PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc
(Tiếp theo)
Tháng 2-1946, Pháp và Trung Hoa dân quốc ký Hiệp ước Hoa - Pháp thỏa thuận để quân Pháp ra miền Bắc thay thế quân Tưởng, giải giáp quân Nhật, đổi lại Pháp phải nhượng một số lợi ích kinh tế trên đất Trung Hoa cho chính quyền Tưởng. Trước sự thay đổi đó về phía đối phương, Đảng chủ trương chủ động hòa hoãn, nhân nhượng với Pháp, chấp nhận cho quân Pháp ra miền Bắc để thúc đẩy quân Tưởng rút về nước. Trong Chỉ thị Tình hình và chủ trương của Ban Thường vụ Trung ương ngày 3-3-1946 đã nêu rõ nguyên tắc có thể hòa với Pháp. "Nếu Pháp giữ chủ trương cho Đông Dương tự trị theo bản Tuyên ngôn ngày 24-3-45, thì nhất định đánh, và rất có thể đánh lâu dài theo lối du kích, nhưng nếu Pháp công nhận Đông Dương tự chủ thì có thể hòa". Hòa để tránh tình thế Tàu Tưởng, Pháp và phản động người Việt câu kết với nhau hãm ta vào tình thế cô độc và làm tiêu hao thực lực của ta. "Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy, và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta".
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong Lễ đón Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô Hà Nội, ngày 1-1-1955. |
Với chủ trương chỉ đạo của Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chủ động đàm phán với đại diện Chính phủ Pháp. Ngày 6-3-1946, hai bên đã ký bản Hiệp định sơ bộ.
Theo Hiệp định, Chính phủ Việt Nam đồng ý cho 15.000 quân Pháp ra miền Bắc thay thế quân Tưởng ở những vị trí được xác định, số quân Pháp sẽ rút dần về nước trong thời gian 5 năm. Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam là quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương đứng trong Khối liên hiệp Pháp, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Hai bên tiếp tục cuộc đàm phán để ký hiệp định chính thức, thực hiện hòa bình. Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị Hòa để tiến (9-3-1946) nêu rõ sự cần thiết và mục đích hòa hoãn với Pháp. Tháng 4-1946, diễn ra Hội nghị trù bị ở Đà Lạt. Ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Pháp. Ngày 6-7-1946, bắt đầu cuộc đàm phán ở Fontainebleau (Phôngtennơbờlô), đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Do lập trường thực dân của phía Pháp muốn áp đặt lại chế độ thuộc địa ở Việt Nam và Đông Dương nên cuộc đàm phán đã không có kết quả.
Tổng Bí thư Trường Chinh trong bài Tại sao cuộc đàm phán Việt - Pháp ở Fontainebleau bị bỏ dở ngày 12-9-1946 đã nêu rõ nguyên nhân:
"Vì thái độ ngoan cố, ích kỷ của thực dân Pháp, nên mặc dù ta đã hết sức nhân nhượng, rốt cuộc quan điểm hai bên vẫn xa biệt nhau về những vấn đề cơ bản (Liên hiệp Pháp, Liên bang Đông Dương, Nam Bộ, nhất là về Nam Bộ)". Mặc dù cuộc đàm phán gặp khó khăn, song Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: "dân ta sẽ vượt qua được khó khăn trở lực, tiến tới độc lập hoàn toàn".
Chính sách của thực dân Pháp là chia để trị, nên chúng đã chia cắt nước ta thành Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Khi quay lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai (23-9-1945), Pháp vẫn mưu toan tách Nam Bộ ra khỏi nước Việt Nam. Cuối tháng 5-1946, trước khi lên đường đi thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Thư gửi đồng bào Nam Bộ nêu rõ:
"Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi".
Tiếp tục chủ trương hòa hoãn, nhân nhượng với Pháp và tỏ rõ mong muốn hòa bình, trước khi rời nước Pháp về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Chính phủ Pháp bản Tạm ước 14-9 nhân nhượng về lợi ích kinh tế, văn hóa với phía Pháp và mong muốn giải quyết cuộc chiến tranh bằng giải pháp hòa bình.
Những chủ trương, biện pháp xử lý đúng đắn quan hệ với chính quyền Trung Hoa dân quốc và với Pháp cũng như các quan hệ với Anh, Mỹ và các nước khác đã nêu cao lập trường chính nghĩa, khát vọng hòa bình của nhà nước cách mạng và dân tộc Việt Nam. Đó là mẫu mực của sách lược lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ địch và sự nhân nhượng có nguyên tắc. Khi độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc bị xâm phạm, không thể nhân nhượng được nữa thì cả dân tộc phải cầm vũ khí chống xâm lược, tiến hành toàn quốc kháng chiến.
Ba là, đồng chí Trường Chinh chú trọng lãnh đạo xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân, trấn áp phản cách mạng, bảo vệ thành quả cách mạng.
Với cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân, thông qua các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc, nêu rõ quan điểm:
"Về cuộc tổng tuyển cử sắp tới, phải xúc tiến việc sửa soạn tổng tuyển cử và mỗi tỉnh phải đặt ngay một cái sổ tên những người ứng cử để kịp cổ động bầu. Nguyên tắc đặt sổ: đảng viên 1/3, người của các đoàn thể trong Mặt trận 1/3, người ngoài Mặt trận 1/3 (song tỉnh nào, thế lực các đảng phái đối lập mạnh thì số đảng viên ra ứng cử có thể thêm lên). Những phần tử cộng sản hay người Việt Minh không dùng danh nghĩa đoàn thể mình ra ứng cử để chứng tỏ mình không giành giật ảnh hưởng hay thế lực đảng phái mà chỉ có mục đích cứu nước, và mình trúng cử là vì mình được quốc dân yêu chuộng và tin cậy... Cần giới thiệu những vị thân hào có tài, có đức ra ứng cử".
(Còn nữa)