Nét xưa Thành Nam qua những ngôi đình cổ

07:02, 06/02/2021

Thành phố Nam Định bước sang xuân mới với những đổi thay mạnh mẽ. Bên cạnh những công trình xây dựng hiện đại, trên nhiều tuyến phố vẫn còn lưu giữ những dấu tích của Thành Nam xưa với những ngôi đình, đền cổ rêu phong màu thời gian... Hiếm có đô thị nào hội tụ trầm tích văn hóa sâu lắng trải qua bao thăng trầm thời gian mà vẫn còn vẹn nguyên như ở Thành Nam.

Đền Nguyên Thương, phố Hàng Sắt (thành phố Nam Định) vẫn lưu giữ được nhiều nét kiến trúc cổ.
Đền Nguyên Thương, phố Hàng Sắt (thành phố Nam Định) vẫn lưu giữ được nhiều nét kiến trúc cổ.

Theo nhiều tài liệu, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành phố Nam Định có 35/38 phố Hàng, 4 phố Bến, 4 phố Cửa (phố cổ). Thông thường, phố nào người dân buôn bán, sản xuất mặt hàng gì thì phố mang tên mặt hàng đó; trong đó có nhiều phố hàng vẫn còn lại đến ngày nay như Hàng Đồng, Hàng Tiện, Hàng Cấp, Hàng Sắt, Hàng Thao... Điểm đặc biệt của đô thị Thành Nam là phố nào cũng có 1-2 đình, đền và việc gọi tên đình hay đền theo phong tục tập quán của từng nơi, cách gọi từng người, khó có sự phân định rạch ròi. Các đền, đình thường là thờ thành hoàng cai quản vùng đất, nhưng cũng có nơi được các phường buôn, phường nghề trong cùng một khu lập nên để thờ tổ nghề, là nơi hội họp, sinh hoạt của các phường hội. Nhà nghiên cứu lịch sử - Thạc sĩ Hoàng Dương Chương cho biết một số chi tiết đã dày công nghiên cứu: “Những người làm nghề dệt từ Thăng Long xuống Nam Định lập nghiệp thì lập nên đền Voi Phục thờ Long Đỗ Bạch Mã thần, đình Hàng Cấp (nay là trụ sở UBND phường Vị Hoàng trên phố Hàn Thuyên). Tuy nhiên, cũng có những đền Hàng Bạc, đền Hàng Thêu, thực ra lại không có phố Hàng Bạc, Hàng Thêu riêng. Những người làm nghề kim hoàn, buôn bán vàng bạc ở chung trong phố Hàng Rượu đã góp tiền dựng nên đình Hàng Bạc, hiện ở ngã tư Hai Bà Trưng và phố Bắc Ninh. Những người làm nghề thêu sống ở đoạn đầu phố Hàng Thiếc và Cửa Đông đã chung sức mua đất tại phố Cửa Đông dựng đền hàng Thêu, hiện tại ở sau hiệu bánh Thanh Hương phố Lê Hồng Phong”. Bên cạnh các đình, đền lớn mặt phố, nhiều công trình hiện nằm rất sâu trong ngõ, khó tìm như đình làng Vị Xuyên xưa hiện ở sau trụ sở Sở Công Thương, đình Hàng Gà hiện nay ở phố Trần Bình Trọng nối đường Trần Hưng Đạo qua đường Hoàng Văn Thụ. Nét độc đáo của đình, đền ở Thành Nam là thành xưa còn có 4 cửa: Bắc, Nam, Đông, Tây đều có các công trình tâm linh, trong đó còn giữ nguyên hiện trạng là Đền Cửa Bắc nằm trên phố Thành Chung có tên gọi là Bắc Kinh Từ thờ thần coi phía Bắc của thành. Đền (miếu) Trung Quân hiện nay ở tầng 2 của ngôi nhà ngã tư phố Hoàng Văn Thụ và Lê Hồng Phong là điếm canh gác Cửa Đông xưa.  

