Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng thỉnh thoảng trong những giấc mơ bất chợt, cựu chiến binh Hoàng Chinh vẫn nghe thấy tiếng bom đạn gầm rú, cảnh những người đồng chí, đồng đội anh dũng hy sinh; về những ngày mười tám, đôi mươi tranh thủ lúc chiến trường im tiếng súng cùng đồng đội tắm suối, cùng đi thu nhặt chiến lợi phẩm. Người lính già cho biết: Cũng như bao nhiêu người lính khác, tôi luôn tâm niệm một điều “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” .
Cựu chiến binh Hoàng Chinh (thành phố Nam Định), bên bức ảnh được phóng viên chụp tại chiến trường năm 1968. |
Một ngày cuối xuân đầu hạ, trong căn nhà nhỏ ấm cúng ở số 24A, Gốc Mít, phường Vị Xuyên (thành phố Nam Định), Thiếu tá Hoàng Chinh, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 855 và vợ là bà Đinh Thị Thành đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện “sống, chiến đấu” trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt. Đều ở vào tuổi xưa nay hiếm nhưng trí nhớ của ông Hoàng Chinh vẫn còn rất tốt. Giọng người lính bộ binh hào sảng, vang vang khi kể những trận đánh đã tham gia, trầm xuống xót xa nhắc về những hy sinh, mất mát. Mùa thu năm 1965, khi bước vào tuổi 18 tuổi, ông Chinh viết đơn tình nguyện xin ra chiến trường. Bởi như nhiều thanh niên thế hệ lúc đó, ông luôn xác định lý tưởng, “cuộc đời đẹp nhất là trên mặt trận chống quân thù, là thanh niên trai tráng khi đất nước lâm nguy, phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc”. Sau khi huấn luyện trong Thanh Hóa 3 tháng, ông được phân về Sư 325, Trung đoàn 101, Tiểu đoàn 9 đánh trận đầu tiên ở Cồn Tiên, Dốc Miếu (Quảng Trị). Những năm 1967-1968 là thời điểm ông Chinh tham gia những trận đánh rất khốc liệt. Ông cho biết đã trực tiếp tham gia 4-5 trận đánh lớn ở các cao điểm 595, 640 Đường 9 - Khe Sanh. Trong đó, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh với mục tiêu, nghi binh chiến lược, thu hút, giam chân, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận chủ lực quân Mỹ, Ngụy. “Chúng tôi ngày đó hàng ngày cầm súng đối mặt trực diện với kẻ thù. Không nhớ được đã trải qua bao nhiêu ngày đêm chiến đấu bởi ngày nào cũng như ngày nào, trước mặt toàn là bom đạn, thương vong cũng nhiều. Nhưng người lính chúng tôi không chùn bước, bởi niềm tin vào chính nghĩa, vào chiến thắng”, ông Chinh nhớ lại. Qua hơn 170 ngày đêm chiến đấu gian khổ, quyết liệt, ngày 15-7-1968, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh kết thúc thắng lợi, quân ta đã phá tan hệ thống phòng thủ chiến lược của Mỹ trên Đường số 9, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), giữ vững tuyến đường chi viện Bắc - Nam; tạo điều kiện cho hướng tiến công chiến lược chủ yếu đánh vào các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam. Năm 1969, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Sư đoàn của ông Chinh rút về Quảng Bình củng cố lực lượng, chuẩn bị cho những nhiệm vụ “dài hơi” tiếp theo. Đến năm 1970, ông cùng các đồng chí, đồng đội quay vào Khe Sanh đánh cao điểm 640, căn cứ pháo binh của Mỹ. Cùng năm này, ông còn tham gia đánh sân bay Tà Cơn, vây ép khu vực sân bay khiến địch không thể tiếp tế vào bên trong. “Thời