Nhà báo Trường Chinh: "Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ" (kỳ 5)

07:05, 21/05/2020

GS.TS Tạ Ngọc Tấn

(tiếp theo)

Ngay sau Hội nghị Trung ương 8, Đặng Xuân Khu có bài "Củng cố Đảng" đăng trên tờ báo Giải phóng số 2, tháng 6-1941. Nội dung bài báo chủ yếu liên quan đến vấn đề cán bộ và sinh hoạt chi bộ. Trong bài báo, đồng chí phê phán "Đảng bộ Bắc Kỳ có một khuyết điểm lớn là chậm đào tạo những cán bộ mới". Nguyên nhân của khuyết điểm này là do xao nhãng công việc của Đảng, quan liêu, không sát dân. Đồng chí Đặng Xuân Khu cho rằng để giải quyết vấn đề này phải bắt đầu từ sinh hoạt chi bộ. Đồng chí yêu cầu duy trì thường xuyên mục "Củng cố Đảng" trên báo Giải phóng, để "thu những kinh nghiệm công tác của Đảng, để bàn về những xu hướng của các đảng viên và nhất là để phê bình những khuyết điểm và những xu hướng hữu khuynh, tả khuynh".

Tháng 10-1942, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định xuất bản báo Cờ Giải phóng - cơ quan tuyên truyền, cổ động của Đảng Cộng sản Đông Dương do Tổng Bí thư của Đảng trực tiếp phụ trách. Cờ Giải phóng ra đời thực sự trở thành cơ quan chỉ đạo, tổ chức phong trào, cầu nối giữa Trung ương Đảng với các tổ chức cách mạng và nhân dân khắp các địa phương. Nhà báo Phan Quang nhận xét: "Các cán bộ hoạt động cách mạng thời bấy giờ coi báo Cờ Giải phóng là "cẩm nang cách mạng" của mình".

Báo Cờ Giải phóng, cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Báo Cờ Giải phóng, cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Vừa đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư, lãnh đạo Trung ương Đảng chèo lái con thuyền cách mạng (thời gian này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang bị chính quyền Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch giam cầm ở Trung Quốc, từ tháng 8-1942 đến tháng 10-1944), Đặng Xuân Khu vừa chỉ đạo báo chí và trực tiếp viết những bài báo quan trọng, phân tích đánh giá tình hình thời cuộc, truyền đạt những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng chỉ đạo hoạt động của các tổ chức Đảng trong cả nước. Ngay số đầu tiên của báo Cờ Giải phóng ra ngày 10-10-1942, Đặng Xuân Khu viết bốn bài: "Sinh hoạt Đảng", "Cải cách", "Thế giới hòa bình", "Liên bang Xôviết chiến thắng muôn năm". Trong bài "Sinh hoạt Đảng", đồng chí quán triệt Chỉ thị ngày 1-12-1941 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác tổ chức, nhấn mạnh tầm quan trọng của các chi bộ Đảng và yêu cầu nâng cao chất lượng sinh hoạt để các chi bộ có thể hoàn thành trách nhiệm công tác. Bài báo kết thúc bằng câu hỏi như lời thúc giục: "Trào lưu cách mạng thế giới cứ rầm rập tiến tới, các đồng chí chi bộ còn ngủ gật mãi sao?".

Bài báo "Liên bang Xôviết chiến thắng muôn năm" nhân dịp kỷ niệm 25 năm Cách mạng Tháng Mười Nga được mở đầu bằng giọng văn hào sảng: "Tiếng đại bác của chiếc tuần dương hạm Nga Rạng đông bắn vào Lâu đài Mùa Đông, cơ quan của chính phủ lâm thời, đêm 7 tháng Mười một năm 1917 (theo lịch Nga là 25 tháng Mười) đã loan báo cho toàn cầu biết một thời đại mới vừa mở ra: thời đại xã hội chủ nghĩa". Ngay trong thời điểm cuộc chiến đấu của quân và dân Liên Xô chống phát xít Đức đang vô cùng cam go, ác liệt, Đặng Xuân Khu đã khẳng định với niềm tin sắt đá rằng "Liên Xô sẽ thắng" và yêu cầu: "Chúng ta có bổn phận tích cực ủng hộ cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Liên xô, mở một mặt trận đánh bại phát xít Nhật, Pháp ở Đông Dương và góp sức vào phong trào cách mạng của nhân dân toàn thế giới”.

