cả tập trung về sân trung tâm có cột mốc lớn đảo Song Tử Tây, để thực hiện nghi thức chào cờ Tổ quốc. Giữa muôn trùng khơi, tiếng Quốc ca hùng tráng vang lên làm mỗi người tham dự đều tự hào về truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh đã gìn giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngay sau Lễ chào cờ, Đoàn công tác dự buổi gặp và làm việc với lãnh đạo, quân dân xã đảo, trao tặng các phần quà của Đảng bộ, quân và dân các tỉnh tới cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Đoàn Nam Định cũng có cuộc gặp gỡ thân mật, ấm áp với các cán bộ, chiến sĩ người con quê hương trên đảo Song Tử Tây, đồng thời triển khai công tác chuẩn bị ở khu vực tượng đài để thực hiện Lễ an vị và tổ chức Lễ khánh thành Tượng. Chương trình giao lưu văn nghệ giữa Đoàn công tác Trường Sa số 10 và cán bộ, chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây diễn ra lúc 21 giờ sôi nổi, thấm đẫm tình cảm với những lời ca bổng trầm, tha thiết hòa trong tiếng sóng, gió nơi biển khơi.
Đúng 23 giờ đêm ngày 5 tháng 5 năm 2012 (đêm rằm tháng tư năm Nhâm Thìn), Lễ an vị Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây được bắt đầu. Trăng hè đêm rằm tháng tư lồng lộng nâng bổng bầu trời lên thăm thẳm, làm nổi bật Tượng đài Đức Thánh Trần sừng sững tỏa ánh hồng linh thiêng. Hai bên công trình tượng đài là hai khóm cây phong ba đặc trưng của biển đảo Trường Sa... Khi mọi nghi thức Lễ an vị Tượng đài đã hoàn tất, tấm lụa điều được hạ xuống, Tượng đài hiện lên dưới ánh trăng rằm sừng sững uy nghi. Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn có chất liệu bằng đá khối cao 11m, tạc theo mẫu tượng đài Đức Thánh Trần ở Quảng trường 3-2 thành phố Nam Định. Tượng được đặt trên khuôn viên rộng trên 5.600m2, hướng ra phía Biển Đông, gần Chùa Trường Sa, hài hòa không gian quy hoạch chung đảo Song Tử Tây. Ai nấy đều rưng rưng thành kính và vinh hạnh được dâng những nén hương đầu tiên trước anh linh của Đức Thánh Trần trên đảo Song Tử Tây.
Đúng 6 giờ sáng ngày 6 tháng 5 năm 2012 (16 tháng tư âm lịch năm Nhâm Thìn), khi mặt trời lộ quầng sáng đỏ rực trên Biển Đông, Lễ khánh thành công trình Tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo được chính thức khai mạc. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Nam Định, đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu rõ: Đảng bộ và quân và dân tỉnh Nam Định rất vinh dự tự hào là quê hương của Đức Thánh Trần. Trước sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tỉnh Nam Định có tâm nguyện thiết tha được xây dựng công trình văn hóa lịch sử và tâm linh Tượng đài Đức Thánh Trần trên quần đảo Trường Sa nhân dịp Kỷ niệm 750 năm Thiên Trường Nam Định (1262-2012). Được sự nhất trí của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, sự giúp đỡ nhiệt tình của quân và dân huyện đảo Trường Sa, xã đảo Song Tử Tây, tinh thần trách nhiệm và cố gắng cao của đơn vị thi công, đúng vào dịp kỷ niệm 37 năm ngày Quân đội ta giải phóng đảo Song Tử Tây và quần đảo Trường Sa (1975-2012) tâm nguyện ấy đã trở thành sự thật. Lễ khánh thành công trình Tượng đài Đức Thánh Trần là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa rất lớn trong các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 750 năm Thiên Trường Nam Định (1262-2012), tỉnh Nam Định vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, thành phố Nam Định được Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh…
Việc khánh thành tượng đài Đức Thánh Trần ở đảo Song Tử Tây không chỉ là niềm vui, tự hào của nhân dân tỉnh mà còn với người dân cả nước. Món quà của tỉnh Nam Định mang cả ý nghĩa về văn hoá, tâm linh, chính trị, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo. Sự anh minh, dũng khí của Đức Thánh Trần sẽ là điểm tựa, là nguồn động viên to lớn đối với quân và dân nơi đây. Trong ngày khánh thành Tượng đài, một phóng viên đã gọi điện thông báo tin vui đến Giáo sư sử học Lê Văn Lan lúc đó đang công tác ở tỉnh Hòa Bình. Giáo sư Lê Văn Lan đã trả lời đầy hào hứng, đại ý rằng: Trong lịch sử dân tộc, hiếm có một vị tướng nào được đánh giá cao bằng Đức Thánh Trần. Người ta xếp các vị tướng theo những danh hiệu thứ bậc như sau: Cấp độ 1 là “Dũng tướng” tức là vị tướng giỏi có sức mạnh hơn người. Cấp độ 2 là “Trí tướng” tức vị tướng tài ba không chỉ giỏi cơ bắp mà còn có mưu lược. Bậc cao hơn nữa là “Nhân tướng” - đánh giặc bằng đạo Nhân, đó là cấp rất cao rồi. Nhưng duy nhất trong lịch sử có một người được phong là “Thánh tướng” - đó là Đức Thánh Trần Hưng Đạo... Đức Thánh Trần - vị Anh hùng dân tộc, người có khả năng và đã từng nhiều phen trừ diệt yêu tà ma quái đã ngự ở đấy, thì đương nhiên không chỉ cá nhân tôi với tư cách một nhà sử học mà chắc chắn toàn dân sẽ hồ hởi mừng vui và trông ngóng sự trấn giữ của Ngài cho mảnh đất nhiều lần đầu sóng ngọn gió Trường Sa...
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tròn 10 năm khánh thành Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa (6-5-2012 - 6-5-2022) - công trình văn hóa tâm linh nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã tiếp thêm ý chí và nghị lực, sức mạnh và bản lĩnh của dân tộc mang Hào khí Đông A Việt Nam đối với quân dân nơi quần đảo Trường Sa. Đây cũng là thông điệp gửi đến bè bạn quốc tế về một Việt Nam luôn khao khát độc lập, hòa bình, thịnh vượng. Đảng bộ, quân và dân tỉnh Nam Định luôn tự hào với công trình mang ý nghĩa này, gửi trọn niềm tin, yêu thương đến biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
Nguyễn Công Thành
(Chủ tịch Hội VHNT Nam Định)