GS.TS Tạ Ngọc Tấn
(tiếp theo)
Nhóm Le Travail ban đầu có sự tham gia của Nguyễn Thế Rục, Nguyễn Văn Tiến, Trịnh Văn Phú, Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Thai Mai, Trần Đình Long, Trần Huy Liệu... Báo do Nguyễn Văn Tiến làm Chủ nhiệm, Trịnh Văn Phú làm quản lý. Cuối năm 1936, một số đảng viên cộng sản mới ra tù như Đặng Xuân Khu, Khuất Duy Tiến, Tống Phúc Chiểu, Đặng Châu Tuệ, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt)... tham gia Ban Biên tập của Le Travail. Đồng chí Đặng Xuân Khu được cử làm Bí thư chi bộ cộng sản, trực tiếp biên tập, chuẩn bị và duyệt các bài vở. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đặng Xuân Khu và chi bộ cộng sản, Le Travail trở thành một diễn đàn rộng rãi tố cáo chế độ cai trị thuộc địa của thực dân Pháp, giáo dục lòng yêu nước, thức tỉnh lòng tự hào dân tộc, bênh vực quyền lợi của nhân dân lao động cần lao. Đồng chí Đặng Xuân Khu trực tiếp viết nhiều bài báo quan trọng, trình bày những vấn đề lý luận, nền tảng tư tưởng của Đảng và đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Đó là các bài: "Chủ nghĩa Mác, sức mạnh của hệ tư tưởng của chúng ta" đăng trên các số: 15 (ra ngày 25-12-1936), 17 (ra ngày 6-1-1937) và 18 (ra ngày 15-1-1937); "Để trở thành người xã hội chủ nghĩa" đăng trên các số: 21 (ra ngày 5-2-1937), 22 (ra ngày 19-2-1937) và 23 (ra ngày 26-2-1937)...
Vừa tham gia biên tập cho tờ Le Travail, Đặng Xuân Khu vừa gánh vác nhiệm vụ Trưởng ban của ủy ban hành động hợp pháp của Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp chỉ đạo các hoạt động hợp pháp của các đảng viên công khai và những trí thức có cảm tình với Đảng, đặc biệt là chỉ đạo hoạt động báo chí công khai của Đảng. Để bảo đảm vũ khí tư tưởng cho cuộc đấu tranh công khai của Đảng, đồng chí Đặng Xuân Khu đã chỉ đạo xuất bản một số tờ báo tiếng Pháp như: Rassemblement (số đầu ra ngày 16-3-1937), En avant (số đầu ra ngày 20-8-1937). Đồng chí cũng được Xứ ủy giao trách nhiệm trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các đảng viên làm tổng thư ký các tòa soạn như: Học Phi ở báo Tiểu thuyết thứ năm (tồn tại từ ngày 18-3-1937 đến ngày 1-8-1937), Nguyễn Đức Kính ở báo Hà thành ngọ báo (từ ngày 6-4-1937 đến ngày 26-3-1938), Trần Đình Tri ở báo Thời thế (từ ngày 30-10-1937 đến ngày 12-2-1938).
Báo Tin tức, cơ quan của Mặt trận Dân chủ. |
Sau khi các tờ báo trên lần lượt bị đình bản do chính quyền thu hồi giấy phép, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định xuất bản báo Tin tức và giao cho Đặng Xuân Khu phụ trách và trực tiếp làm Giám đốc chính trị, Trần Huy Liệu làm chủ bút, Lương Văn Tuân làm quản lý. Tham gia Ban Biên tập báo Tin tức là các cán bộ lãnh đạo Đảng như: Trần Đình Long (bút danh Lương Phong), Đào Duy Kỳ (bút danh Trường Sơn), Khuất Duy Tiến (bút danh Tô Dân), Nguyễn Văn Năng (bút danh Thôn Dân)... Báo Tin tức là tờ báo công khai của Đảng, trụ sở tại số 105, phố Henry De Orléan, Hà Nội, nay là phố Phùng Hưng.
