PGS.TS. Phạm Hồng Chương
Bài viết này góp phần làm sáng tỏ sự đóng góp của đồng chí Trường Chinh trong vai trò là Tổng Bí thư trong tiến trình chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hai lần vắng mặt ở trong nước.
Tháng 8-1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi Trung Quốc với tư cách là đại biểu của phong trào Việt Minh và đại diện của Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội quốc tế chống xâm lược, phối hợp hành động với phong trào chống Nhật của nhân dân Trung Quốc và các lực lượng đồng minh chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương nhưng bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam 13 tháng (từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1943), sau đó bị quản chế; rồi tham gia hoạt động trong tổ chức người Việt Nam ở Trung Quốc, đến tháng 9-1944 Người về nước. Trước chuyển biến nhanh chóng của tình hình trong nước và thế giới, nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng tập trung vào Tổng Bí thư Trường Chinh. Đồng chí cùng với Thường vụ Trung ương Đảng tích cực triển khai Nghị quyết Trung ương 8 của Đảng, xử lý kịp thời và đúng đắn những vấn đề mới nảy sinh, tạo điều kiện đưa cách mạng nước ta tiến lên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và Lê Đức Thọ đọc báo Sự thật tại Chiến khu Việt Bắc, năm 1948. |
Cùng với nhiệm vụ chủ yếu là tăng cường sức mạnh tư tưởng và tổ chức của Đảng và Mặt trận dân tộc thống nhất, trên cơ sở phát triển lực lượng chính trị và du kích, đồng chí Trường Chinh đã có sáng kiến xây dựng các khu căn cứ địa bảo đảm cho cơ quan lãnh đạo của Đảng gọi là an toàn khu (ATK), nhất là trong xây dựng an toàn khu ở các địa phương sát ngay Hà Nội, nhằm bảo đảm giao thông liên lạc thông suốt và nắm bắt sớm tình hình địch. Bên cạnh các an toàn khu của Trung ương (ATK1, ATK2), còn có an toàn khu của Xứ ủy, tỉnh ủy ở các địa phương... Thành công của việc xây dựng hệ thống an toàn khu đã nối liên lạc từ các tỉnh Việt Bắc về Hà Nội, đồng thời bảo đảm cho Thường vụ Trung ương kịp thời nắm bắt âm mưu địch để có những biện pháp phù hợp, bảo đảm an toàn cho cơ quan Trung ương trong suốt thời kỳ chuẩn bị và lãnh đạo khởi nghĩa... Nhờ có an toàn khu sát Hà Nội, đồng chí Trường Chinh và đồng chí Hoàng Quốc Việt, mặc dù bị địch kết án tử hình vắng mặt, vẫn ra vào nội thành Hà Nội gặp cán bộ, các nhân sĩ và cả người Pháp chống phát xít.
Song song với các hoạt động trên, đồng chí đã chỉ đạo mở rộng công tác tuyên truyền, tổ chức, phát động phong trào cứu quốc chống phát xít Nhật và phản động Pháp, củng cố lại tổ chức Đảng sau các đợt khủng bố của địch. Tháng 10-1942, báo Cờ Giải phóng - cơ quan tuyên truyền, cổ động của Đảng Cộng sản Đông Dương, do đồng chí Trường Chinh trực tiếp phụ trách, ra đời đã thực sự trở thành người tuyên truyền, cổ động và người tổ chức tập thể cách mạng nước ta.
Tháng 2-1943, quân đội Xôviết giành thắng lợi lớn ở Xtalingrát và mùa hè năm 1943 đã đập tan cuộc phản công của quân Đức ở vòng cung Cuốcxơ làm cho quân phát xít Đức đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Những chiến thắng đó cổ vũ mạnh mẽ phong trào kháng chiến chống phát xít trên thế giới và ảnh hưởng tích cực đến phong trào cách mạng nước ta.
Trước tình hình mới, đòi hỏi Đảng ta phải có những quyết sách, biện pháp cụ thể, hiệu quả để đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa khi thời cơ đang tới gần. Do điều kiện không thể triệu tập đại hội Đảng hoặc hội nghị Trung ương, "song tình thế không thể trì hoãn", nên từ ngày 25 đến ngày 28-2-1943, đồng chí Trường Chinh đã triệu tập Ban Thường vụ Trung ương Đảng để bàn việc mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.
Hội nghị một lần nữa phân tích tình hình và triển vọng của Chiến tranh thế giới thứ hai, nêu rõ tình hình của phong trào cách mạng ở Đông Dương trong giai đoạn này và đã rút ra ba đặc điểm là: 1- Đảng ta "là đảng duy nhất lãnh đạo phong trào cách mạng" nhưng "những cuộc đấu tranh của thợ thuyền lại không được mạnh mẽ và rộng rãi, xứng đáng với vai trò lãnh đạo ấy"; 2- Ở Đông Dương "thiếu một phong trào cách mạng quốc gia tư sản và phong trào thanh niên học sinh. Do đó cuộc vận động cách mạng ở Đông Dương vẫn hẹp hòi, có tính cách công nông hơn là tính cách toàn dân tộc"; 3- Ít tranh đấu hòa bình, nhung "có nhiều cuộc đấu tranh võ trang", "cực khổ dưới hai tầng áp bức, lại được tình hình thế giới kích thích, nên phong trào cách mạng Đông Dương có thể bỗng chốc tiến lên bằng những bước nhảy cao".
Từ đó, Hội nghị phân tích những điều kiện mới quy định chính sách lập Mặt trận của Đảng và xác định kẻ thù số một của dân tộc Đông Dương lúc này chỉ là đế quốc phát xít, đặc biệt là phát xít Nhật - Pháp, rằng các tầng lớp trung gian sẽ dần dần ngả về phía cách mạng, phần lớn người Pháp và Hoa kiều ở Đông Dương chống lại phát xít. Bởi vậy, Ban Thường vụ Trung ương Đảng thấy phải vận động mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật - Pháp bằng cách đàm phán với các đảng cách mạng chưa gia nhập Việt Minh, lấy Chương trình và Điều lệ Việt Minh làm căn cứ, đồng thời ra chỉ thị về việc lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật - Pháp theo sáu vấn đề trong đó có chỉ rõ: nguyên tắc lập; cách lập; cách củng cố, phát triển; cách lãnh đạo Mặt trận; vấn đề tuyên truyền và thái độ đối với các đảng đã thoát ly khỏi Đảng Đại Việt. Hội nghị còn chủ trương liên minh với các đảng phái chống phát xít của người ngoại quốc ở Đông Dương để thành lập Mặt trận dân chủ chống Nhật ở Đông Dương theo điều kiện của Chương trình tối thiểu bốn điểm và phải chú ý trong nhận thức, cách thức hành động vận động Hoa kiều và những người Pháp chống phát xít.
Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã vạch ra kế hoạch cụ thể về chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang như phải đẩy mạnh phổ biến những kinh nghiệm khởi nghĩa và chiến thuật du kích; coi trọng tổ chức và huấn luyện các đội tự vệ, các tiểu tổ du kích; đưa quần chúng ra đấu tranh với hình thức ngày càng cao; biểu tình thị uy, bãi công chính trị, tiến tới khởi nghĩa, chú trọng xây dựng lực lượng cách mạng ở thành thị. Công tác vận động các giới lao động được đặc biệt chú ý với những nội dung cụ thể cho từng giới cũng như vận động các dân tộc và Hoa kiều cùng tham gia khởi nghĩa.
(còn nữa)