Từ một nền sản xuất manh mún, trình độ sản xuất lạc hậu, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng khắc nghiệt của thiên tai, chiến tranh tàn phá, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vẫn luôn nỗ lực phấn đấu trở thành điểm sáng của khu vực đồng bằng sông Hồng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngày mùa trên sân kho HTX nông nghiệp ở huyện Nghĩa Hưng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Tư liệu |
Vững vàng trong gian khó…
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, nhiều cán bộ nguyên là lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước luôn tự hào về những năm tháng gian khổ… Những năm 1965-1975, sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh vô vàn khó khăn khi đế quốc Mỹ leo thang ném bom đánh phá miền Bắc, trong đó Nam Định là một trọng điểm đánh phá không kể ngày đêm nhằm phá hoại sản xuất, hệ thống đê điều và các công trình thủy lợi; thiên tai lụt, bão liên tiếp xảy ra; sâu bệnh phát sinh gây hại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất. Để khắc phục những khó khăn trên, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với chính quyền các địa phương phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước: “Thâm canh thắng Mỹ ngay trên đồng ruộng”; “Phong trào kiến thiết đồng ruộng”; “Làm phân bón, chọn giống, làm mạ tốt”; “Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi”; “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”… Những phong trào này đã được đông đảo nông dân, nhất là thanh niên nông thôn ở khắp các địa phương hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể và mang lại lợi ích thiết thực. Phong trào làm phân xanh sôi nổi trong thanh niên, nhiều chi đoàn đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đoàn viên, thanh niên trồng xen cây điền thanh hoặc thả bèo dâu trong ruộng lúa. Một số kỹ thuật trong việc chọn lọc, nhân giống lúa, xử lý hạt giống, gieo mạ, đắp bờ chống úng… được chuyển giao nhân rộng để nông dân áp dụng. Nhờ đó, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Nam Định đã thực hiện tốt phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Cụ thể, tháng 7-1967, toàn tỉnh hoàn thành nghĩa vụ lương thực vụ chiêm xuân sớm nhất miền Bắc, được Thủ tướng Chính phủ gửi Thư khen. Năm 1968, toàn tỉnh nộp nghĩa vụ lương thực vượt 9,4% kế hoạch và là vụ thứ 7 trong vòng 3 năm liền Nam Định nộp vượt chỉ tiêu lương thực. Trong chiến tranh phá hoại lần 2 của đế quốc Mỹ, cuối những năm 1971-1972, trên 3 vạn tấn lương thực, muối đã được vận chuyển vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Đầu năm 1975, khi chiến trường miền Nam bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt, toàn tỉnh đã đóng góp 66.178 tấn lương thực, 7.065 tấn thịt lợn. Chỉ tính riêng 4 năm (1960, 1965, 1970 và 1975), Nam Định đã đóng góp 154.679 tấn lương thực và 19.048 tấn thực phẩm, góp phần đáp ứng yêu cầu tổng tiến công “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà…
Nỗ lực bứt phá vươn lên!
Thu hoạch lúa trên mô hình “cánh đồng lớn” ở huyện Vụ Bản. |
Hòa bình lập lại, non sông vẹn toàn một dải, cùng với đất nước chuyển mình vươn lên, theo từng giai đoạn và tùy vào tình hình thực tiễn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có các nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, vượt qua khó khăn, thách thức để đưa ngành Nông nghiệp phát triển đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh. Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) ban hành nghị quyết về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015) đã đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 30-40% số xã đạt tiêu chí NTM. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) tiếp tục đề ra mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, triển khai toàn diện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng NTM, là định hướng phát triển cơ bản và lâu dài của tỉnh; phấn đấu đến năm 2020 đạt tỉnh NTM. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động tổng lực sức mạnh của cả hệ thống chính trị dồn sức cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhờ đó đến tháng 7-2019, toàn tỉnh có 10/10 huyện, thành phố được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; Nam Định là một trong hai tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM về đích sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra. Sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, các xã, thị trấn, các huyện, thành phố đã tiếp tục chuyển trọng tâm sang xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí xã, huyện NTM nâng cao và các mô hình NTM kiểu mẫu. Nhờ đó đến nay kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, một số lĩnh vực khởi sắc rõ nét. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh chuyển căn bản từ lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu, sang chất lượng và giá trị gia tăng, chuyển từ khai thác tài nguyên sang ứng dụng khoa học công nghệ và quản trị tiến bộ, sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân 3,1%/năm. Toàn tỉnh đã xây dựng 25 chuỗi liên kết sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc và phát triển thị trường cho 150 sản phẩm. Trên địa bàn tỉnh đã từng bước hình thành thị trường nông sản an toàn, nông sản có kiểm soát để phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường, lòng tin của người tiêu dùng vào nông sản của tỉnh ngày càng tăng. Thu nhập của người dân ở nông thôn tăng hơn 3,5 lần so với năm 2010. Cơ cấu thu nhập của các hộ dân ở nông thôn có sự thay đổi đáng kể, hộ có thu nhập chính ngoài nông nghiệp chiếm trên 80%. Mức sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm còn 1,35 lần; đến nay tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 2%. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp, điều kiện sống và làm việc của người dân được nâng cao. Các nhu cầu về giao thông, điện, nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân được đáp ứng tốt hơn.
Những đóng góp của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng tỉnh nhà là rất đáng trân trọng và tự hào. Phát huy truyền thống, tinh thần cách mạng ấy, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, chung sức đồng lòng cùng các cấp, ngành, địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với những hy sinh và sự kỳ vọng của những thế hệ đi trước./.
Bài và ảnh: Văn Đại