Ngoài thờ thần hoàng, cụ tổ nghề, các đình, đền trên địa bàn thành phố Nam Định còn thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, những nhân vật lịch sử được người dân kính trọng. Đền Tân Mỹ ở phố Vải Màn (nay là phố Hai Bà Trưng) thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Nằm trên con phố đông đúc, náo nhiệt bậc nhất của thành phố Nam Định, trước kia đền vẫn duy trì tổ chức các hoạt động như rước sắc linh đình, có kiệu bát công, kiệu long đình, kiệu võng, xe song loan, cờ quạt... để tưởng nhớ công lao của Đức Thánh Trần Hưng Đạo cùng quân, dân nhà Trần 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII. Đền Tân Từ ở phố Hàng Tiện cũng thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Vào dịp giỗ Đức Thánh Trần (20-8 âm lịch) người dân nơi đây đều lên Đền Bảo Lộc ở xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) rước chân nhang ngài về thờ tự. Một số đền còn thờ tự một số nhân vật mà nhân dân kính trọng, mỗi năm vào mùa xuân và mùa thu đều tổ chức các hoạt động cúng tế, thi thơ, thi hát thờ thần, thi chọi gà, chọi chim... rất náo nhiệt. Bà Nguyễn Thị Trinh là con gái của quan Vệ úy coi kho lương Thành Nam triều Nguyễn Nguyễn Kế Hưng đã anh dũng hy sinh khi chiến đấu với giặc Pháp tại Kỳ Đài năm 1873. Bà được Vua Tự Đức phong là “Giám Thương công chúa” (Công chúa coi kho) và nhân dân tấn phong là Thành Hoàng Đương Cảnh (thường gọi là Bà chúa Bản tỉnh hay Bà chúa Cột Cờ). Đền Bản Tỉnh nằm trên phố Đông Kinh Nghĩa Thục trước kia thuộc đất Năng Tĩnh, được xây dựng từ thời nhà Trần thờ Thủy Tinh công chúa Lương Thái Tần có công làm cầu đường, xây chùa miếu, cấp phát tiền gạo cho dân nghèo trong vùng Kiện Khê, Thanh Liêm (Hà Nam), Bà chúa Cây Ngái và Giám Thương Công chúa Nguyễn Thị Trinh. Đặc biệt, nơi đây còn được gọi là Đền Liệt sĩ của thành phố Nam Định khi thờ tự 2.676 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc. Đền xây dựng từ năm 1435, trải qua thời gian đã xuống cấp. Sau khi được giao làm thủ từ từ năm 1997, ông Đỗ Văn Khang đã bỏ kinh phí và vận động nhân dân 4 lần cải tạo xây dựng đền khang trang.

Trong quá trình giao thương phát triển, Thành Nam từ xưa cũng đã xuất hiện một số công trình đình, đền của người Hoa và còn tồn tại đến ngày nay. Tiêu biểu là đền Sừu Châu (còn gọi là “Triều Châu”) ở phố Hàng Sắt dưới và Hội quán Quảng Đông (còn gọi là Đền Hội Quảng) ở phố Hoàng Văn Thụ. Theo thần phả nơi đây, những người quê Phúc Kiến, Triều Châu, Huệ Châu góp tiền làm đền “Phúc, Triều, Huệ hội quán” (đền Triều Châu) thờ bà Thiên Hậu người Phúc Kiến bị cha nghi oan có tư tình với người anh đã nhảy xuống biển tự tử. Bà được vua Khang Hy phong là Thiên Hậu, tương truyền rất thiêng nên được những người buôn bán Trung Quốc khắp nơi lập đền thờ. Hội quán Việt Đông hay Quảng Đông do người gốc Quảng Đông lập nên thờ Tam Thánh (Quan Công, Quan Bình, Châu Xương) gian ngoài, bà Thiên Hậu ở đình trong hiện vẫn lưu giữ nhiều kiến trúc đặc sắc.

Bên cạnh yếu tố văn hóa, các ngôi đình, đền ở phố cổ Thành Nam có những đặc điểm riêng về kiến trúc. Các ngôi đình, đền đều có cổng hay tam quan quay ra mặt đường phố, không có hồ nước, sân ngoài rộng rãi. Theo quan niệm của phong thủy và tín ngưỡng của người Việt, thông thường các ngôi đình thường quay về hướng Tây hoặc hướng Nam, nhưng đình, đền ở Thành Nam quay theo hướng các tuyến phố; có nhiều đền quay về sông, hồ từng tồn tại. Kiến trúc của các ngôi đình, đền trên cũng khá đa dạng, nơi được xây dựng theo kiểu truyền thống chữ Đinh, nhưng cũng có nơi xây theo kiểu hình ống, phù hợp với không gian đô thị chật hẹp, mái được lợp ngói nhiều lớp, bộ khung chịu lực bằng gỗ, các bộ vì được kết cấu theo kiểu chồng rường… Cách xây dựng, bài trí vẫn thể hiện phong cách dân gian truyền thống; trên các cuốn thư, bức cửa võng, hương án… được chạm khắc tinh xảo với các đề tài tứ linh, tứ quý, rồng chầu mặt trời, hoa sen, hoa dây vân mây đan xen…

Cùng với những công trình kiến trúc lớn như Cột Cờ Nam Định, Chùa Vọng Cung, Chùa Cả…, thì sự tồn tại của những ngôi đình, đền góp phần tạo sự đa dạng, phong phú của kiến trúc đô thị Thành Nam. Đây không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, điểm nhấn của đô thị cổ mà còn là sợi dây liên kết quá khứ - hiện tại - tương lai, là niềm tự hào về mảnh đất Thiên Trường xưa, điểm tựa để thành phố Nam Định phát triển hiện đại, văn minh nhưng vẫn đậm đà bản sắc./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com