Đóng góp của đồng chí Trường Chinh trên lĩnh vực kinh tế những năm đầu đổi mới (kỳ 1)

07:08, 27/08/2020

PGS.TS. Lê Quốc Lý

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nam Định, toàn Đảng, toàn dân ta một lần nữa ôn lại những công lao, đóng góp to lớn của đồng chí cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Công lao của đồng chí Trường Chinh đối với Đảng, đất nước và nhân dân ta là vô cùng to lớn trên mọi lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh... Đóng góp của đồng chí Trường Chinh trên lĩnh vực kinh tế những năm đầu đổi mới thực sự là vô cùng to lớn. Cả đất nước, cả dân tộc Việt Nam đều biết đồng chí Trường Chinh là tác giả, là người chủ biên tư tưởng, đường lối đổi mới, trong đó có đổi mới kinh tế của Đảng ta trong thời khắc bước ngoặt của lịch sử.

Đồng chí Trường Chinh tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, tháng 6-1987.
Đồng chí Trường Chinh tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, tháng 6-1987.

Ba mươi năm đổi mới đã qua, đất nước chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong đó, kinh tế đã tăng trưởng khá cao, GDP từ vài tỷ USD (6,5 tỷ USD năm 1990) đã lớn lên rất nhiều tới vài trăm tỷ USD (204 tỷ USD năm 2015, gấp 31,4 lần năm 1990), GDP trên đầu người đã đạt được khoảng 2.250 USD/người/năm 2015, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, mọi mặt của đời sống xã hội đã đổi thay, giàu hơn, đẹp hơn... Với những thành tựu đạt được đó, mấy ai có thể hình dung nổi những năm tháng đầu đổi mới đất nước Việt Nam như thế nào, những con người lúc bấy giờ phải sống cuộc sống ra sao và những nhà lãnh đạo lúc đó gặp phải khó khăn, thách thức gì. Đã 30 năm từ đổi mới đến nay, còn rất nhiều người đã từng chứng kiến giai đoạn lịch sử đó vẫn đang sống và làm việc hôm nay.

Nhìn lại thời khắc của lịch sử trước đổi mới mới thấy hết công lao to lớn, trời biển của Đảng ta, trong đó có đồng chí Trường Chinh đã lãnh đạo, dẫn dắt dân tộc ta thoát khỏi cảnh đói nghèo cùng cực, ngàn cân treo sợi tóc đi lên, để có ngày hôm nay.

Nói đến những năm tháng trước đổi mới, chắc chắn mọi người đều nhớ đến một bối cảnh cực kỳ khó khăn của đất nước. Tình trạng đói nghèo cùng cực không chỉ có ở vùng thôn quê xa xôi, vùng núi cao hẻo lánh, mà nó hiện hữu ngay tại các thôn xóm đồng bằng, cả những góc phố ở nơi đô thị. Cái nghèo không chỉ thể hiện ở vật chất thiếu thốn mà còn cả ở tinh thần, cụ thể đói nghèo không chỉ được thể hiện ở những gương mặt xanh xao, gầy gò, mà còn thể hiện ngay trên những góc phố tồi tàn và chật hẹp. Đói nghèo không còn ở một vài gia đình, mà vào đến hầu hết tất cả mọi gia đình, người dân. Trong thời điểm đó, có lẽ ít ai không phải ăn những nắm mỳ luộc, những hạt bo bo, những bát cơm độn gốc chuối, gốc rau muống, cuống xu hào, khoai lang (trong đó, cơm hầu như không có là bao).

Những ngày tháng khó khăn đó, nhiều đồng chí lãnh đạo đã phải đi sang các nước để xin viện trợ và để vay lương thực, thực phẩm về cho dân nhưng đói nghèo cũng không thể tránh khỏi và không thể bớt đi. Đói nghèo đã làm cho con người Việt Nam trở nên nhỏ bé hơn, tiềm lực mọi mặt của đất nước cũng vô cùng khó khăn. Những nước ủng hộ Việt Nam trong thời điểm trước đổi mới cũng xảy ra nhiều vấn đề, nên sự giúp đỡ và viện trợ của các nước này cho Việt Nam cũng giảm đi và sau đó không còn. Hơn nữa, sự bao vây, cấm vận của các nước thù địch lại tăng lên. Thù trong, giặc ngoài càng o ép chúng ta. Tất cả những điều đó làm cho Việt Nam đã nghèo lại càng nghèo hơn. Có thể nói lúc bấy giờ Việt Nam nghèo đến mức không có gì để diễn tả hết: "đợt điều chỉnh giá cuối năm 1981, nâng giá hàng loạt mặt hàng nhưng không điều chỉnh tiền lương một cách tương ứng, càng làm cho giá cả tăng vọt, lạm phát phi mã, khiến cho đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang giảm sút nghiêm trọng... Tệ nạn tiêu cực phát triển, nguy cơ tha hóa con người và xã hội ngày càng lộ rõ"

Trước tình cảnh nêu trên, nhân dân ở một số địa phương đã phá rào để thực hiện khoán sản phẩm chui như Vĩnh Phúc, Hải Phòng... và đã tự cứu mình một chút trong bối cảnh khó khăn của cả nước. Tuy nhiên, sự đổi mới này không phải được chấp nhận ngay. Có ý kiến ủng hộ, nhưng cũng rất nhiều ý kiến phản đổi, có cả ý kiến quy chụp, nên cũng đã có những cá nhân đã phải chịu kỷ luật. Có thể nói trước thời kỳ đổi mới, rất nhiều cá nhân và lãnh đạo vẫn giữ quan điểm cũ, không ủng hộ đổi mới, có người còn phản đối gay gắt. Đây là một cuộc lựa chọn giữa cũ và mới, lựa chọn làm như thế nào để đất nước thoát khỏi khó khăn. Đây là cuộc đấu tranh gay gắt ngay trong chính bản thân đội ngũ của chúng ta và ngay trong bản thân mỗi con người trước tình cảnh đói khổ của người dân, nghèo nàn của đất nước.

Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn của đất nước, sự nghèo đói của nhân dân đến cực điểm, đồng chí Trường Chinh đã tự nhận thức được, tự đổi mới và đề ra chủ trương, đường lối đưa đất nước đi lên, mặc dù không phải ngay lập tức, mà là một quá trình: "đồng chí Trường Chinh trăn trở suy nghĩ tìm cách đưa đất nước thoát khỏi tình thế khó khăn và nhận thấy rằng, đã đến lúc không thể tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng những chủ trương, chính sách và cơ chế quản lý như trước đây nữa". Công lao to lớn của đồng chí Trường Chinh trong lúc này là khi mọi người còn vì những lý do khách quan và chủ quan, mà vẫn kiên trì giữ cách nhìn cũ, nhận thức cũ, tư duy cũ, cách làm cũ, không chịu đổi mới, hoặc không cảm thấy cần thiết phải đổi mới, hoặc chống đối đổi mới, thì đồng chí Trường Chinh đã cảm nhận được, nhận ra được cái đói, cái khổ của dân, cái nghèo nàn của đất nước, đặc biệt nhận ra được cái sai, cái không đúng của đường lối, chính sách lâu nay Đảng đưa ra và thực hiện, cũng như nguy cơ suy thoái, yếu kém trong sự lãnh đạo của Đảng...

(còn nữa)


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com