Bảo tàng Báo chí Việt Nam vừa tiếp nhận một số tài liệu quý trong việc nghiên cứu, tìm hiểu tình hình xuất bản báo chí thời kỳ bí mật của Đảng. Đó là các tài liệu đánh máy bằng tiếng Pháp do mật thám theo dõi và tổng hợp từ các số báo Giải Phóng, cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ miền Đông Nam Kỳ (Xứ ủy Nam Kỳ) được chúng báo cáo với nhà cầm quyền.
1. Công văn mật của mật thám Pháp có nhắc tới nhà cách mạng trẻ Tống Văn Trân
Những tài liệu trên do Tiến sĩ Sử học, Nhà báo Nguyễn Văn Khoan, một người vô cùng tâm huyết trong việc sưu tầm và lưu giữ những tài liệu, hiện vật về báo chí đã hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Trong đó, không thể không nhắc tới một tài liệu được đóng dấu mật có nhắc tới người chiến sĩ cộng sản kiên cường Tống Văn Trân - một yếu nhân của Xứ ủy Nam Kỳ, người con ưu tú của quê hương Nam Định mà theo mật thám Pháp thì đây là “một tuyên truyền viên tích cực” của Đảng ta.
Công văn mật của Mật thám Pháp có nhắc tới nhà cách mạng Tống Văn Trân, năm 1935. Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam |
Công văn số 1120-S
Sài Gòn, ngày 6-3-1935
Chánh Cảnh sát Nam Kỳ gửi Thống đốc Sài Gòn, An ninh Hà Nội và Cảnh sát Hà Nội, Huế, Nông Pênh, Viêng Chăn.
(Tin do điệp viên “CÔ” cung cấp).
HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA CỘNG SẢN TRONG BAN CHẤP HÀNH XỨ ỦY ĐÔNG NAM KỲ
Trong báo Giải Phóng số 23, ngày 25-2-1935 có nêu tên người là XÍCH (tên khác là Đức) bị bắt ở Ba Tri (Bến Tre)... Người này chính là Nguyễn Văn Đức tức Nguyễn Hoan Sích, kẻ đã che giấu THÀNG BẮC KỲ tức TỐNG VĂN TRÂN, một tuyên truyền viên tích cực đã bị bắt ở Bến Tre ngày 21 tháng Giêng.
Kèm theo công văn này là báo Giải Phóng số 23 ngày 25-2-1935 do điệp viên “CÔ” cung cấp.
Chánh Cảnh sát Nam Kỳ đã ký: Nadaud.
Theo như những gì mật thám Pháp báo cáo với nhà cầm quyền, ta biết được rằng: Nhà cách mạng Tống Văn Trân có bí danh là “Thàng Bắc Kỳ”, là người bị chúng theo dõi và lùng sục rất gắt gao. Sở dĩ như vậy là do đồng chí Trân là một trong số ít tù cộng sản vượt ngục thành công tại Côn Đảo trở về đất liền tiếp tục hoạt động cách mạng tại miền Đông Nam Kỳ.
Đầu năm 1935, Xứ ủy Nam Kỳ điều Tống Văn Trân về công tác ở Sài Gòn. Đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ và được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách phong trào ở Sài Gòn - Gia Định. Sau đại hội thứ nhất của Đảng năm 1935, thầy giáo Tống Văn Trân được Trung ương giao nhiệm vụ củng cố lại Đảng bộ miền Trung. Sau đại hội Đảng bộ Trung Kỳ, đồng chí Tống Văn Trân nhận chỉ thị về Sài gòn công tác. Về đến Sài Gòn thì Tống Văn Trân bị địch vây bắt đưa về nhà giam ở khám lớn Sài gòn. Biết đồng chí là một phần tử cách mạng nguy hiểm, kẻ địch dùng đủ mọi hình thức từ dụ dỗ, hứa hẹn cho đến tra tấn thảm khốc nhằm khai thác thông tin nhưng chúng hoàn toàn thất bại. Người chiến sĩ cách mạng kiên cường ấy vẫn im lặng trước mọi ngón đòn hành hạ dã man của chúng và rồi tên Chánh mật thám Đông Dương Ác-nu đã ra lệnh đánh chết anh trước mặt hắn. Một sự dã man và hèn hạ vô cùng của những kẻ xâm lăng, bất lực trước tinh thần đấu tranh của những người con đất Việt. Anh ngã xuống trong sự hiên ngang của ý chí chiến đấu bất khuất, trước sự cảm thương của đồng chí, nhân dân khi nhiệt huyết cách mạng, tuổi xuân còn đang phơi phới.
2. Cuộc vượt ngục đầu tiên thành công tại Nhà tù Côn Đảo
Tượng đài Tống Văn Trân, thị trấn Lâm (Ý Yên). |
Nhà cách mạng anh hùng Tống Văn Trân một trong những thanh niên trí thức đầu tiên của tỉnh Nam Định đã chọn đi theo con đường cách mạng vô sản và trở thành người cán bộ đầu tiên gây dựng phong trào cách mạng trong hai huyện Phong Doanh và Ý Yên. Phong Doanh sau này hợp nhất với Ý Yên và trong kháng chiến chống Pháp, vùng này là một trong những vùng chiến đấu anh dũng nhất ở đồng bằng Bắc Bộ.
