Đã hơn 46 năm trôi qua, sự kiện giải phóng đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), chiến thắng đầu tiên của quân đội ta ở quần đảo Trường Sa vẫn còn in đậm trong ký ức của cựu chiến binh Nguyễn Đức Thông, thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) - người đã chế “Lá cờ sắt” trên đảo Song Tử Tây và là chỉ huy mũi 2 trong 2 mũi tấn công giải phóng đảo Song Tử Tây vào ngày 14-4-1975.
Các cựu chiến binh Nguyễn Đức Thông (đứng thứ 2 bên trái), Phạm Văn Hùng (đứng thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng đội trong Hội đồng ngũ Hải quân chụp ảnh lưu niệm bên bức phù điêu để ghi nhớ những Anh hùng Đặc công nước. |
Trước ngày Quốc khánh 2-9, chúng tôi về thăm ông Nguyễn Đức Thông, người cựu chiến binh của lực lượng Đặc công nước. Với tính tình thẳng thắn, bộc trực đậm chất quê biển Quất Lâm, ông vồn vã như những người lính lâu ngày gặp lại khi chúng tôi gọi điện hẹn gặp: “Ừ… ừ… xuống nhanh, nhanh lên. Để tao đi kiếm tý đồ biển, tý nữa chú cháu mình lai rai”. Đón chúng tôi không chỉ có mình ông Thông mà còn cả “một đội những cựu binh Hải quân như ông Trần Văn Long, Đỗ Ngọc Chinh - Những đồng đội đã cùng ông chiến đấu trên các mặt trận từ Trường đào tạo đặc công ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) đến đánh cầu Thủy Tú ở đèo Hải Vân và sự kiện giải phóng đảo Song Tử Tây như ông Phạm Văn Hùng. Những người lính đặc công năm xưa giờ đã ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng tinh thần vẫn hào sảng, minh mẫn. Duy có ông Hùng không được khỏe bởi vết thương năm đó nhưng vẫn chạy xe từ thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) xuống, hàn huyên chuyện chiến trường xưa.
Kể về sự kiện giải phóng đảo Song Tử Tây, ông Thông cho biết: Đảo cách bán đảo Cam Ranh khoảng 308 hải lý, thuộc phía bắc quần đảo Trường Sa. Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, đảo Song Tử Tây được Quân ủy Trung ương chọn để giải phóng đầu tiên. Ông Thông khi ấy là hạ sĩ, mũi trưởng mũi 2, thuộc Phân đội 1, Trung đoàn Đặc công nước 126 (nay là Lữ đoàn 126), nhận nhiệm vụ phối thuộc cùng Trung đoàn 125 (sau này là Lữ đoàn 125 Hải quân) giải phóng đảo Song Tử Tây. Phân đội 1 được vinh dự giao trách nhiệm mở cửa đánh chiếm đầu cầu. “Khi đó, vào đầu tháng 4-1975, khi đang đóng quân ở bán đảo Sơn Trà, đơn vị tôi nhận lệnh cử đoàn cán bộ, chiến sĩ đi trên 3 tàu 673, 674 và 675 (giả dạng tàu đánh cá) tham gia giải phóng Trường Sa. Tôi được giao nhiệm vụ làm mũi trưởng mũi 2, gồm 12 cán bộ, chiến sĩ, được biên chế lên tàu 673. Tàu có 5 mũi đặc công, nhận nhiệm vụ giải phóng đảo Song Tử Tây” - Ông Thông nhớ lại. Sau gần 3 ngày đêm trên biển, khoảng 19 giờ ngày 13-4, đảo Song Tử Tây đang bị hải quân ngụy chiếm đóng hiện ra trước mũi tàu. Tin tàu đã thả neo cách đảo chừng 5 hải lý để chuẩn bị tiến công địch như một nguồn sức mạnh khiến mọi người rạo rực khí thế và quên đi cơn say sóng. Ông Thông chia sẻ tiếp: “Gần 1 giờ ngày 14-4, mỗi mũi lên một chiếc xuồng phao 3 khoang để bí mật tiếp cận đảo. Nhờ có kinh nghiệm đi biển nhiều năm nên tôi chỉ huy mọi người bám đúng luồng sóng, bắt vào đúng hướng đông nam của đảo”.
