GS.TS Tạ Ngọc Tấn
(tiếp theo)
Nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà báo cách mạng xuất sắc
Ngày 26-8-1956, Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày báo cáo của Bộ Chính trị về Tình hình thế giới và tình hình trong nước; kiểm thảo sự lãnh đạo của Trung ương; nhiệm vụ và công tác trước mắt tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương mở rộng lần thứ mười. Báo cáo dành một phần để kiểm điểm về những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Ngày 8-9-1956, với tinh thần tự phê bình nghiêm khắc trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm của mình với tư cách là Tổ trưởng Tổ cải cách ruộng đất, đồng chí Trường Chinh xin từ chức Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương biểu quyết tán thành để đồng chí Trường Chinh thôi giữ chức Tổng Bí thư, tiếp tục giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Giữa tháng 11-1958, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 quyết định đồng chí Trường Chinh thôi giữ chức Bí thư Trung ương, trước đó đồng chí đã được bổ nhiệm là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm giữ chức Chủ nhiệm ủy ban Khoa học Nhà nước.
Đồng chí Trường Chinh trao đổi công tác báo chí với cán bộ Báo Nhân Dân ở Việt Bắc. |
Tháng 7-1960, đồng chí Trường Chinh được Quốc hội khóa II bầu làm Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đồng chí giữ chức vụ này đến năm 1976. Sau khi đất nước thống nhất, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất ra đời, đồng chí tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 1981. Từ năm 1981 đến tháng 7-1986, đồng chí Trường Chinh là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 14-7-1986, Hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành trung ương bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư thay cho Tổng Bí thư Lê Duẩn vừa mất. Bốn tháng sau, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí rút khỏi các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước để làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương.
Từ sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, do gánh vác những trọng trách của Nhà nước, đồng chí Trường Chinh không trực tiếp làm báo và chỉ đạo báo chí nữa. Nhưng với nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của báo chí và kinh nghiệm hoạt động báo chí của mình, đồng chí luôn quan tâm đến công tác báo chí và những người làm báo, nhiều lần trực tiếp giảng bài cho các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo, nói chuyện nghề nghiệp với các nhà báo trẻ.
Đồng chí Trường Chinh là một người khiêm tốn, giản dị nhưng rất cẩn thận và nghiêm khắc trong công việc. Đối với từng bức ảnh, bản tin liên quan đến những công việc thuộc về trách nhiệm của mình, đồng chí đều xem xét trực tiếp để góp ý sửa chữa với nhà báo. Nhiều khi, đồng chí tự tay chỉnh sửa vào bài viết, cho văn phòng đánh máy lại cẩn thận rồi mới chuyển lại cho các nhà báo. Đồng chí chú ý đến từng dấu chấm, phẩy, cân nhắc từng chữ, từng từ sao cho trong sáng, dễ hiểu. Đồng chí tâm niệm: "Vì cách mạng, vì Đảng, ta phải làm sao cho bài của ta đi sâu vào quần chúng, động viên được quần chúng sôi nổi sáng tạo. Muốn vậy, ta phải khiêm tốn, chân thành học hỏi lẫn nhau. Phải có nhiệt tình cách mạng và đạo đức cách mạng, vì có hai cái đó thì có thể có những cái khác".
Nhà báo Ngô Tất Hữu kể lại kỷ niệm về một lần viết bài về đồng chí Trường Chinh rồi trình lên đồng chí xem xét. Tuy nhiên, do người đánh máy không biết cách trình bày và dùng giấy than cũ nên có nhiều chỗ chữ bị mờ. Đồng chí đã cho mời nhà báo Ngô Tất Hữu đến gặp và nghiêm khắc nhắc nhở: "Tôi không thể chấp nhận được ở một cơ quan thông tin báo chí lại đánh máy cẩu thả đến như thế này. Đồng chí về báo cáo với thủ trưởng cơ quan ý kiến của tôi, phải chấn chỉnh ngay khâu đánh máy. Phải mua sắm máy chữ tốt, bài vở phải được đánh máy trên giấy trắng, lề rộng, đánh rõ ràng từng dấu chấm, phẩy, trình bày sáng sủa. Đảng, Nhà nước, nhân dân còn nghèo, song với các cơ quan báo chí, Đảng, Nhà nước sẽ không tiết kiệm ở chỗ này. Bởi vì sản phẩm của các đồng chí là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, nó có tác động rất rộng lớn không gì thay được, nó còn là tài liệu lưu trữ lâu dài, cho nên những người có tính hời hợt đại khái, thiếu trách nhiệm thì không nên để làm việc trong các cơ quan báo chí".
Đồng chí Trường Chinh qua đời ngày 30-9-1988, thọ 81 tuổi. Cả cuộc đời đồng chí dành trọn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc và tiến bộ của nhân dân. Đồng chí là nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà văn hóa, nhà thơ và nhà báo xuất sắc. Nhân cách, tác phong, phương pháp làm việc, đức khiêm tốn, cầu thị và giản dị của đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ những người cầm bút noi theo.