Các bài báo của Đặng Xuân Khu trên báo Cờ Giải phóng theo sát phong trào, tinh tường trong đánh giá và dự báo tình hình, kịp thời định hướng, chỉ đạo cao trào cách mạng tiến tới Tổng khỏi nghĩa. Ngày 7-5-1944, lấy danh nghĩa Tổng bộ Việt Minh, Tổng Bí thư Đặng Xuân Khu viết Chỉ thị "Sửa soạn khởi nghĩa", trong đó nêu rõ thời cơ khởi nghĩa sắp tới, cần chuẩn bị lực lượng, vũ khí, xây dựng các đội tự vệ, du kích, theo dõi sát thời cuộc để phát động khởi nghĩa giành thắng lợi. Sau Chỉ thị "Sửa soạn khởi nghĩa", Tổng Bí thư viết một loạt bài trên báo Cờ Giải phóng: "Phải tiến gấp" (số 6, ngày 28-7-1944), "Cái nhọt bọc sẽ vỡ mủ" và "Bồi bổ điều kiện vật chất cho cuộc khởi nghĩa" (số 7, ngày 28-9-1944), "Chống khủng bố" và "Sửa soạn khởi nghĩa việc võ trang các đội tự vệ phải thực hành cho sát" (số 8, ngày 9-11-1944), ...

Trong bài "Phải tiến gấp", Đặng Xuân Khu đã phân tích tình hình, nhận định "dịp tốt ngàn năm có một mang lại". Đồng chí kêu gọi "Hãy tiến gấp! Hãy kíp sửa soạn khởi nghĩa theo chỉ thị đã ra". Phân tích tình hình, so sánh lực lượng, chỉ ra mâu thuẫn tất yếu dẫn đến xung đột không tránh khỏi giữa đế quốc Pháp và phát xít Nhật ở Đông Dương, đồng chí khẳng định: "Chúng rất sợ khi chúng cắn xé nhau chí tử thì cách mạng Đông Dương thừa dịp nổi dậy tiêu diệt chúng. Chính vì thế Nhật, Pháp lại có thể "hòa hoãn" bề ngoài với nhau một lần nữa. Nhưng sự "hòa hoãn" này có khác chi một cái nhọt bọc, chứa chất bên trong bao nhiêu vi trùng và máu mủ, chỉ chờ dịp chín mõm là vỡ tung ra". Tác giả viết tiếp: "Phải kíp mài gươm, lắp súng để mai đây Nhật, Pháp bắn nhau, kịp nổi dậy tiêu diệt chúng, giành lại giang sơn, Tổ quốc".

Ngày 28-1-1945 trên báo Cờ Giải phóng số 10, lần đầu tiên xuất hiện bút danh Trường Chinh với bài báo "Chúng ta học được những gì trong cuộc đấu tranh võ trang ở Thái Nguyên". Bài báo đã phân tích, chỉ ra những bài học từ phong trào du kích ở Võ Nhai, Thái Nguyên, trong đó có sai lầm "coi thường bạo động", không biết tổ chức ra cơ quan đại diện để "tạm giữ chính quyền cho nhân dân", "bỏ một dịp hiếm có để dạy quần chúng và tự mình học lấy cách lập chính quyền và giữ chính quyền". Cũng từ đây, cái tên Trường Chinh gắn bó cho đến cuối cuộc đời của người học trò gần gũi, xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cách mạng, nhà hoạt động lỗi lạc của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com