Đúng 4 giờ 30 phút sáng 14-4-1975, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, mũi 2 do hạ sĩ Thông chỉ huy được lệnh nổ súng mở màn chiến dịch. Nguyễn Đức Thông hạ lệnh cho chiến sĩ hỏa lực Lê Minh Đức nổ phát súng B41 diệt mục tiêu đài thông tin của địch. Ngay phát súng đầu tiên mục tiêu đã bị tiêu diệt; sau đó chuyển hướng bắn vào lô cốt nửa chìm nửa nổi của địch ở đầu cầu. Quân ta ào ạt tấn công. Địch bị bất ngờ, chống trả lẻ tẻ. Giữa lúc đội hình triển khai đánh khu trung tâm bỗng xuất hiện một ổ hỏa lực rất mạnh. Địch trong hầm bán âm giữa đảo nã đại liên ra như vãi đạn. Trước tình huống bất ngờ này, chiến sĩ Phạm Văn Hùng nhanh trí bắn B41 trong tư thế vận động, hỏa điểm tắt ngóm. Mũi thọc sâu của mũi trưởng Nguyễn Đức Thông nhanh chóng chiếm lô cốt trung tâm và bắt sống đảo trưởng của địch. Khắp đảo vang rền tiếng súng trấn áp của ta và tiếng gọi đầu hàng. Sáng nhọ mặt người, trận đánh kết thúc sau hơn 30 phút. Trong lúc quân ta bắt giữ tù binh và thu dọn chiến trường thì một chuyện hy hữu xảy ra.
Trinh sát báo cáo từ mép nước có một vật thể lạ đang tiến lên, đạn nhọn bắn vào thì tóe lửa, nghi là xe tăng cá nhân… Ban chỉ huy hội ý nhanh, ai cũng thấy lạ vì ngần đấy năm nhập ngũ chưa bao giờ nghe đến “xe tăng cá nhân”. Nhưng nếu không phải xe tăng tại sao lại nặng thế? Trong ánh sáng lờ nhờ buổi sớm mai có thể thấy được vệt cát phía sau lút xuống kéo dài chừng 2 mét, rộng đến hơn 1 mét. Có đồng chí đề nghị dùng hỏa lực B41 tiêu diệt ngay không để địch ở ngoài nống. Nghe vậy ai nấy đều nghi hoặc. Điều nghiên đã kỹ lắm rồi chẳng nhẽ lại để sót địch vòng ngoài(?)… Giữa lúc mọi người còn đang phân vân, chiến sĩ Trịnh Văn Cơ, người Thanh Hóa đứng bật lên nói: Tôi xin ra tiêu diệt mục tiêu này! Rồi chẳng chờ chỉ huy ra lệnh, anh xăm xăm đi về phía “vật thể lạ” nổ “đoàng, đoàng” hai phát AK rồi quay lại dõng dạc nói: Báo cáo mục tiêu đã bị tiêu diệt! Mọi người dùng đủ tư thế “vận động chiến trường” tiếp cận mục tiêu, nhìn cho kỹ hóa ra là một con hải quy (rùa biển) khổng lồ. Các chiến sĩ lúc bấy giờ mới ôm vai, bá cổ nhau cười sung sướng. Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thông nhớ lại: “Sau ngày giải phóng, chúng tôi phải chốt lại trên đảo chờ gần một tháng nữa mới có người ra thay, trong thời gian ở đó có rất nhiều chuyện vui”. Vui nhất là không khí thắng lợi ở khắp các chiến trường bay về làm hởi lòng hởi dạ ngay cả tù binh là binh sĩ Việt Nam Cộng hòa, trong thâm tâm họ cũng mong đất nước được thống nhất, chiến tranh chấm dứt.
Trước khi rời đảo, lá cờ của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam đã được đồng đội “mượn” mang đi để giải phóng ở đảo khác. Không có lá cờ, mọi người cứ cảm giác trên đầu “thiêu thiếu” một cái gì đó. Lúc đó mũi trưởng Nguyễn Đức Thông liền lấy một miếng tôn sắt để vẽ cờ. Nhưng tìm đi tìm lại trong kho quân nhu của đảo không có sơn màu vàng, anh nảy ra một sáng kiến đục thủng ngôi sao ở giữa. Lá cờ treo lên, mọi người từ xa nhìn tới, cũng có cảm giác ngôi sao màu vàng giữa hai màu xanh, đỏ. Buổi chào cờ, hướng mắt lên lá cờ sắt, mọi người như thấy được quê hương, thấy đất liền.
Những ký ức về cuộc chiến đấu năm nào giờ đây lại được cựu chiến binh Nguyễn Đức Thông tái hiện lại trên chính mảnh đất quê hương của mình. Ông đắp tượng, dựng phù điêu, tái hiện mô hình lá cờ sắt trên đảo Song Tử Tây để con cháu nhớ mãi những ngày tháng gian khổ, nhưng hào hùng của dân tộc./.
Bài và ảnh: Thanh Tuấn