PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc
(Tiếp theo)
Đối phó với nhiều kẻ thù một lúc đòi hỏi Đảng phải có chiến lược và sách lược thích hợp. "Chiến thuật của ta lúc này là lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược. Mở rộng Việt Minh cho nó bao gồm mọi tầng lớp nhân dân (chủ trương kéo địa chủ, phong kiến và đồng bào Công giáo... Nhiệm vụ cụ thể là "củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống cho nhân dân".
Phải động viên cao độ tinh thần yêu nước, tăng cường sức mạnh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường thực lực mới có thể bảo vệ được thành quả cách mạng. Thực lực bao gồm sức mạnh chính trị, quân sự, động viên lực lượng toàn dân, sức mạnh kinh tế, văn hóa. Đảng chủ trương mở rộng Mặt trận, thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (ngày 29-5-1946). Tổng Bí thư nhấn mạnh:
"Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, không những chủ trương làm cho dân tộc Việt Nam được tự do giải phóng mà còn tranh đấu cho lãnh thổ Việt Nam được toàn vẹn, nước Việt Nam mau chiếm được địa vị phú cường... Độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường, muốn thực hiện những khẩu hiệu hết sức hợp thời ấy, toàn dân phải đúc thành một khối".
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, năm 1959. |
"Thống nhất dân tộc là một vũ khí sắc bén chống lại kẻ thù của dân tộc. Vũ khí ấy ta phải giữ như một của báu".
Tổng Bí thư Trường Chinh cho rằng cần phải cảnh giác với âm mưu của kẻ địch chia rẽ đồng bào miền Nam và đồng bào miền Bắc, đồng bào bên đạo và đồng bào bên đời, người giàu và người nghèo, người Kinh và người Thượng. Cần phải đoàn kết trên tinh thần khoan hồng, rộng lượng, thành thật, ân cần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu gương. Đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh:
"Lúc này bí quyết của sự thành công là ở chỗ tinh thần đoàn kết. Cuộc đại đoàn kết ngày nay sẽ mang lại tự do chắc chắn cho dân tộc và có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của các thế hệ Việt Nam sau này".
Mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là bảo vệ nền độc lập, giữ vững chính quyền cách mạng để xây dựng và phát triển đất nước. Thực hiện mục tiêu chiến lược đó đòi hỏi Đảng lãnh đạo cùng với toàn dân tộc phải tăng cường thực lực cách mạng, đồng thời có sách lược và chủ trương đúng đắn nhằm thêm bạn, bớt thù.
Chỉ thị kháng chiến kiến quốc chủ trương làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh. Làm sao để tránh phải đối đầu với nhiều kẻ thù cùng một lúc. Trung ương Đảng và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh đứng đầu đã tỏ rõ sự nhạy cảm và bản lĩnh chính trị để phân tích, đánh giá tình hình, nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của những kẻ thù trực tiếp của cách mạng Việt Nam, để có những quyết sách thích hợp.
Trong hoàn cảnh đặc biệt, Đảng phải rút vào hoạt động bí mật (11-11-1945), nhưng vẫn thực hiện vai trò lãnh đạo đầy đủ và có hiệu quả. Tổng Bí thư Trường Chinh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng giữ chế độ làm việc thường xuyên với Chủ tịch Hồ Chí Minh để quyết định và thực hiện những vấn đề cơ bản và bức thiết của đất nước. Nhiều mối quan hệ lớn được đặt ra và xử lý: quan hệ giữa kháng chiến và kiến quốc; quan hệ giữa xây dựng, củng cố với bảo vệ chính quyền nhân dân; quan hệ giữa chính sách đối nội và chính sách đối ngoại; quan hệ giữa chiến lược và sách lược, giữa mục tiêu cơ bản lâu dài với những công việc cụ thể trước mắt; quan hệ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với trách nhiệm tổ chức, quản lý của Nhà nước; quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, với tổ chức Mặt trận Việt Minh, Liên Việt. Xử lý thành công các mối quan hệ lớn có ý nghĩa quyết định bảo vệ thành quả cách mạng, trong đó Tổng Bí thư Trường Chinh có đóng góp to lớn.
Hai là, Tổng Bí thư Trường Chinh cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù và thực hiện sự nhân nhượng có nguyên tắc.
Chỉ thị kháng chiến, kiến quốc nêu rõ quan điểm chỉ đạo: "Đối với Tàu, vẫn chủ trương Hoa - Việt thân thiện, coi Hoa kiều như dân tối huệ quốc. Đối với Pháp, độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế. Trung ương lưu ý phải tập trung đánh Pháp xâm lược, không đặt Pháp ngang với Anh, Ấn, Nhật, không công kích nước Pháp và dân Pháp, chỉ công kích bọn thực dân Pháp.
Quan điểm chỉ đạo là phải giữ vững nguyên tắc nhưng hết sức mềm dẻo về sách lược. Vấn đề có tính nguyên tắc là quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc, bảo vệ chính quyền nhân dân và mọi thành quả của cách mạng; giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn bộ sự nghiệp cách mạng; củng cố vững chắc khối đại đoàn kết của toàn dân tộc và tinh thần yêu nước, ý chí của toàn dân. Đó cũng là những mục tiêu chiến lược của cách mạng. Cuối tháng 8, đầu tháng 9-1945, quân đội Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch theo sự phân công của Đồng minh đã vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật nhưng cũng để lộ ý đồ xâm chiếm và lập chính quyền tay sai ở Việt Nam. Ngày 23-9-1945, quân Pháp đánh chiếm Nam Bộ. Trong bối cảnh đó, Đảng chủ trương hòa hoãn, nhân nhượng với quân Tưởng ở miền Bắc để tập trung kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở miền Nam. Thực hiện chủ trương này, miền Bắc và miền Trung ra sức chi viện người và của cho cuộc kháng chiến ở Nam Bộ với phong trào Nam tiến. Với quân Tưởng ở miền Bắc, Nhà nước cách mạng Việt Nam đã có những nhân nhượng cần thiết. Bảo đảm cung cấp hậu cần (lương thực, thực phẩm) cho 20 vạn quân Tưởng. Tránh xung đột về quân sự với quân Tưởng, cố gắng giữ gìn quan hệ thân thiện. Mở rộng số ghế đại biểu trong Quốc hội và Chính phủ để các thế lực do chính quyền Tưởng Giới Thạch chi phối được tham gia (Việt Cách, Việt Quốc). Với chủ trương đó đã làm thất bại âm mưu, hành động phá hoại, lật đổ của Tàu Tưởng và tay sai.
(Còn nữa)