Nam Định trong những ngày đầu "Toàn quốc kháng chiến"

06:12, 17/12/2021

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước ta bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người dân Việt Nam từ thân phận mất nước, nô lệ trở thành chủ nhân của một nước tự do độc lập. Song, cũng chính lúc này các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã cấu kết với nhau điên cuồng chống phá cách mạng Việt Nam. Với mục tiêu là giữ vững nền độc lập, thành quả mà nhân dân ta đã đổ bao xương máu mới giành được; chúng ta đã áp dụng nhiều biện pháp sách lược hết sức mềm dẻo, để tránh một cuộc chiến tranh đổ máu. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Vì thế ngày 19-12-1946, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta đã đoàn kết đứng lên chiến đấu, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Trong đó Nam Định là một trong những địa phương điển hình thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần đưa cuộc kháng chiến của cả nước đến thắng lợi.

Đội du kích Hồng Phong, huyện Nghĩa Hưng, trong kháng chiến chống Pháp (1945 -1954). Ảnh: Tư liệu
Đội du kích Hồng Phong, huyện Nghĩa Hưng, trong kháng chiến chống Pháp (1945 -1954). Ảnh: Tư liệu

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ Nam Định đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng triển khai xây dựng lực lượng, chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng cho cuộc kháng chiến lâu dài, gay go và ác liệt. Trong những giây phút sục sôi trước giờ nổ súng, từ tháng 9 đến tháng 12-1946, trên cơ sở lực lượng tự vệ đã có, Ủy ban Bảo vệ tỉnh và các đội tự vệ được thành lập. Mỗi huyện đều thành lập một đội tự vệ; riêng thành phố lực lượng này khoảng 700 người. Việc xây dựng lực lượng vũ trang tập trung rất được coi trọng. Từ một chi đội Giải phóng quân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (chi đội 19), tỉnh Nam Định đã tăng cường cán bộ lãnh đạo và phát triển lực lượng, biên chế thành nhiều đơn vị chiến đấu. Tháng 2-1946, tỉnh thành lập thêm một đại đội “quyết tử quân”, sau đó hai đơn vị này hợp nhất, đổi tên là “Vệ quốc đoàn” và thành lập Trung đoàn 19 (gồm 3 tiểu đoàn 69, 75, 101 và 1 đại đội trợ chiến). Riêng Tiểu đoàn 75 hầu hết là lực lượng tự vệ của nhà máy Sợi. Trên cơ sở Trung đoàn 19 của tỉnh, Quân khu quyết định bổ sung biên chế thành lập Trung đoàn chủ lực 34 trực thuộc Bộ Quốc phòng, gồm Trung đoàn 19 (của Nam Định) là chủ yếu, Tiểu đoàn 62 (của Ninh Bình) và Tiểu đoàn 73 (của Hà Nam)]. Trung đoàn 34 chủ yếu hoạt động trên mặt trận Hà Nam Ninh và bảo vệ thành phố Nam Định, đóng quân trên địa bàn tỉnh Nam Định. Việc tổ chức, huấn luyện lực lượng vũ trang được khẩn trương triển khai; nhiều đội cảm tử quân, đội phá bom được hình thành. Quân dân Nam Định đã tiến hành xây dựng nhiều điểm chốt chiến đấu trên các ngả đường, khu phố, nhà máy, đắp các chiến lũy ở các ngã 3, ngã 4, nổ mìn ngả cây lớn dọc theo các đường phố Pônpe (Trần Hưng Đạo), phố Máy Tơ, ngã tư Cửa Đông, ngã 6 Năng Tĩnh… Nhân dân thành phố đã tích cực phối hợp với lực lượng tự vệ khiêng gạch đá, giường tủ, sập gỗ, làm thành các chướng ngại vật để đánh địch. Ở các huyện, quân dân ta thực hiện việc chặt cây, phá đường xá, cầu cống, bóc đường ray, thả kè đá xuống sông để chặn đường tiến quân của chúng. Trên các tuyến đường quan trọng như đường 10, đường 21, nhân dân còn đào nhiều hầm hố lớn để khi có lệnh là nổ mìn, ngả cây lớn cản đường cơ động của xe cơ giới địch. Các hoạt động sơ tán, hậu cần, vận chuyển máy móc, lương thực từ thành phố ra vùng nông thôn được tiến hành khẩn trương, tích cực.