Theo một số tư liệu báo chí của Nhà báo Hồng Hà (1928-2011), nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, có nhiều chi tiết nói về nhà cách mạng Tống Văn Trân rất chân thực như sau: “Một đồng chí đã tuyên truyền và kết nạp Tống Văn Trân kể lại: “Nhiều anh em đã giới thiệu với tôi, anh Tống Văn Trân là người có nhiệt huyết. Tôi mượn cớ đi hội Phủ Giầy, cùng với một đồng chí biết anh trước rẽ vào thăm anh. Quê anh ở làng Nguyễn. Năm ấy, anh ngoài 20 tuổi, người đẹp, da trắng, mặt trái xoan, tuy dạy học xứ quê nhưng thường hay mặc âu phục. Điều tôi nhớ nhất ở buổi đầu gặp gỡ là anh có đôi mắt sắc mà hiền, giọng nói rất ấm, không nhỏ nhẹ mà rất dễ thương. Câu chuyện ý hợp tâm đầu. Từ đây, đi lại thân thiết và sau lần gửi báo Thanh niên về cho anh đọc, tôi mời anh ra tỉnh chơi.
Chúng tôi đi nói chuyện với nhau suốt một buổi tối ở vườn hoa Bôn Be, anh nghe tôi nói với anh về tổ chức cách mạng thì rất hăng hái nhiệt thành. Tôi còn nhớ anh nói: “Trước kia, tôi cứ tưởng mình cô độc. Thế ra, đâu đâu cũng có anh em cùng chí hướng như mình. Tôi vẫn hoài bão có một đoàn thể cách mạng chỉ đường dẫn lối cho tôi. Ta có lực lượng như thế thì công việc cách mạng chẳng chóng thì chày sẽ thành công”.
Và có lẽ, nhắc đến người anh hùng của mảnh đất Nam Định thì không thể không nhắc tới sự kiện Tống Văn Trân và 8 đồng chí vượt ngục Côn Đảo. Đây là những người đầu tiên đóng thuyền gỗ và vượt ngục thành công trên đảo.
Trước đó cũng có một số cuộc vượt ngục nhưng không thành công như: Đồng chí Lê Ngọc Dư, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định, bị đắm mảng và chết giữa biển. Đồng chí Ngô Gia Tự, một khối óc lớn của phong trào, ra khơi rồi cũng bị mất tích. Nguyên nhân thất bại: các đồng chí dùng bè vượt biển, thường bị sóng đánh vỡ bè hoặc bè trôi không lại được. Cuối năm 1933, đã có một số đồng chí có sáng kiến đóng thuyền vượt đảo. Đóng thuyền, xẻ gỗ là khó khăn nhất. Vấn đề khó không phải là lao động gian khổ và phức tạp mà là giữ sao cho bí mật. Đốn gỗ thì lên núi cao, Tây không thể biết được. Nhưng xẻ ván đóng thuyền ở đâu cho không lộ mà chỗ đóng thuyền thì cần phải gần biển để tiện ra khơi. Anh em bàn bạc mãi mới tìm ra được một địa điểm có nhiều thuận lợi cho “công trường”.
Từ Đá Trắng, vượt qua hai ngọn núi cao sang bên kia, có một bãi rộng bên bờ biển, tục gọi bãi ấy là bãi sở Đầm, ở khuất nẻo khá xa các nơi giặc đóng, thỉnh thoảng mới có anh em tù thường ra biển kiếm củi. Bọn chủ đảo thấy nơi hẻo lánh cũng chú ý đề phòng, thường cho lính lê dương
và tù người Khơme ra canh gác ở đầu bãi biển. Cuối bãi về mé núi, có một cái thung sâu hoắm, cây cối um tùm. Từ dưới thung sâu, xẻ gỗ đóng thuyền chỉ vang vào núi, trên núi cao nghe thấy, còn ngoài bãi không tài nào nghe thấy được. Đấy là chỗ đã khởi công đóng chiếc thuyền gỗ đầu tiên vượt đảo. Đảng uỷ đảo hết sức chú ý đến công việc, luôn luôn đòi hỏi báo cáo và chỉ thị công tác.
Một đêm trăng sáng cuối mùa xuân, thuyền Tống Văn Trân và 8 đồng chí của anh ra khơi.
Chuyến ra khơi ấy, trong lịch sử vượt Côn Đảo, là chuyến đầu tiên về tới đất liền, 9 đồng chí yêu mến của chúng ta đã làm thế nào mà về chót lọt được? Cuộc đời cách mạng dành cho người chiến sĩ được sống những cảnh đời thật cao rộng, con người vươn lên lồng lộng trước quân thù và trước cả thiên nhiên. Còn gì đẹp bằng những con người giành lại được tự do, như một đàn chim sổ lồng tháo cũi vỗ cánh bay vù ra khơi xa thăm thẳm! Trên sóng trắng trùng dương, là buồm căng gió...
Cuộc đời hoạt động của người thanh niên cách mạng Tống Văn Trân là một bản anh hùng ca bất khuất. Người thanh niên ấy luôn sục sôi trong mình nhiệt huyết chiến đấu, cống hiến cho lý tưởng của Đảng, bất khuất trước cường bạo, vũ lực của kẻ thù. Anh chọn cái chết cho riêng mình để bảo toàn lực lượng, hàng ngũ của Đảng. Anh nằm xuống giữa lúc bản thân đang tràn đầy năng lực của tuổi trẻ, của sự cống hiến, khát khao. Anh đã chọn cho mình sự hy sinh cao quý nhất, đúng như câu thơ của anh gửi cho những thế hệ cách mạng sau này: “Thân ta dù có thiệt thòi/Làm gương chiến đấu cho đời mai sau”./.
Thành Nam