GS.TS Tạ Ngọc Tấn
(tiếp theo)
Đầu năm 1947, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn khi Trung ương Đảng và Chính phủ vừa rút lên Việt Bắc, đồng chí Trường Chinh viết một loạt bài đăng trên báo Sự thật từ số ra ngày 4-3-1947 đến số ra ngày 1-8-1947 dưới đề mục Kháng chiến nhất định thắng lợi. Nhà xuất bản Sự thật đã tập hợp các bài báo đó và ngày 19-9-1947 xuất bản thành cuốn sách Kháng chiến nhất định thắng lợi. Trong tác phẩm này, đồng chí Trường Chinh đã khái quát tiến trình lịch sử và nguyên nhân dẫn đến chiến tranh, chỉ ra kẻ thù của nhân dân ta chính là bọn thực dân xâm lược Pháp. Đồng chí xác định tính chất cuộc kháng chiến của dân tộc ta "là một cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân, chiến tranh tự vệ của dân tộc, là cuộc chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh tiến bộ". Từ sự phân tích so sánh lực lượng, tình hình địch - ta, các điều kiện thực tế trong và ngoài nước, đồng chí nhận định cuộc kháng chiến của dân tộc là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh. Đó cũng là cuộc đấu tranh trên tất cả các mặt trận quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Nó phải trải qua ba giai đoạn: phòng ngự, cầm cự và tổng phản công. Cho dù là lâu dài, gian khổ nhưng kháng chiến nhất định thắng lợi, "Con tàu Việt Nam... nhất định sẽ tránh được mọi đá ghềnh, vượt cơn sóng cả để cập bến vinh quang". Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: "Bác Hồ là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng đề ra đường lối cụ thể, chỉ đạo cụ thể về lý luận với cuốn "Kháng chiến nhất định thắng lợi", là do anh Trường Chinh".
Bài cuốn sách Kháng chiến nhất định thắng lợi của đồng chí Trường Chinh. |
Thu - Đông năm 1947, thực dân Pháp mở cuộc tiến công lên Việt Bắc hòng tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta. Quân Pháp ồ ạt tiến theo cả ba ngả: đường bộ, đường thủy và nhảy dù đường không xuống Bắc Cạn để đánh úp cơ sở của ta. Nhưng chỉ sau hơn hai tháng, quân Pháp đã phải rút về xuôi với một lực lượng lớn bị tiêu hao. Việt Bắc trở thành mồ chôn quân xâm lược Pháp. Chiến thắng Thu - Đông 1947 đưa cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta sang một giai đoạn mới. Ngay trong điều kiện chiến tranh ác liệt, từ ngày 16 đến ngày 20-7-1948, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai vẫn được tổ chức tại Việt Bắc. Tại Hội nghị này, Trường Chinh đọc bản báo cáo nổi tiếng Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam. Sau khi phân tích tính quy luật trong sự phát triển của văn hóa dân tộc và tính chất của nền văn hóa cách mạng mácxít, Trường Chinh nhấn mạnh: "văn hóa dân chủ mới của nước ta hiện nay phải là văn hóa có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng". Tiếp nối tinh thần, quan điểm của Đề cương về văn hóa Việt Nam, báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam đã đặt cơ sở lý luận, định hướng cho đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa nước ta.
Từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Đại hội hoạch định đường lối cách mạng và khẳng định quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi, đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam, bầu ra ban lãnh đạo mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Tại Đại hội, đồng chí trình bày báo cáo Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội, còn gọi là Luận cương về cách mạng Việt Nam. Bản Luận cương đã một lần nữa xác định mục tiêu, lực lượng cách mạng, con đường, bước đi và những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là xây dựng một xã hội chủ nghĩa, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Sau Đại hội lần thứ II của Đảng, báo Nhân dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam ra đời, xuất bản số đầu tiên ngày 11-3-1951, kế tiếp sự nghiệp của báo Sự thật trong điều kiện Đảng ra hoạt động công khai. Trước đó, tạp chí Cộng sản, với tư cách là cơ quan lý luận của Đảng đã xuất bản số 1, tháng 7-1950.
Trong thời kỳ này, do trách nhiệm công tác nặng nề, phải dành nhiều thời gian và công sức cho việc lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc kháng chiến, đồng chí Trường Chinh không có điều kiện để viết báo thường xuyên. Tuy nhiên, trước mỗi bước ngoặt của cách mạng hay trước những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn của kháng chiến, đồng chí vẫn có những bài báo bình luận sắc sảo về tình hình trong nước và thế giới, về âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, truyền đạt tư tưởng, đường lối cách mạng của Đảng, chỉ đạo hoạt động và uốn nắn nhưng sai lầm khuyết điểm của các tổ chức Đảng, chính quyền nhân dân. Ngay trên tạp chí Cộng sản, số 1, đồng chí Trường Chinh có bài "Hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị, chuyển mạnh sang tổng phản công". Tác giả đặt vấn đề, bài báo này nhằm "phê phán tư tưởng lạc quan tếu và tư tưởng bi quan, giải đáp những thắc mắc chung quanh vấn đề hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị, chuyên mạnh sang tổng phản công" và giúp cho "các đồng chí chúng ta nhận định đúng để hành động". Tác giả đã phân tích và giải thích thế nào là tổng phản công, phải chuẩn bị gì cho tổng phản công, bao giờ thì tổng phản công và phải khắc phục những khuynh hướng sai lầm nào trong nhận thức của cán bộ, nhân dân ta về tình hình kháng chiến.
Ngày 15-4-1951, báo Nhân dân số 4 đăng bài "Phương châm tác chiến và xây dựng lực lượng hiện nay" của Tổng Bí thư Trường Chinh. Bài báo khái quát một cách cô đọng toàn bộ đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Tác giả nhấn mạnh: "Phương châm kháng chiến nói chung của chúng ta, như Đảng đã đề ra, là kháng chiến lâu dài, tự lực cánh sinh... Phương châm xây dựng lực lượng là kết hợp xây dựng ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích".
Phân tích đánh giá về mục đích kháng chiến, tương quan lực lượng giữa ta và địch và những kinh nghiệm thực tế, đồng chí Trường Chinh chỉ ra phương châm tiến hành chiến tranh của ta là: "nói chung, du kích chiến tranh đóng vai chủ yếu, vận động chiến đóng vai bổ trợ, song vận động chiến phải được phát triển dần lên ngang với du kích chiến; đồng thời, phải đánh trận địa chiến tốt hơn". Những nhận định và chỉ đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh về phương châm tác chiến và xây dựng lực lượng cũng chính là đường lối tiến hành kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ là minh chứng cho tính chất khoa học, đúng đắn và sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó không thể không kể đến những đóng góp của Tổng Bí thư Trường Chinh.
(còn nữa)