Đóng góp của đồng chí Trường Chinh trên lĩnh vực kinh tế những năm đầu đổi mới (kỳ 2)

06:09, 17/09/2020

PGS.TS. Lê Quốc Lý

(tiếp theo)

Với nhận thức như trên, đồng chí Trường Chinh đã thành lập một nhóm các nhà khoa học (11-1982) để tiến hành nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn nước ta, làm căn cứ phương pháp luận cho việc xác định con đường, bước đi sắp tới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng chí Trường Chinh đã tiến hành khảo sát thực tế từ những năm 1983-1985 tại nhiều địa phương như: Đắk Lắk (10 - 14-4-1983), Gia Lai - Kon Tum (15 - 19-4-1993); Lâm Đồng (18-7-1983); nghe báo cáo thực tế về hoạt động kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh (20-7-1983) tại Đà Lạt; thăm vùng kinh tế mới Hà Nội ở tỉnh Lâm Đồng (8-1983); Đồng Nai (21 - 22-8-1983); đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (23 - 25-8-1983); Long An (11 - 15-1-1984)... Qua khảo sát, thực tiễn sinh động đã thuyết phục đồng chí Trường Chinh và đồng chí đã có rất nhiều ý kiến mở đầu cho đổi mới được đưa ra tại các Hội nghị Trung ương và Bộ Chính trị. Thể hiện rõ nhất là trong Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa V) đã bàn và ra Nghị quyết "Về những nhiệm vụ cấp bách trong công tác cải tiến quản lý kinh tế (3 - 10-7-1984), "đồng chí Trường Chinh đề xuất: nền kinh tế nước ta hiện nay đòi hỏi phải có một cơ chế quản lý năng động, có khả năng bãi bỏ tập trung quan liêu, bảo thủ, trì trệ và bao cấp tràn lan, thực hiện đúng đắn tập trung dân chủ. Cơ chế bao cấp trong những năm qua làm cho bức tranh kinh tế của chúng ta trở thành giả tạo, nay phải tiến hành hạch toán kinh doanh thật sự. Trước hết, phải hạch toán giá thành, phản ánh đầy đủ và đúng đắn các chi phí sản xuất, xóa bỏ cách làm hình thức và nửa vời lâu nay, khôi phục tính chân thực của các hoạt động kinh tế. Cái mới của tinh thần này và cũng là sự đóng góp to lớn của đồng chí Trường Chinh là nhìn thẳng vào sự thật, chỉ rõ sự thật và dám phê bình thẳng thắn sai lầm của cơ chế kinh tế, của Đảng và của bản thân mình (tự lột xác) như chỉ ra "sự giả tạo" trong bức tranh kinh tế.

Đồng chí Trường Chinh tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, tháng 6-1987.
Đồng chí Trường Chinh tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, tháng 6-1987.

Điều đặc biệt và cũng là điều làm nổi bật sự đóng góp của đồng chí Trường Chinh trong những ngày đầu đổi mới đó là đồng chí đã "kiên quyết, kiên trì và nhẫn nại" phát biểu trong các Hội nghị lần thứ sáu, bảy, tám Ban Chấp hành Trung ương (khóa V) và trong Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí đề nghị bãi bỏ mô hình kinh tế hiện vật và cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp. Đây là khâu đột phá, là tiền đề để tiến đến xóa bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hôm nay.

Với chính sách giá cả thời kỳ đầu đổi mới, hoạt động kinh tế diễn ra không bình thường. Kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp tác xã bị kìm hãm, đình đốn không phát triển được, trong khi bọn đầu cơ, buôn lậu, bọn ăn cắp, tham ô ngang nhiên hoành hành, lũng đoạn thị trường, tha hóa cán bộ, nhân viên nhà nước. Trước thực tế đó, đồng chí Trường Chinh đã khẳng định đã đến lúc phải sửa chữa, trở về với chính sách một giá. Tuy nhiên, tư tưởng này cũng không phải được chấp nhận ngay ở Hội nghị Trung ương lần thứ sáu của Đảng (khóa V) mà phải tạm thời áp dụng cơ chế hai giá.

Đóng góp quan trọng của đồng chí Trường Chinh tiếp theo sau vấn đề giá là vấn đề lương, với quan điểm của đồng chí: tiền lương là phạm trù sản xuất và là một trọng điểm đầu tư cụ thể là đầu tư vào tiềm năng quý nhất là lao động sống. Nhận thức đó cho thấy giải quyết vấn đề tiền lương đã tác động trực tiếp vào sản xuất, khuyến khích người lao động hăng hái làm việc, tạo nhiều sản phẩm, giảm bớt tiêu cực, thất thoát hàng hóa của Nhà nước. Khảo sát tiền lương của cán bộ, công nhân, viên chức nhận được trong thời khắc lịch sử nêu trên chỉ đủ nuôi sống họ trong 10 ngày nên đồng chí Trường Chinh đã cho rằng: "Giải quyết vấn đề tiền lương lúc này, chính là giải quyết sản xuất, đồng thời cứu lấy giai cấp công nhân". Tuy chưa đưa ra được những biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề tiền lương, nhưng những ý kiến của đồng chí Trường Chinh đã tác động để Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị tích cực, khẩn trương giải quyết vấn đề này. Thực tế 30 năm đổi mới đã chứng minh quan điểm và nhận thức đó là đúng đắn và nhờ vậy mà kinh tế Việt Nam chuyển mình, phát triển.

Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa V), (11 - 17-12-1984), bàn về Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế xã hội năm 1985 và Công tác xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện, đồng chí Trường Chinh với thái độ kiên quyết đã một lần nữa nhấn mạnh: "để tạo chuyển biến tích cực, chuẩn bị tốt Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, không có con đường nào khác là phải nhanh chóng chuyển từ bao cấp sang hạch toán, kinh doanh, loại bỏ tính chất hình thức, giả tạo, khôi phục tính chân thực của mọi hoạt động kinh tế nhằm thực hiện bằng được bước chuyền đổi". Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V), ý kiến của đồng chí Trường Chinh đã được chấp nhận và đưa vào Nghị quyết Hội nghị. Như vậy, phải mất một kỳ họp Trung ương, ý kiến của đồng chí Trường Chinh mới được chấp nhận. Điều này nói lên cái khó khăn, phức tạp của vấn đề này như thế nào. Nếu không phải đồng chí Trường Chinh kiên quyết, kiên trì, nhẫn nại và kiên định đề xuất, cũng như không phải là người có vị trí cao, có uy tín lớn như đồng chí Trường Chinh đề xuất đổi mới thì liệu có ai có thể làm nổi và liệu đổi mới có được diễn ra.

(còn nữa)


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com