Văn Tạo
(tiếp theo)
Tới giữa năm 1953, sau khi quân địch thất bại phải rút khỏi Nà Sản (ngày 12-8-1953), cuộc họp của Bộ Chính trị đầu tháng 10- 1953 quyết định kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954 mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Cuối năm 1953, thắng lợi kháng chiến trên các chiến trường trong cả nước và thắng lợi bước đầu trong cách mạng phản phong đã cho thấy ngày chiến thắng trên toàn cục đang tới gần... Như sau này nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày ra đời của Ban Văn Sử Địa, trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Trường Chinh đã nói rõ:
"Cuối năm 1953, cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược đã bước vào giai đoạn quyết định, cách mạng phản phong kiến được đẩy mạnh để hỗ trợ cho cách mạng phản đế... Thắng lợi trên cả hai mặt trận chống đế quốc và phong kiến đã cho phép chúng ta chuẩn bị bước chuyển biến mới của cách mạng Việt Nam".
Đồng chí Trường Chinh thăm Nông trường chè Bầu Cạn, Gia Lai - Kon Tum, tháng 3-1983. |
Về mặt nhà nước, để khỏi bị động, đồng chí Trường Chinh đã sớm lo đến nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Trong các cuộc gặp gỡ giữa đồng chí Trường Chinh với các đồng chí Trần Huỵ Liệu, Tôn Quang Phiệt trong Ban Thường trực Quốc hội và đồng chí Minh Tranh, Trưởng Ban biên tập Nhà xuất bản Sự thật, đồng chí Trường Chinh đã đề cập việc chuẩn bị về tiếp quản các cơ sở văn hóa, khoa học, giáo dục... ở thủ đô, nơi tiêu biểu cho cả nước. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cách mạng cần phải có một cơ quan khoa học để đảm đương trách nhiệm này. Việc cho ra đời một tổ chức nghiên cứu khoa học có uy tín đang là vấn đề không thể chậm trễ được nữa.
Một đề án cho việc xây dựng tổ chức này cần được soạn thảo và Trung ương đã trao cho các đồng chí Trần Huy Liệu, Tôn Quang Phiệt, Minh Tranh đảm nhiệm.
Ngày 6-9-1953, Dự án thành lập một tổ chức nghiên cứu khoa học lịch sử do đồng chí Trần Huy Liệu ký tên được hoàn thành trình lên Trung ương. Tháng 11-1953, một cuộc họp dưới danh nghĩa Ban Tuyên huấn Trung ương triệu tập do đồng chí Trường Chinh chủ trì, có các đồng chí Trần Huy Liệu, Tôn Quang Phiệt, Minh Tranh... tham gia, đã đi đến một quyết định là soạn thảo một văn bản mang tên : Đề nghị thành lập Ban nghiên cứu Sử Địa Văn gửi lên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ngày nay, nghiên cứu hai văn kiện kể trên, và hồi tưởng lại những nhận thức của tôi thời kỳ đầu khi tôi mới lên Ban Sử Địa Văn (cuối năm 1953) tôi càng thấy rõ vai trò quyết định của đồng chí Trường Chinh trong sự ra đời của Ban Sử Địa Văn.
Dự án của ban trù bị do đồng chí Trần Huy Liệu ký tên chỉ đề nghị là Thành lập một tổ chức nghiên cứu khoa học lịch sử. Trong phần giải trình về Sự cần thiết thành lập một tổ chức nghiên cứu lịch sử. Bản Dự án đã nêu lên bảy điều cần thiết và đưa ra một số dẫn chứng cụ thể:
"Đại hội Đảng năm 1951, theo lời đề nghị của một số đồng chí, đã quyết nghị soạn một quyển Đảng sử. Nhưng cho đến nay, nghị quyết vẫn chưa được tiến hành... Năm 1949, Hồ Chủ tịch đã chỉ thị những đồng chí phụ trách văn hóa phải tiến hành việc biên soạn một pho sử kháng chiến. Cho đến nay, việc này cũng không có một cơ quan hay một số người nào phụ trách để chuẩn bị tiến hành".
Do đó, tới phần: Nhiệm vụ và tổ chức của Ban và Hội nghiên cứu bản Dự án đề nghị:
"... Với những khả năng hiện có, hãy tập trung vào ngành sử học để có thể bắt tay ngay vào mấy việc cần thiết do nhu cầu của Đảng, của nhân dân đương đề ra. Vả chăng, Sử học là khoa học chủ yếu trong văn học, chúng ta có thể do sử học tỏa ra các ngành văn học khác, cũng như Ban Sử học, nếu đủ điều kiện sẽ tiến lên Ban Văn học. Vì vậy chúng ta hãy đề ra những nhiệm vụ và tổ chức ngành Sử học".
Nhưng quyết định của Hội nghị kể trên do đồng chí Trường Chinh chủ trì đã cho ra bản "Đề nghị thành lập Ban nghiên cứu Sử Địa Văn”, chứ không chỉ sử học.
Đi sâu thì thấy, Dự án ... và Đề nghị... có nhiều chỗ trùng hợp về phân tích tình hình và nêu lên sự cần thiết phải cho ra đời tổ chức nghiên cứu khoa học này. Nhưng phần giải trình yêu cầu, mục đích thì bản Đề nghị có điểm khác cơ bản là đặt cả ba ngành khoa học: Sử, Địa, Văn vào nhu cầu phục vụ cách mạng, phục vụ cho việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam, do đó cả ba ngành phải được đồng thời nghiên cứu:
"Cách mạng Việt Nam thành công được chủ yếu là nhờ có khoa học Mác - Lênin. Hiện nay chủ nghĩa Mác - Lênin đã được truyền bá trong nhân dân ta. Nhưng chủ nghĩa Mác - Lênin ăn sâu vào trong nhân dân ta, thế tất ta phải học vận dụng nó vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Đường lối cách mạng do Hồ Chủ tịch và Đảng đề ra chính là sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Nhưng Việt Nam như thế nào, con đường phát triển của dân tộc ta như thế nào, rồi đây phải tiến tới đâu, tại sao phải tiến theo con đường ấy? Đấy là những vấn đề mà lịch sử Việt Nam, Địa lý Việt Nam, Văn học Việt Nam theo quan điểm Mác - Lênin có nhiệm vụ góp phần vào để giải quyết về mặt tư tưởng. Vì vậy, vấn đề Sử, Địa, Văn còn là vấn đề quan trọng trong việc học tập chủ nghĩa của Đảng ta, chủ nghĩa Mác - Lênin khoa học".
(còn nữa)