Đúng 0 giờ 30 phút ngày 20-12-1946, khi có hiệu lệnh, pháo ta bắn vào Nhà băng và nhà chủ Sói của địch; toàn mặt trận rền vang tiếng súng tấn công. Ngay từ giờ phút đầu quân ta đã hoàn toàn giành thế chủ động. Quân Pháp bị động liều chết chống cự. Có những nơi như ở trại Ca Rô, nhà Ga, ngân hàng, Máy Tơ, Máy Sợi… trận chiến đấu diễn ra ác liệt, hai bên giành giật nhau từng ngôi nhà, góc phố. Khắp trên các đường phố, nhân dân thành phố Nam Định cùng lực lượng tự vệ tiếp tục chặt cây, dựng các chướng ngại vật, tiếp tế cơm nước, thuốc men, chăm sóc thương binh. Ở các khu như Văn Miếu, trại Con Gái, nhân dân còn nổi lửa đốt các dãy nhà lá để góp phần uy hiếp tinh thần quân địch. Quân Pháp bị giam hãm nhiều ngày phải cầu viện cả xe bọc thép, máy bay yểm trợ để chiếm lại các vị trí đã mất. Song quân dân Nam Định đã chiến đấu dũng cảm ngoan cường, đánh bật nhiều đợt phản công của địch. Có những thời điểm trận chiến diễn ra trong thế giằng co căng thẳng và hết sức gay go, ác liệt, nhưng quân ta vẫn giành thế chủ động.

Du kích các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Vụ Bản, Trực Ninh, Ý Yên đã cùng phối hợp với tự vệ thành phố tiến hành các trận đánh nhỏ, quấy rối, tiêu hao sinh lực địch. Nhân dân các huyện lân cận còn cung cấp hàng nghìn gánh rơm rạ để bộ đội ta hỏa công đánh địch. Trong khi xiết chặt vòng vây, quân dân Nam Định vẫn tiếp tục tích cực chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài. Quân địch bị vây hãm cô lập suốt 3 tháng (từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1947), đã phải huy động nhiều lực lượng đến giải vây, lại tiếp tục bị quân ta chặn đánh, gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng nề.

Sau nhiều lần bị thất bại, địch tập trung lực lượng các nơi về giải vây ở Nam Định. Cuộc chiến đấu giam chân địch sau 86 ngày đêm gay go ác liệt, đến đây cơ bản đã hoàn thành mục tiêu và giành nhiều thắng lợi. Quân ta đã giết và làm bị thương hơn 400 tên, thu nhiều quân trang, quân dụng, vũ khí, có thêm nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm như chiến sĩ

giao liên nhỏ tuổi Phan Đỗ Hải, y tá Nguyễn Thị Ca, trung đội trưởng Tạ Quang Thuấn, Tiểu đoàn trưởng Văn Phong… đã anh dũng, mưu trí đánh giặc, lập được nhiều công lớn. Ngày 15-3-1947, lực lượng chiến đấu của Nam Định chủ động rút ra khỏi thành phố để bảo toàn lực lượng và tiếp tục củng cố mọi mặt, chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài.

So với nhiều địa phương khác ở miền Bắc, cuộc chiến đấu giam chân địch tại thành phố của quân dân Nam Định vừa gay go, ác liệt, vừa có thời gian dài nhất, tới 86 ngày (cuộc chiến đấu giam chân địch của quân dân Thủ đô Hà Nội là 60 ngày). Ngay từ đầu quân dân Nam Định đã chủ động tiến công, anh dũng chiến đấu, bao vây, kìm chân chúng trong thành phố, vừa tiêu hao sinh lực địch, khiến cho chúng vô cùng khốn đốn, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của chúng, vừa tạo điều kiện tranh thủ thời gian quý báu để các địa phương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ trong các giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến tiếp tục giành thắng lợi./.

Nguyễn Kim Chiến
(Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Nam Định)


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com