GS.TS Tạ Ngọc Tấn
(tiếp theo)
Kháng chiến nhất định thắng lợi
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước dân chủ nhân dân vừa ra đời, thực dân Pháp núp bóng quân đội Anh quay trở lại miền Nam với âm mun chiếm nước ta một lần nữa. Ở miền Bắc, đội quân ô hợp của Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch với danh nghĩa phe Đồng minh giải giáp quân đội Nhật, kéo vào nước ta mang theo một số đảng phái chính trị phản động, vơ vét lương thực, gây rối loạn đời sống chính trị - xã hội. Trận đói khủng khiếp năm 1945 làm hơn hai triệu người chết còn để lại những hậu quả nặng nề. Đất nước rơi vào tình thế nguy nan, ngàn cân treo sợi tóc. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, loại bớt kẻ thù, tranh thủ thời gian và điều kiện để củng cố lực lượng. Tháng 11-1945, nhằm mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống những luận điệu tuyên truyền vu cáo, phá hoại của kẻ địch, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán, thực chất là rút vào hoạt động bí mật dưới danh nghĩa "Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương". Sau Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946, "chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa'', cả dân tộc Việt Nam lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ 9 năm vì độc lập tự do của Tổ quốc, hòa bình và hạnh phúc của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và Lê Đức Thọ đọc báo Sự thật tại Chiến khu Việt Bắc, năm 1948. |
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng, cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo cuộc chiến đấu gian khổ, trường kỳ đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Đồng chí cũng là người chịu trách nhiệm chỉ đạo báo chí, trực tiếp viết hàng trăm bài báo, truyền bá quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ, của Mặt trận, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tăng gia sản xuất, đánh giặc cứu nước.
Ngày 12-9-1945, báo Cờ Giải phóng số 16 bắt đầu xuất bản công khai tại Hà Nội. Tuy nhiên, ngày 18-11-1945, sau 18 số báo xuất bản công khai, Cờ Giải phóng đã nói lời từ biệt với các bạn đọc do Đảng Cộng sản Đông Dương, cơ quan chủ quản của báo đã giải tán. Trong 18 số báo ấy, bài viết của Trường Chinh thường xuyên xuất hiện với tên đồng chí hoặc các bút danh khác. Các bài báo của đồng chí Trường Chinh thường xuyên đề cập, phân tích và hướng dẫn nhận thức về các vấn đề thời sự, các nhiệm vụ cấp bách của cách mạng. Một trong những vấn đề hàng đầu được đồng chí Trường Chinh quan tâm là công tác xây dựng chính quyền nhân dân sau khi cách mạng thành công. Trong mục "Cuốn sổ tay của chiến sĩ", số báo 21, ngày 30-9-1945, đồng chí chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức Việt Minh trong việc giữ gìn sự đoàn kết nhất trí ở các làng xã. Cũng trong mục này của số báo 24, ra ngày 11-10-1945, Tổng Bí thư phê phán tình trạng chia rẽ giữa Mặt trận Việt Minh và Ủy ban nhân dân ở một số nơi, yêu cầu "cải tổ" để hai cơ quan đó hòa thuận, phối hợp chặt chẽ với nhau. Bài "Phê bình hay là mất tín nhiệm" trong số 32, ngày 11-11-1945, đồng chí tiếp tục viết về vấn đề xây dựng chính quyền nhân dân, yêu cầu phải dạy cho dân cách kiểm soát hoạt động của chính quyền và mỗi cán bộ chính quyền phải biết tự phê bình, nhận lỗi trước nhân dân.
Liên quan đến âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp muốn cướp nước ta một lần nữa, đồng chí Trường Chinh có bài "Lại đánh" (Cờ Giải phóng, số 24, ngày 11-10-1945). Trong bài báo, đồng chí khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam quyết tâm kháng chiến đến cùng, cho đến khi thực dân Pháp phải đầu hàng vô điều kiện. Trước việc Chính phủ Pháp không chấp nhận vai trò của đế quốc Mỹ trong dàn xếp tình hình rối ren ở Đông Dương, coi đó là việc "trị bọn phiến loạn" nội bộ của Pháp, Trường Chinh có bài "Không thỏa hiệp" đăng trên Cờ Giải phóng, số 28, ngày 25-10-1945. Trong bài báo, đồng chí khẳng định, nếu Chính phủ Pháp không thừa nhận chủ quyền của nhân dân Đông Dương thì không thể có thỏa hiệp nào hết. "Cuộc điều đình giữa Đông Dương và Pháp chỉ có thể trên một lập trường hoàn toàn bình đẳng. Nếu không, những cuộc đổ máu ở Đông Dương cứ kéo dài cho tới khi không còn một tên thực dân Pháp ở Đông Dương nữa".
Ngay sau khi Cờ Giải phóng nói lời từ biệt bạn đọc, Trung ương Đảng chủ trương xuất bản báo Sự thật với danh nghĩa "Cơ quan tuyên truyền cổ động của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác ở Đông Dương" do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo. Thời kỳ kháng chiến, tòa soạn báo Sự thật chuyến từ Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc và xuất bản số cuối cùng (số 155) ngày 21-12-1950. Vừa trực tiếp chỉ đạo hoạt động của báo, đồng chí Trường Chinh vừa là cây bút chủ lực của với những bài viết quan trọng, định hướng nhận thức và hành động cách mạng cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Nhân kỷ niệm một năm Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Trường Chinh có một loạt bài viết có tính chất tổng kết, đánh giá những bài học kinh nghiệm và ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám. Tháng 10-1946, Nhà xuất bản Sự thật đã tập hợp những bài báo này in thành cuốn sách Cách mạng Tháng Tám. Từ những đánh giá, bài học của cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc, đồng chí Trường Chinh phân tích tình hình, nhận định về tương quan lực lượng, chỉ ra những nhiệm vụ trước mắt của cách mạng, đưa ra dự báo về tương lai và "phác họa bước phát triển của cách mạng Việt Nam" từ đó về sau. Trong phần kết của cuốn sách, đồng chí khẳng định: "Dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu lâu dài, khắc phục mọi khó khăn, trở lực, quyết chiến thắng bọn thực dân tàn bạo và quét sạch bè lũ chó săn của chúng, kỳ cho nước Việt Nam được giải phóng hoàn toàn, dân tộc Việt Nam có đủ Độc lập, Tự do và Hạnh phúc”.
(còn nữa)