Đóng góp của đồng chí Trường Chinh trên lĩnh vực kinh tế những năm đầu đổi mới (kỳ 3)

06:09, 24/09/2020

PGS.TS. Lê Quốc Lý

(tiếp theo)

Để tiếp tục đưa ra tư tưởng đổi mới, đồng chí Trường Chinh lại tiếp tục đi khảo sát thực tế ở tỉnh Nghĩa Bình và Quảng Nam - Đà Nẵng, nơi có nhiều thế mạnh về kinh tế và có những điển hình tốt trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa V).

Hơn nữa, đồng chí Trường Chinh đã làm việc với lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 16 đến ngày 19-1­985 và thăm một số nhà máy, xí nghiệp những nơi đã áp dụng phương thức sản xuất mới, thăm một số nông trại bắt đầu làm thí điểm... Tiếp đó, đồng chí Trường Chinh đã tiến hành khảo sát Long An lần thứ hai (23 - 24-1-1985), tiếp đến là khảo sát ở tỉnh An Giang và Đồng Tháp, Cần Thơ, Hà Sơn Bình, Hà Nội. Qua khảo sát thực tiễn, đồng chí Trường Chinh đã phát biểu tại hai cuộc họp của Bộ Chính trị (13 - 31-5-1985) phân tích tính nửa vời, không đồng bộ của việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa V) và rút ra bài học lớn nhất từ thực tế của những năm qua, đó là: "đến lúc phải dứt khoát bãi bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, phải mổ xẻ và loại bỏ cái nhọt nguy hiểm này càng sớm càng tốt".

Đồng chí Trường Chinh thăm Nông trường chè Bầu Cạn, Gia Lai - Kon Tum, tháng 3-1983.
Đồng chí Trường Chinh thăm Nông trường chè Bầu Cạn, Gia Lai - Kon Tum, tháng 3-1983.

Công lao to lớn của đồng chí Trường Chinh trong những ngày đầu đổi mới còn thể hiện ở bản lĩnh kiên cường, ý chí sắt đá, sự kiên trung và cả sự anh minh với sự lựa chọn của mình, của Đảng trước khó khăn, trước những thách thức. Cụ thể là: "Trước những khó khăn ngày càng tăng của nền kinh tế, lúc này có ý kiến muốn quay về chính sách hai giá. Đồng chí Trường Chinh kiên quyết bác bỏ ý kiến đó và cho rằng làm như vậy chênh lệch giá sẽ lại phát sinh, tiêu cực lại tăng lên, hàng - tiền lại thất thoát, lại đưa xã hội đi thụt lùi và tiếp tục mắc sai lầm của  thời kỳ bao cấp... Đồng chí đề nghị phải kiên quyết khắc phục mọi khó khăn, giữ cho được chính sách một giá và phải phấn đấu để năm 1986 là năm ra đời và xác lập cơ chế một giá. Việc mở rộng, hoàn chỉnh cơ chế đó sẽ làm dần trong thời gian tiếp theo". Với vấn đề nêu trên đã thể hiện rõ nét bản lĩnh của một người cộng sản cao cấp trong thời khắc của lịch sử biết dựa vào dân, đau nỗi đau của dân, vì Đảng, vì dân, đã đứng lên trên mọi khó khăn, gian khổ, mọi rào cản, trở ngại, đã dám đề xuất loại bỏ mọi tư duy, nhận thức cũ, mọi sự quan liêu, giáo điều, và dám đổi mới để Đảng mạnh lên, đất nước giàu hơn và nhân dân được ấm no hơn. Thực tế đã cho thấy đổi mới chính là khẳng định sự kiên định hơn chủ nghĩa Mác - Lênin, và sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo trong điều kiện Việt Nam.

Công lao to lớn của đồng chí Trường Chinh còn được thấy rõ nét trong thời khắc lịch sử của đổi mới đó là đồng chí Trường Chinh đã chủ trì điều khiển Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương từ ngày 11 đến ngày 17-6-1985 bàn về việc cải cách một bước về giá, tiền lương, tài chính và tiền tệ để bãi bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp trong giá và lương để chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa trên cơ sở kế hoạch hóa (theo sự ủy nhiệm của đồng chí Lê Duẩn) và với bài phát biểu nêu rõ "Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương sẽ chấm dứt thời kỳ điều khiển nền kinh tế bằng những mệnh lệnh hành chính, biểu hiện đặc trưng của cách quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang thời kỳ điều khiển nền kinh tế trên cơ sở vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, thông qua kế hoạch hoá gắn với hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Đồng chí đề nghị Ban Chấp hành Trung ương có nghị quyết nhất trí về nguyên tắc để thật sự chuyển sang hạch toán kinh doanh, cần đưa đủ ở đầu vào, có chính sách ở đầu ra khi bán lẻ, thi hành chính sách một giá trên toàn bộ hoạt động của nền kinh tế".

Với tư tưởng của đồng Trường Chinh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao cho Bộ Chính trị ban hành nghị quyết để cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V) là sự đổi mới tư duy trên lĩnh vực lưu thông, phân phối với nét nổi bật là thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa.

Đóng góp của đồng chí Trường Chinh trên lĩnh vực kinh tế những năm đầu đổi mới có thể thấy nhiều qua các phát biểu của đồng chí trong các cuộc họp của Trung ương và của Bộ Chính trị trên các vấn đề như đổi tiền và vấn đề chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế. Đồng chí Trường Chinh đã phân tích và chỉ rõ các sai lầm, khuyết điểm trong chỉ đạo điều hành chính sách giá - lương - tiền:

"Một là, tách rời giữa xóa bỏ bao cấp với xóa bỏ tập trung quan liêu ngay trong từng bước, điều chỉnh một bước giá - lương - tiền không tiến hành đồng thời với việc mở rộng một bước quyền chủ động của cơ sở để chuyền sang hạch toán kinh doanh... Đã bước một bước dài trong giảm bớt bao cấp, nhưng gần như chưa nhích được bước nào trong giảm bớt tập trung quan liêu, gây nên tình trạng mất thăng bằng nghiêm trọng. Như vậy, đã nặng về điều chỉnh mặt bằng giá và lương mà coi nhẹ đổi mới cơ chế quản lý.

Hai là, mất đồng bộ trong việc ra chủ trương mới với việc bố trí người thực hiện. Chủ trương mới xóa bỏ quan liêu, bao cấp, chuyển dứt khoát sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi người thực hiện phải thông suốt về quan điểm, nhiệt tình, luôn luôn tìm mọi biện pháp khắc phục khó khăn để thực hiện tốt. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương có đề cập đến vấn đề này, song trên thực tế chúng ta không làm đúng như vậy.

Ba là, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương chưa được triển khai thực hiện tốt, cơ chế quản lý mới chưa được hình thành, chúng ta đã tiến hành đổi tiền trong thế bị động. Có thể giải quyết việc thiếu tiền theo cách khác. Khi đổi tiền lại mắc nhiều khuyết điểm cả về phương pháp và nghiệp vụ; không xuất phát từ yêu cầu thúc đẩy sản xuất mà thiên về yêu cầu quản lý tiền mặt theo kiểu tập trung quan liêu".

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com