Tuổi cao - Gương sáng

08:03, 13/03/2020

Với tâm niệm “còn sức khỏe còn lao động”, những năm qua, nhiều hội viên người cao tuổi ở thành phố Nam Định đã không ngừng nỗ lực, mạnh dạn phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. 

Ông Trần Ích Phượng (77 tuổi), phường Trần Tế Xương (thành phố Nam Định) với mô hình trồng địa lan cho giá trị kinh tế cao.
Ông Trần Ích Phượng (77 tuổi), phường Trần Tế Xương (thành phố Nam Định) với mô hình trồng địa lan cho giá trị kinh tế cao.

Ông Trần Ích Phượng (77 tuổi), phường Trần Tế Xương (thành phố Nam Định) luôn được mọi người quý trọng là một trong những hội viên người cao tuổi “dám nghĩ, dám làm” trong phát triển kinh tế. Từ năm 1965 đến năm 1991, ông công tác tại đơn vị Quản lý xe thuộc Tổng cục Hậu cần, rồi Binh đoàn 11 thuộc Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng). Trở về địa phương, ông Phượng khởi nghiệp kinh tế từ nghề sinh vật cảnh. Năm 1991, nhận thấy tiềm năng thị trường hoa lan, hoa trà phát triển, ông Phượng đã tìm nguồn mua cây giống uy tín để trồng thử nghiệm. Vừa trồng, ông vừa tìm hiểu đặc tính, cách chăm sóc, phòng, chống bệnh của từng loài hoa qua các bậc tiền bối và số ít tài liệu thời đó. Chỉ trong hơn 1 năm, các cây giống mà ông trồng thử nghiệm đều cho thu hoạch với kết quả ngoài mong đợi. Năm 1993, ông lại thử nghiệm phương pháp nhân giống hoa lan, hoa trà. Với kiến thức và kinh nghiệm thực tế, ông đã nhân giống thành công các loại hoa ngay từ lần đầu tiên thử nghiệm. Năm 1995, ông Phượng đã nhân giống thành công gần 500 chậu các loại lan Hạc Đính, lan Càng cua. Thời điểm này, cùng với trồng địa lan, hoa trà, ông Phượng cũng bắt đầu quan tâm đến hoa phong lan. Trong bộ sưu tập của ông có đầy đủ các loại phong lan như: Đai châu, Phi điệp, Hương Quế nâu, Tam bảo sắc… Hiểu rõ sự “khó tính” của từng loài hoa nên ông Phượng luôn chịu khó tìm tòi các phương pháp chăm sóc để cây sống khỏe, ra hoa đều và đúng thời điểm mong muốn. Thử qua nhiều loại hoa lan và hoa trà, từ năm 1997 đến nay ông bắt đầu chuyên tâm phát triển các giống hoa địa lan. Ông Phượng cho biết: Năm 1997, ông tham gia Hội hoa Địa lan thành phố Nam Định. Tại đây, ông có điều kiện học hỏi, giao lưu với các hội viên khác về kinh nghiệm trồng, chiết, tách các giống cây địa lan. Không đầu tư dàn trải, ông chọn trồng chuyên giống Hoàng vũ, vốn được người yêu lan đánh giá là “Nữ hoàng địa lan”, bởi đẹp tổng thể từ thân, lá, độ cao của hoa, màu sắc, hương thơm. Lá lan Hoàng vũ mềm, mướt, cong đều, tỏa ra ôm trọn lấy chậu rất đẹp. Hoa màu vàng, bông to nhất trong các loại địa lan, các cánh hoa lúc nào cũng hướng về ánh sáng, mềm mại như đang múa, hương thơm man mác. Thân cây cứng cáp, hương thơm man mác. Bởi có vẻ đẹp sang trọng, quý phái nên địa lan Hoàng vũ còn có giá trị kinh tế cao; mỗi chậu hoa có giá từ 3 đến 20 triệu đồng tùy vào số lượng ngồng hoa. Hiện nay, vườn lan của ông Phượng có hơn 400 chậu giá trị hàng tỷ đồng. Để khắc phục khó khăn về diện tích khi trồng lan số lượng lớn. Ông Phượng nghiên cứu tận dụng mọi khoảng không gian trong khuôn viên nhà ở thành chỗ đặt những chậu địa lan Hoàng vũ. Trong khoảng sân trước cửa nhà có diện tích chừng 30m2, ông xếp các chậu hoa theo kiểu 2 tầng, ở trên là các chậu địa lan trưởng thành, phía dưới là các chậu hoa giống đang ươm. Các ban công trên tầng 2, 3, 4 ở nhà ông đều được bố trí xếp các chậu hoa tương tự. Với cách làm này, ông đã tiết kiệm nhiều diện tích mà vẫn đảm bảo hiệu quả kết hợp trồng cây hoa thành phẩm và cây giống. Trong quá trình chơi địa lan Hoàng vũ, nhận thấy việc trồng cây bằng xỉ lót dưới đáy chậu vừa cồng kềnh, vừa bất tiện mỗi khi thay đất, ông đã tự chế tạo ra tấm lót chậu bằng cách dùng xốp cắt theo đáy chậu và đục nhiều lỗ nhỏ thoát nước mà vẫn đảm bảo an toàn sinh trưởng của cây hoa. Với mong muốn phát triển thú chơi địa lan Hoàng vũ, ông đã hỗ trợ những người chơi cách lựa chọn giống, kiến thức chăm sóc hoa. Với những người làm nghề trồng lan Hoàng vũ để bán trên thị trường, ông Phượng sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ bí quyết nhân giống. Nhiều người chơi lan như ông Mai Xuân Bùi (thành phố Nam Định), Trần Văn Cầm (Mỹ Lộc)… nhờ sự hướng dẫn, giúp đỡ về kỹ thuật của ông Phượng đã phát triển thành công nghề trồng địa lan. Từ năm 2019, ông Phượng được bầu làm Hội trưởng Hội hoa Địa lan thành phố Nam Định. Với uy tín của mình, ông và các hội viên trong Hội đã tham gia nhiều cuộc triển lãm hoa lan lớn như: Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” ở Bảo tàng tỉnh, Triển lãm hoa lan ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng… nhờ nắm bắt xu hướng thị trường hoa lan ở từng thời điểm khác nhau để thích ứng nên ông Phượng đã thu được kết quả tích cực trong phát triển kinh tế từ nghề trồng địa lan. Từ địa lan mà vợ chồng ông có ngôi nhà khang trang và 2 người con có điều kiện học hành đến nay đều thành đạt, phương trưởng.

