Đồng chí Trường Chinh với sự ra đời của ban nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn học - Tiền thân của Ủy ban khoa học xã hội (kỳ 4)

06:01, 23/01/2020

Văn Tạo

(tiếp theo)

Từ khi đất nước giành được độc lập, Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh hết sức chăm lo đến việc xây dựng Nhà nước cách mạng về mặt văn hóa, khoa học. Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ I tháng 11-1946, do đồng chí Trường Chinh chỉ đạo đã quán triệt nhiệm vụ cơ bản mà Hồ Chủ tịch đề ra là: "Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ". Tới Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ II, tháng 7-1948, đồng chí Trường Chinh thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc bản Báo cáo "Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam", xác định rõ lập trường văn hóa mácxít, nhiệm vụ đấu tranh cho một nền văn hóa dân tộc, dân chủ, chống những quan điểm và khuynh hướng văn hóa thực dân, phong kiến và tư sản phản động, xác định thái độ khoa học, lấy lý luận Mác - Lênin làm kim chỉ nam cho hành động, lý luận phải kết hợp chặt chẽ với thực tiễn...

Đồng chí Trường Chinh thăm một đơn vị Hải quân ở Quảng Ninh, năm 1970.
Đồng chí Trường Chinh thăm một đơn vị Hải quân ở Quảng Ninh, năm 1970.

Trong thời kỳ này, biểu hiện tập trung nhất của tư duy khoa học của đồng chí Trường Chinh là ở công trình "Bàn về cách mạng Việt Nam" (Báo cáo đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Lao động Việt Nam tháng 12-1951).

Bằng quan điểm lịch sử và phương pháp biện chứng, tác giả dành tới 20 trang trong số 75 trang (trang 7 đến trang 27) phân tích về tình hình thế giới, làm rõ những mâu thuẫn cơ bản của thời đại, các phong trào cách mạng, đặc biệt là phong trào dân chủ nhân dân trên thế giới và phong trào giải phóng thuộc địa và nửa thuộc địa để định vị cho cách mạng Việt Nam trong trào lưu cách mạng trên thế giới.

Tiếp đó tác giả dành tới 28 trang (từ trang 27 đến trang 55) trình bày về Tính chất xã hội Việt Nam. Đây có thể coi là một công trình khoa học xã hội rất sâu sắc vận dụng cả phương pháp triết học, sử học, xã hội học, kinh tế học, dân tộc học... để làm rõ những đặc điểm của lịch sử xã hội Việt Nam, phân tích các giai cấp trong xã hội Việt Nam, làm rõ vị trí và vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam trong cách mạng dân tộc dân chủ, dẫn đến những nhận thức khoa học về mục đích và yêu cầu của cách mạng Việt Nam... Nhờ đó mà đến phần "Cách mạng Việt Nam" tác giả trình bày được một cách hết sức thuyết phục về nhiệm vụ cách mạng, lực lượng cách mạng, tiến trình cách mạng dẫn đến thắng lợi cách mạng.

Đề cương Văn hóa Việt Nam và Bàn về cách mạng Việt Nam của đồng chí Trường Chinh vừa là những công trình lý luận chỉ đạo cách mạng, vừa là những công trình khoa học xã hội mẫu mực cho những nhà nghiên cứu khoa học xã hội lúc đó học tập và noi theo.

Cũng cần phải kể đến việc tiếp thu ảnh hưởng khoa học từ bên ngoài trong giao lưu quốc tế lúc đó mà Trung ương Đảng và đồng chí Trường Chinh rất quan tâm. Trước hết là với Trung Quốc Đảng đã cử một số đồng chí sang Trung Quốc học tập kinh nghiệm (đoàn đầu tiên có các đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, Lý Ban và ông Lê Nhuận Chi. Khi đoàn về nước có mang theo các Văn kiện Chính phong của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong đó có một số vấn đề mà ta có thể học tập kinh nghiệm được, như: Cán bộ cách mạng phải học văn hóa, khoa học, phải hiểu biết lịch sử. Có nắm được lịch sử xã hội mới làm được cách mạng xã hội.... Đồng thời, công trình Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô của Xtalin cũng được truyền về qua đường Trung Quốc. Hai tư liệu này có ảnh hưởng đáng kể đến sự thúc đẩy phát triển khoa học, nhất là sử học, triết học... của ta trong kháng chiến.

Ngoài ra, thực tế xã hội lúc đó cũng đòi hỏi khoa học phải phát triển. Trình độ văn hóa, khoa học của các cán bộ các cơ quan Trung ương và địa phương còn thấp kém. Nền giáo dục phổ thông ở các vùng tự do cũng đòi hỏi có những sách giáo khoa, nhất là đối với các trường phổ thông cấp II, cấp III đang phát triển mạnh lúc đó, đang còn rất thiếu.

Chính trong thời điểm này những công trình nghiên cứu sử học và các giáo trình lịch sử của các nhà sử học: Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Nguyễn Khánh Toàn, Tôn Quang Phiệt, Trần Văn Giáp, Văn Tân, Nguyễn Lương Bích.., các công trình nghiên cứu văn học và giáo trình văn học của Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Đinh Gia Khánh... đã xuất hiện.

Đồng thời, để đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng vào cuộc sống, một số tổ chức văn hóa, khoa học, nghệ thuật đã ra đời và đẩy mạnh hoạt động như: Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác, Vụ Văn học, Nghệ thuật trong đó có Ban Sử Địa, Vụ Huấn học của ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Tu thư và Ban Sử của Bộ Quốc gia giáo dục... tất cả đều triển khai nghiên cứu, biên soạn hay giảng dạy về triết học, sử học, văn học, địa lý... Tình hình chung như đã chín muồi cho một tổ chức nghiên cứu khoa học ra đời.

Trong khi đó thì cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cũng cho những dấu hiệu lạc quan.

(còn nữa)

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com