Về trách nhiệm Giám đốc chính trị của báo Tin tức, sau này đồng chí Trường Chinh giải thích: "Giám đốc chính trị được rộng chân hơn. Các công việc giao dịch giấy tờ đều do chủ bút giải quyết. Nhiệm vụ của Giám đốc chính trị là giữ sao cho báo viết đúng đường lối. Đúng chính sách của Đảng". Báo Tin tức ra số đầu tiên ngày 2-4-1938 với danh nghĩa "Cơ quan Mặt trận Dân chủ". Định kỳ của Tin tức là hằng tuần, khổ báo 440 X 375 mm, thông thường mỗi số in khoảng 6.000 bản, tuy nhiên cũng có số in nhiều hơn (số 26 in đến 8.000 bản), do có những sự kiện quan trọng. Báo tồn tại được gần bảy tháng, số cuối cùng là số 43 ra ngày 15 và 19-10-1938.
Trong thời gian này, đồng chí Đặng Xuân Khu dưới bút danh Qua Ninh cùng với đồng chí Võ Nguyên Giáp với bút danh Vân Đình đã công bố tác phẩm nổi tiếng Vấn đề dân cày. Sách được nhà sách Đức Cường in thành hai tập và phát hành tháng 7-1938. Đây có thể coi là thiên điều tra mẫu mực về tình cảnh nông dân Việt Nam dưới sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến và chính sách phản động của chúng về ruộng đất, tô thuế, nạn cho vay nặng lãi. Đồng thời, tác phẩm cũng phê phán những nhận thức sai lầm về nông dân, khẳng định vai trò quan trọng của nông dân trong cách mạng Việt Nam.
Vừa chỉ đạo báo chí công khai hợp pháp của Đảng, chỉ đạo vận động thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương, đồng chí Đặng Xuân Khu vừa trực tiếp viết bài cho báo Tin tức dưới bút danh T.t. (Tin tức) và QN (Qua Ninh), cổ vũ cho cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ, dân sinh, chống lại những kẻ cơ hội, quá khích, gây chia rẽ phong trào cách mạng. Ngay sau khi Xứ ủy chỉ đạo tổ chức thành công cuộc biểu dương lực lượng của nhân dân lao động Hà Nội nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5-1938, đồng chí có bài "Cuộc biểu tình vừa qua đã dạy cho ta những gì?" đăng trên báo Tin tức số 5 (ngày 4 - 11-5-1938). Trong bài báo, Đặng Xuân Khu đã nhận định rằng, cuộc biểu tình ngày 1-5 "thật sự là nhát búa đập mạnh vào đầu các hạng phản động và bảo cho chúng biết rằng", "quần chúng Đông Dương đã tới độ trưởng thành về chính trị", họ đã biết tổ chức biểu tình trong trật tự để "đòi cơm ăn, áo mặc, hòa bình và tự do". Đó cũng chính là một dấu mốc quan trọng để phong trào "tiến lên những bước cao hơn nữa". Đặc biệt, loạt bài của Đặng Xuân Khu đăng trên báo Tin tức dưới đề mục "Để đi tới Mặt trận dân chủ Đông Dương" thể hiện rất rõ ràng, đầy đủ chủ trương của Đảng trong việc giáo dục quần chúng, tập hợp lực lượng, xây dựng mặt trận rộng rãi đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ và tự do cho nhân dân. Trong bài "Một việc dễ làm và phải làm" (Tin tức, số 7, từ ngày 21 đến ngày 28-5-1938), đồng chí kêu gọi chi nhánh Đảng Xã hội Hà Nội (của những người Pháp) cùng Nhóm Tin tức lập ra ủy ban hành động chung để tập hợp lực lượng rộng rãi nhằm đi tới thành lập Mặt trận bình dân Đông Dương, cùng nhau liên hiệp chống chiến tranh phát xít. Bài "Chúng ta hãy bắt tay vào việc" đăng trên báo Tin tức số 11 (6-1938), một mặt kêu gọi "thành lập Mặt trận dân chủ ngay trong vụ bầu cử này" để "tẩy uế Viện Dân biểu" hiện thời, bầu được một "dân viện xứng đáng" có thể "bênh vực được quyền lợi cho mình". Cụ thể, đó là sửa được "chế độ thuế thân theo nguyên tắc dân chủ", thực hiện triệt để luật lao động. Mặt khác, đồng chí cũng vạch mặt bọn tờrốtkít "lý luận suông", "phản tuyên truyền chiến thuật Mặt trận bình dân".
(còn nữa)