GS.TS Tạ Ngọc Tấn
(tiếp theo)
Các bài viết của Đặng Xuân Khu trên báo Tin tức theo sát tiến trình cuộc bầu cử Viện Dân biểu ở Bắc Kỳ: "Tiếng gọi của nhóm Tin tức" (Tin tức, số 15), "Cái ý nghĩa thực của cuộc bầu cử lần thứ nhất ở Hà Nội" (Tin tức, số 18), "Những bài học của một cuộc tuyển cử" (Tin tức, số 19), "Một khẩu hiệu chính: Phải mở rộng quyền hạn cho dân biểu" (Tin tức, số 31), "Hãy gạt phăng bọn buôn dân và bảo hoàng khỏi ghế nghị trưởng kỳ này" (Tin tức, số 32, từ ngày 7 đến ngày 10-9-1938), "Rút một bài học kinh nghiệm trong cuộc bầu Viện trưởng Viện Dân biểu Bắc Kỳ vừa rồi" (Tin tức, số 34, từ ngày 14 đến ngày 17-9-1938), "Bọn tờrốtkít nói lung tung và chửi thực sự" (Tin tức, số 34)... Cùng với việc đánh giá tình hình, phê phán những nhân vật bảo hoàng, tay sai của chính quyền thực dân, đồng chí cũng vạch mặt, chỉ tên những âm mưu, hành vi mị dân, gian lận, mua bán phiếu bầu một cách mờ ám của "những kẻ đã phản bội Mặt trận dân chủ và lừa dối dân chúng". Đồng chí khẳng định với một niềm tin sắt đá về thắng lợi của cuộc đấu tranh trên báo Tin tức, số 34, từ ngày 14 đến ngày 17-9-1938 rằng: "kẻ thù của Mặt trận dân chủ đừng vội vui mừng mà reo to là Mặt trận dân chủ đã vỡ... Mặt trận dân chủ chẳng phải chỉ gồm mấy ông nghị trong viện và công việc của nó chẳng phải chỉ ở trong Viện Dân biểu... Nếu trong đám nghị viện Mặt trận dân chủ có những kẻ phản bội Mặt trận và lừa dối dân chúng. Mặt trận dân chủ cố nhiên tránh không khỏi một cái ảnh hưởng không tốt, nhưng cũng chính vì cái bài học gắt gao ấy mà chúng ta càng phải kiểm điểm và củng cố lại hàng ngũ để vượt qua những bước khó khăn, đi đến một mục đích đã định.
Sau số 43, báo Tin tức ngừng xuất bản do chính quyền thực dân thu hồi giấy phép. Xứ ủy Bắc Kỳ chủ trương mua lại tờ Đời nay để tiếp tục cuộc đấu tranh trên mặt trận báo chí công khai. Ngày 1-12-1938, một tháng rưỡi sau khi tờ Tin tức đình bản, tờ Đời nay tập mới ra số 1 với thông báo của Ban trị sự rằng báo không có liên quan gì về tiền bạc và tinh thần với báo Đời nay trước đó. Tất cả những người viết cho Tin tức trước đây đều chuyển về tòa soạn Đời nay tập mới. Đặng Xuân Khu tiếp tục đảm nhận trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo tờ báo. Đời nay tập mới ra đời vào đêm trước của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, khi chính quyền thực dân Pháp đã từng bước thu hẹp dân chủ, tăng cường đàn áp cách mạng ở Đông Dương. Đối phó với ảnh hưởng của tờ Đời nay tập mới, chính quyền trắng trợn khủng bố người bán báo và đọc báo, cấm lưu hành báo ở miền Trung. Ngày 26-8-1939, Chính phủ Pháp ban hành lệnh cho phép áp dụng trở lại chế độ kiểm duyệt báo chí. Ngày 13-10-1939, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương Saten ký lệnh cấm báo Đời nay. Để tránh khủng bố, trước đó 10 ngày, báo Đời nay đã tự động đóng cửa sau khi xuất bản số 38, tất cả cán bộ của báo rút vào hoạt động bí mật.
Cùng trong năm 1939, Đặng Xuân Khu còn thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo chính trị các tờ báo: Notre voix, Ngày mới và Người mới. Trong các tờ báo này, Notre voix xuất bản bằng tiếng Pháp, là tờ báo để lại dấu ấn quan trọng trong giới trí thức đương thời. Việc ra báo tiếng Pháp là tranh thủ điều kiện thuận lợi khi theo luật định của chính quyền thực dân, báo tiếng Pháp không cần phải xin phép. Notre voix số 1 ra ngày 1-1939 và số cuối ra ngày 25-8-1939. Đồng chí Đặng Xuân Khu trực tiếp chỉ đạo, tham gia Ban Biên tập báo có Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Trần Đình Long, Phan Thanh... Ban đầu, quản lý báo là Tô Đình Hòe, về sau Trần Đình Long thay thế. No tre voix có nhiều tin bài thể hiện rõ các quan điểm chính trị của Đảng, được phát hành ra cả ngoài biên giới Việt Nam. Vào thời điểm này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang ở Quế Lâm, Trung Quốc. Người cũng thường xuyên theo dõi báo và còn viết bài gửi về cho tòa soạn Notre voix dưới bút danh P.C.Lin. Đồng chí Đặng Xuân Khu là người nhận và đăng các bài viết của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên tờ Notre voix trong mục Thư từ Trung Quốc. Đó là các bài báo: "Về chủ nghĩa tờrốtkít" (ngày 7-7-1939), "Tổng kết sau hai năm đấu tranh" (ngày 14-7-1939), "Hoạt động của bọn tờrốtkít ở Trung Quốc" (ngày 11-8-1939). Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản cuối tháng 7-1939, Nguyễn Ái Quốc đánh giá cao tờ Notre voix: "Đây là cương lĩnh của tờ Notre voix và cũng là cương lĩnh chung của các tờ báo cộng sản Đông Dương: "Notre voix sẽ là tiếng nói của những người mong muốn hòa bình, muốn được tự do và hạnh phúc hơn, của những người quyết tâm đấu tranh cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, đấu tranh chống lại các lực lượng bảo thủ và áp bức xã hội, chống lại những kẻ gây chiến, chủ nghĩa phát xít trong nước và trên quốc tế”.
Lãnh đạo cách mạng và lãnh đạo báo chí tiến tới tổng khởi nghĩa
Ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra (1-9-1939), Tổng thống Pháp Lebrun đã ký sắc lệnh giải tán Đảng Cộng sản Pháp, tiến hành bắt bớ, khủng bố những người cộng sản yêu nước, tiến bộ ở chính quốc cũng như các thuộc địa. Ở Việt Nam, chính quyền thực dân Pháp dìm cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ trong bể máu. Ngày 28-8-1941, thực dân Pháp xử bắn một loạt cán bộ chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương như: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, nguyên Tổng Bí thư Hà Huy Tập, các ủy viên Trung ương Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Bí thư thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Thị Minh Khai... Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương họp tháng 5-1941 tại Pác Bó, Cao Bằng dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bầu Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Đặng Xuân Khu làm Tổng Bí thư. Với trọng trách lãnh đạo Đảng, đồng chí Đặng Xuân Khu dồn tâm sức vào các công việc lãnh đạo phong trào, chuẩn bị các điều kiện để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi điều kiện chín muồi. Đồng thời, đồng chí càng quan tâm hơn đến việc chỉ đạo báo chí, trực tiếp viết báo nhằm tuyên truyền vận động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về đường lối, chủ trương tiến hành cách mạng của Đảng.
(còn nữa)