GS.TS Tạ Ngọc Tấn
(tiếp theo)
Đêm 9-3-1945, phát xít Nhật nổ súng đảo chính hất cẳng thực dân Pháp để độc chiếm Đông Dương. Ngay trong thời điểm đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp và ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", trong đó chủ trương "phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa" giành lấy chính quyền về tay nhân dân. Ngày 25-3-1945, trên báo Cờ Giải phóng số 11, Tổng Bí thư Trường Chinh có bài "Cuộc "đảo chính" của Nhật ở Đông Dương". Bài báo đã phân tích tình hình "Chính quyền Pháp đã đổ. Chính quyền Nhật chưa ổn định. Các hạng tay sai của Nhật, Pháp đang hoang mang. Tình thế rất thuận lợi cho cách mạng phát triển bằng những bước tiến nhảy vọt. Các chiến sĩ cách mạng Đông Dương phải lợi dụng đến cùng cuộc khủng hoảng chính trị đang tiếp diễn đặng đẩy mạnh cao trào". Từ phân tích trên, bài báo chỉ rõ: "Toàn bộ công tác của Đảng phải nhằm vào mục đích gấp rút tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền, sẵn sàng hưởng ứng quân Đồng minh”.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945, tình thế cách mạng đã mở ra, các sự kiện dồn dập tiến tới tổng khởi nghĩa. Từ ngày 15 đến ngày 20-4-1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ quyết định những chính sách quan trọng chủ yếu về quân sự chuẩn bị tổng khởi nghĩa, trong đó có quyết định thành lập ủy ban quân sự Bắc Kỳ. Cuối tháng 5-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh rời Pác Bó về Tân Trào để trực tiếp chỉ đạo cách mạng cả nước, chuẩn bị Đại hội quốc dân. Ngày 4-6-1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập. Từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào đề ra những chủ trương, chính sách lãnh đạo tổng khởi nghĩa và chuẩn bị nắm chính quyền. Đêm 13-8-1945, sau khi biết tin nội các Nhật Bản quyết định đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện, ủy ban khởi nghĩa đã ra lệnh khởi nghĩa trong toàn quốc: "Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh!... Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!". Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào đã cử ra ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức là Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và hiệu triệu toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành lấy chính quyền. Ngày 19-8-1945, tổng khởi nghĩa thành công tại Hà Nội. Ngày 21-8-1945, Tổng Bí thư Trường Chinh về Hà Nội. Ngày 26-8-1945, đồng chí đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà số 48 phố Hàng Ngang. Ngày 1-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tổng Bí thư Trường Chinh viết một loạt bài báo đăng trên báo Cờ Giải phóng, bám sát tiến trình cách mạng, thực sự là những định hướng lãnh đạo, mệnh lệnh chiến đấu của Đảng: "Cuộc kháng chiến anh dũng của chúng ta", "Phát xít Đức đã tắt thở" (số ra ngày 15-6); "Mười chính sách lớn trong Khu giải phóng" (số ra ngày 28-6); "Hãy kíp đi vào đường lối" (số ra ngày 17-7)... Trong bài "Cuộc kháng chiến anh dũng của chúng ta", Tổng Bí thư đã phân tích tình hình, chỉ ra kẻ thù thực chất của cách mạng là phát xít Nhật và nhấn mạnh tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại vào viện trợ từ bên ngoài. "Chỉ có cầm vũ khí trong tay, đoàn kết chiến đấu, dân tộc ta mới tự quyết định được số phận của mình trong những ngày sắp tới đây". Đánh giá cao ý nghĩa lịch sử của sự kiện đánh đổ phát xít Đức, cơ hội ngàn năm có một cho các dân tộc ở Đông Dương vùng lên giải phóng, trong bài "Phát xít Đức đã tắt thở", Tổng Bí thư kêu gọi: "Dù sao nhân dân Đông Dương không thể bị động trông chờ những ngày may mắn từ đâu đưa lại... Phải đứng dậy đánh đuổi giặc Nhật, góp sức với Đồng minh dìm chết con thú dữ Nhật Bản dưới đáy Thái Bình Dương... sẵn sàng phát động tổng khởi nghĩa giành hẳn lại đất nước". Nhận định của Trường Chinh về khẩu hiệu cách mạng trong bài báo "Hãy kíp đi vào đường lối" thực sự có ý nghĩa kinh điển, mẫu mực. Đồng chí viết: "... khẩu hiệu cách mạng, nhất là khẩu hiệu chiến lược, phải đặt một cách hết sức khách quan, căn cứ vào sự phân tích khoa học tình hình trong nước và ngoài nước, căn cứ vào sự nhận định sáng suốt trong hàng ngũ kẻ thù và các bạn đồng minh xa gần và cố nhiên phải thích hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn". Từ cơ sở trên, đồng chí phê phán những khẩu hiệu sai lầm của hai tổ chức đảng Tĩên phong và Giải phóng, đặt ra yêu cầu: "Các đồng chí ấy hãy kíp gạt bỏ thành kiến mà đi vào đường lối, của Đảng, thủ tiêu khẩu hiệu của riêng mình mà theo khẩu hiệu của Đảng... Chúng ta sẽ phạm phải một tội lớn, nếu trước giờ quyết liệt, chúng ta còn chia rẽ mãi".
Vừa lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo báo chí, vừa viết báo để chỉ đạo phong trào, đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp to lớn vào thành công của Cách mạng Tháng Tám. Đảng và Nhà nước Việt Nam đánh giá cao công lao to lớn của Tổng Bí thư Trường Chinh, người "đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng, vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công".
(còn nữa)