Ở tuổi thất thập, ông Phạm Quý Tạo, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nam Vân (thành phố Nam Định) vẫn luôn năng động nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế gia đình. Sinh ra trong gia đình đông anh em, sớm mồ côi cha từ lúc lên 2 tuổi nên ông Tạo có ý thức tự lập từ nhỏ. Sau khi nghỉ hưu, ông có thời gian tập trung phát triển kinh tế sinh vật cảnh. Năm 1995, để phát triển phong trào kinh tế sinh vật cảnh địa phương, ông tập hợp những người cùng sở thích thành lập Hội Sinh vật cảnh xã thu hút 40 hội viên tham gia. Là hội trưởng Hội Sinh vật cảnh xã, ông luôn gương mẫu, đi đầu trong ứng dụng kỹ thuật, chuyển đổi mô hình trồng cây, giống hoa có giá trị kinh tế cao. Trên diện tích đất nông nghiệp và đất vườn gần 1.500m2, ban đầu ông Tạo tập trung trồng cây cảnh cây thế truyền thống sanh, si…; có thời điểm, cây sanh của ông có giá gần 100 triệu đồng/cây. Ông đặc biệt chú trọng phân tích xu hướng thị trường để kịp thời chuyển đổi cây trồng phù hợp, dễ tiêu thụ. Do vậy, từ cây sanh, si… ông chuyển sang đào thế rất linh hoạt, luôn đảm bảo thu nhập. Bên cạnh đó, những phần đất trống, ông trồng xen bưởi Diễn và các loại hoa cúc, thược dược “lấy ngắn nuôi dài”. Năm 2014, ông tiếp tục đầu tư trồng địa lan và lan đai trâu trên diện tích khoảng 50m2. Thời gian đầu, ông nhập một số giống địa lan và phong lan từ tỉnh Gia Lai; sau đó, qua quá trình tìm hiểu, ông đã chiết tách, nhân giống được nhiều chậu, giỏ lan. Hiện nay, vườn địa lan của ông có gần 50 chậu lan Hoàng vũ, mỗi chậu có giá từ 3-5 triệu đồng. Thời gian qua, nắm bắt được nhu cầu sử dụng rau sạch của thị trường thành phố Nam Định, ông đã không bỏ lỡ cơ hội, khai thác lợi thế đất ngoại thành, tăng gia xen canh trồng các loại rau muống, rau cần, cải, mồng tơi… để cung cấp rau sạch phục vụ người dân nội thành. Với 20 gốc bưởi Diễn được trồng từ năm 2010 luôn cho thu hoạch ổn định với năng suất mỗi vụ từ 80-100kg/1 cây, giá thu mua của các đại lý trong vài năm trở lại đây dao động khoảng 25 nghìn đồng/1kg, tính ra mỗi vụ ông Tạo thu về khoảng 40 triệu đồng từ bán bưởi.

Từ thực tiễn cho thấy, những mô hình phát triển kinh tế của ông Phượng, ông Tạo không chỉ cho thấy vai trò của người cao tuổi trong phát triển kinh tế - xã hội, mà qua đó còn góp phần động viên, giáo dục con cháu về đức tính cần cù, siêng năng lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com