GS. TS Nguyễn Xuân Thắng
(tiếp theo)
Trường Chinh - Nhà chiến lược, nhà tổ chức tài năng
Đồng chí Trường Chinh được bầu là Quyền Tổng Bí thư của Đảng tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1940. Sau đó, ba lần đồng chí được tín nhiệm bầu là Tổng Bí thư của Đảng ta. Điều hết sức đặc biệt đó cho thấy, đồng chí không chỉ là một nhà chiến lược kiệt xuất, góp phần hoạch định đúng đắn đường lối của Đảng, mà còn là nhà tổ chức tài năng đã thực hiện thắng lợi các chiến lược đó trong suốt thế kỷ XX.
Dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khóa I) do đồng chí Trường Chinh chuẩn bị là sự "thay đổi chiến lược", là "chính sách mới" của Đảng, đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc - giai cấp, dân tộc - quốc tế, tạo ra bước phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng nước ta trong tiến trình vận động cách mạng giải phóng dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, năm 1959. |
Vì nhiệm vụ cách mạng, hai lần lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phải công tác nước ngoài, trong thời gian này, đồng chí Trường Chinh đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức triển khai "chính sách mới" của Đảng, phát triển mạnh mẽ Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa cách mạng, tổ chức lực lượng vũ trang và kịp thời ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, chuẩn bị đầy đủ điều kiện phát động tổng khởi nghĩa khi thời cơ tới, dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, làm thay đổi vận mệnh của dân tộc.
Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức toàn dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc và thực hiện sách lược "hòa để tiến" giữ vững Nhà nước dân chủ mới non trẻ ở nước ta, đồng chí Trường Chinh đã góp phần đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh với tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi (năm 1947) và vạch ra con đường phát triển cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam với Luận cương về cách mạng Việt Nam (năm 1951). Để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, đồng chí cùng với Bộ Chính trị chuẩn bị, đưa ra các quyết sách chiến lược lớn và tổ chức thực hiện xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Vào thập niên thứ tám của thế kỷ XX, đồng chí Trường Chinh đề xuất với Đảng khởi xướng đường lối đổi mới, vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ nghĩa xã hội ở nước ta trước sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô. Ba bài học vô giá mà đồng chí chỉ ra về "sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là ở nhân dân"; "tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng đúng đắn, hành động theo quy luật chính là cách đi lên chủ nghĩa xã hội đúng nhất và nhanh nhất, không có con đường nào khác";"phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng" mãi mãi có giá trị lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Đồng chí Trường Chinh luôn lưu ý Đảng phải nhìn thẳng vào sự thật, thấy được những mặt mạnh, nhưng đồng thời phải biết rõ các thiếu sót chủ quan và Đảng phải luôn có tinh thần dũng cảm tự phê phán mạnh mẽ và triệt để. Đổi mới "dựa trên những bài học được đúc kết từ những thắng lợi đã đạt được và những khuyết điểm, sai lầm”. Để không mắc phải các sai lầm, Đảng phải thật sự đổi mới tư duy và phong cách, có như vậy mới hiểu được thực chất của hiện trạng, phân biệt rõ đúng sai, phát huy được nhân tố tiến bộ, gạt bỏ được những sai lầm, ấu trĩ, lạc hậu. Theo đó, mở ra một trình độ mới trong nhận thức và vận dụng đúng đắn quy luật khách quan, khơi dậy được tính chủ động sáng tạo vô tận của nhân dân, phát huy được tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Do vậy, Đảng phải không ngừng nâng cao và hoàn thiện sự lãnh đạo của mình để xứng đáng là người lãnh đạo chính trị đối với xã hội, xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng của nhân dân. Phải hết sức coi trọng và đặt lên trước hết vấn đề soạn thảo chiến lược và sách lược của Đảng, đáp ứng đúng yêu cầu cách mạng trong từng thời kỳ để định hướng cho xã hội tiến lên.
Luôn xuất hiện ở những bước ngoặt của cách mạng, với tư duy đổi mới, đổi mới để sáng tạo và phát triển, sửa sai để tiến lên, đề xướng và tổ chức thực hiện thành công các nghị quyết của Đảng đã thể hiện tầm vóc khoa học, bản lĩnh chính trị kiên định, sự tận tụy của một chiến lược gia, một nhà tổ chức tài năng của Đảng và dân tộc ta - đồng chí Trường Chinh.
(còn nữa)