Những đóng góp về lý luận của đồng chí Trường Chinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954) (kỳ 1)

04:12, 23/12/2021

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Dung

Tham gia xây dựng đường lối kháng chiến "toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh"

Với dã tâm xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã cố ý gây chiến tranh, cắt đứt mọi con đường dẫn đến hòa bình, quyền độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam bị đe dọa. Trước tình hình đó, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, nêu rõ: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Chúng ta phải đứng lên".

Cùng với Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chỉ thị Toàn dân kháng chiến (22-12-1946) của Ban Thường vụ Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Chỉ thị xác định rõ tính chất, phương châm của cuộc kháng chiến là toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, nhằm mục đích đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập dân tộc. Chỉ thị cũng phân tích rõ cuộc kháng chiến của quân và dân ta chống thực dân Pháp xâm lược được chia thành ba giai đoạn: Phòng ngự, cầm cự và phản công; đồng thời nhấn mạnh việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố chế độ dân chủ cộng hòa, tăng gia sản xuất, với khẩu hiệu "Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc", "Mỗi phố là một mặt trận, mỗi làng là một pháo đài". Đảng và nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến với tư thế chủ động, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, với một niềm tin tưởng mãnh liệt "kháng chiến nhất định thắng lợi".

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và Lê Đức Thọ đọc báo Sự thật tại Chiến khu Việt Bắc, năm 1948.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và Lê Đức Thọ đọc báo Sự thật tại Chiến khu Việt Bắc, năm 1948.

Chỉ thị Toàn dân kháng chiến là văn kiện quan trọng của Đảng ta, đặt cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện đường lối kháng chiến. Chỉ thị nhanh chóng được gửi tới các cấp, các tổ chức cơ sở đảng để quán triệt và thi hành.

Bước vào cuộc kháng chiến, hàng loạt vấn đề thực tiễn đặt ra đòi hỏi phải có đường lối kháng chiến nhằm định hướng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Trước yêu cầu đó, Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết một loạt bài đăng trên báo Sự thật, giải thích rõ chủ trương trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta, làm rõ tại sao dân tộc Việt Nam sẽ thắng và thắng bằng cách nào. Sau đó, Nhà xuất bản Sự thật đã tập hợp những bài báo này, in thành cuốn sách với tiêu đề Kháng chiến nhất định thắng lợi.

Tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi là sự trình bày một cách có hệ thống lý luận về cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, về ba giai đoạn của cuộc kháng chiến, về chiến thuật chiến tranh. Đồng chí nêu rõ mục đích của cuộc kháng chiến là giành độc lập dân tộc và thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, về tính chất của cuộc kháng chiến, đồng chí nhận định: "Nhân dân ta đánh thực dân Pháp để giành tự do, độc lập, để tự vệ, để tự giải phóng, cho nên cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân, chiến tranh tự vệ của dân tộc, là chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh tiến bộ". Cuộc kháng chiến của Việt Nam không những có tính chất dân tộc giải phóng, mà còn có tính chất dân chủ mới, đó là "một cuộc chiến tranh vì tự do, độc lập, dân chủ và hòa bình".

Trên cơ sở phân tích tình hình, chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của ta và điểm mạnh, điếm yếu của địch, đồng chí Trường Chinh nhận định "chỗ mạnh của ta đều là gốc, chỗ mạnh của địch đều là ngọn", ta càng đánh càng mạnh, địch càng đánh càng yếu. Ta từ chỗ yếu hơn địch sẽ tiến tới cân sức và mạnh hơn địch, cuối cùng ta sẽ giành thắng lợi hoàn toàn. Do vậy, ta chủ trương đánh lâu dài để làm bộc lộ những chỗ yếu cơ bản của địch, hạn chế chỗ mạnh của địch, khắc phục chỗ yếu và phát huy chỗ mạnh của ta. Đồng chí Trường Chinh nêu rõ "phương châm chiến lược của toàn bộ cuộc kháng chiến là đánh lâu dài. Đánh lâu dài đó là bí quyết của sự thắng lợi" Phương châm chiến thuật chung là du kích chiến, vận động chiến. Đồng chí giải thích: Du kích chiến là cách đánh bằng những đội dân quân hay những đội quân chính quy nhỏ, vũ khí thô sơ, nhưng tinh thần quyết chiến cao, luồn sau lưng địch mà đánh, làm cho địch mất ăn, mất ngủ. Vận động chiến là cách đánh bằng quân chính quy hay dân quân du kích hợp lại thành đội tương đối lớn, phối hợp với quân chính quy, dùng vũ khí ít nhiều tinh xảo, tập trung mau lẹ, tiến công chớp nhoáng, bao vây địch để tiêu diệt chúng, hoặc bức địch rút khỏi trận địa. Bên cạnh đó, cũng có thế kết hợp với trận địa chiến, là cách dàn thành mặt trận của quân chính quy, lừa lúc địch yếu, sơ hở, chiếm trận địa của chúng.

Đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh. Muốn kháng chiến thắng lợi, phải đoàn kết toàn dân, huy động sức người, sức của và tài trí của dân, phải dốc lực lượng của 25 triệu đồng bào vào cuộc chiến đấu, làm sao cho giặc đụng vào đâu cũng gặp sức kháng chiến của toàn dân Việt Nam cầm vũ khí trong tay chống lại chúng, thà chết không chịu làm nô lệ.

(Còn nữa)


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com