điểm đánh sân bay Tà Cơn, chúng tôi có những kỷ niệm rất vui. Vì cắt được đường tiếp tế của địch từ ngoài vào sân bay nên lính Mỹ đã phải bỏ lại rất nhiều đồ tiếp tế thịt hộp, dù, đường, sữa… Ban ngày chúng tôi chiến đấu, ban đêm và gần sáng lại đi “thu hoạch” chiến lợi phẩm”, ông Chinh kể tiếp. “Gắn bó” với địa danh Khe Sanh, ông Chinh cũng đã để lại một phần máu thịt trên mảnh đất này. Năm 1971, khi tham gia đánh bản Đông, ông bị đạn bắn vào mắt. Được đồng đội nhanh chóng đưa ra phía sau rồi ra Bắc điều trị, 1 bên mắt của ông sau đó bị hỏng hoàn toàn, mắt còn lại cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Sức khỏe suy giảm, ông rời chiến trường và điều động về làm giảng viên tại Trường Tập huấn Quân khu ở Ba Sao, Kim Bảng, thuộc tỉnh Hà Nam Ninh cũ; sau là giảng viên Trường Quân sự tỉnh Ninh Bình rồi được bổ nhiệm chức vụ Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 855 cho đến khi về hưu vào năm 1983. Về nghỉ hưu ông Chinh tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Ông có 10 năm làm Bí thư chi bộ, 12 năm làm Phó Chủ tịch HĐND phường Vị Xuyên. Ghi nhận những đóng góp của Thiếu tá Hoàng Chinh, Đảng, Nhà nước tặng ông nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Kháng chiến hạng Ba…
Mặc dù thời gian trực tiếp chiến đấu chỉ khoảng hơn 6 năm nhưng ông Chinh đã tham gia đến vài chục trận đánh lớn nhỏ, ở những mặt trận có thể coi là khốc liệt nhất thời bấy giờ. Hàng ngày, hàng giờ đối diện với sinh tử, chính bản thân ông Chinh nhiều khi cũng không tin được là mình có thể sống sót trở về. Mọi người trong nhà cũng vậy, duy chỉ một người luôn tin rằng ông sẽ còn sống, sẽ trở về. Đó chính là bà Thành, người yêu và cũng là vợ ông sau này. Cưới nhau năm 1970, trong lần ra Bắc 10 ngày ngắn ngủi, đôi bạn “thanh mai trúc mã” cùng làng, học cùng lớp đã nên duyên. Bà nhớ mãi một ngày hè nóng bức khi đang “bụng mang dạ chửa” nhận được bức thư được ông viết nguệch ngoạc: “Anh bị thương và đã ra Bắc điều trị. Mắt anh có thể sẽ bị mù vĩnh viễn. Tuy nhiên em chưa thể vào thăm anh được vì quy định không cho phép”. Cầm thư, bà Thành bật khóc bởi niềm hạnh phúc lớn nhất là ông đã trở về, dù không còn lành lặn, dù mất đi một phần sức khỏe. “Không nhiều người mẹ, người vợ… được may mắn như thế!”, bà Thành nghẹn lời.
Ông Hoàng Chinh hiện vẫn còn giữ được tấm ảnh của nhà báo Lê Y chụp ông đang trực tiếp cầm súng chiến đấu tại cao điểm 622, chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh vào tháng 4-1968. Ông kể, “Anh trai tôi khi đọc báo Nhân Dân đã thấy ảnh tôi trên báo. Anh đã cắt, cẩn thận nhờ người phóng to và trao lại cho tôi khi tôi trở về từ chiến trường. So với hình ảnh lúc đó, ánh nhìn cương nghị, tinh thần chiến đấu của người lính già bây giờ hầu như không thay đổi. Năm tháng, sự khốc liệt của chiến tranh đã tôi rèn cho ông Chinh cũng như mỗi người lính “tinh thần thép”. Càng thêm trân quý thêm mỗi giây phút được sống cuộc sống hòa bình, tự do mà phải đổi cả tuổi trẻ, máu xương để gìn giữ, họ luôn tâm niệm thế hệ trẻ sau sẽ viết tiếp những trang sử hào hùng của cha ông, đem hết tâm sức để bảo vệ và dựng xây đất nước./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân