Những lần gặp anh Trường Chinh (kỳ 6)

05:09, 03/09/2019

Lê Lam

(tiếp theo)

Năm 1965 - Cuộc gặp lần thứ tư

Triển lãm tranh đầu tiên của Lê Lam khai mạc hồi 7 giờ tối ngày 1-9-1965 tại Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam ở số nhà 10 phố Hàng Đào, Hà Nội có mặt đông đảo các họa sĩ, nhà điêu khắc của giới Mỹ thuật Việt Nam và Thủ đô Hà Nội; trưng bày 100 tác phẩm tranh, gồm nhiều chất liệu: màu nước, bột màu than, chì, phấn màu, khắc gỗ, khắc linô, khắc kẽm...; nhiều thể loại: tranh cổ động, tranh minh họa, tranh đồ họa vẽ bằng chì than trên bìa cứng khổ lớn 100cm X 70cm. Có tới 90% bức vẽ có chủ đề về Việt Nam, còn lại là những bức vẽ về Liên Xô. Đặc biệt là bộ tranh 20 bức đồ họa khổ lớn "Từ tuyến đầu Tổ quốc" chiếm một nửa phòng triển lãm chạy một hàng dài thẳng tắp đã gây một ấn tượng mạnh mẽ, sôi sục cho người xem ngay vào đầu phòng triển lãm. Sau lễ khai mạc, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận đã nói với tôi:

Từ trước đến nay, tại nhà triển lãm này đã có nhiều triển lãm tranh của cá nhân, nhưng chỉ có triển lãm của anh Diệp Minh Châu và của anh lần này là chững chạc nhất, cả nội dung và hình thức.

Đồng chí Trường Chinh thăm triển lãm tranh của họa sĩ Lê Lam, ngày 24-12-1981.
Đồng chí Trường Chinh thăm triển lãm tranh của họa sĩ Lê Lam, ngày 24-12-1981.

Sáng ngày 2-9-1965, sau những tiếng súng nổ rền vang của lực lượng phòng không bắn máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Hà Nội lúc 7 giờ Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các cán bộ giúp việc đã đến xem triển lãm tranh của tôi. Sau năm ngày, Thủ tướng lại đến xem lại một lần nữa nhưng tôi không gặp được để nghe Thủ tướng phát biểu ý kiến theo yêu cầu của tôi. Tôi hết sức cảm động về một ân huệ lớn lao như thế. Vậy mà ngày 23-9-1965 tôi lại nhận được một thư tay của Thủ tướng viết nhận xét về triển lãm của tôi.

Ngày 7-9-1965 Chủ nhiệm Ban Thống nhất Trung ương của Quốc hội đến xem triển lãm của tôi lần thứ hai.

Hàng nghìn người xem triển lãm của tôi mở cửa suốt ngày đêm, đông nghịt. Có thể nói, tôi chưa bao giờ được sống những giờ phút cảm động, hồi hộp, phấn chấn, mê say đến như vậy.

Vậy mà suốt một buổi tối từ 7 giờ đến 9 giờ 30, anh Trường Chinh cùng gia đình đã đến xem triển lãm của tôi và trao đổi với tôi về nhiều vấn đề của văn học, nghệ thuật. Cùng tiếp anh có họa sĩ Mai Long - bạn tôi. Ngoài chủ và khách, triển lãm tối hôm ấy còn dành riêng cho cuộc gặp của anh, đã được dọn dẹp sạch sẽ, kỹ lưỡng từ chiều, ánh sáng được tăng cường. Lọ hoa huệ thơm ngát vừa mới thay. Một sự yên lặng rất dễ chịu và thú vị cho việc xem tranh.

Sau lời giới thiệu ngắn gọn của tôi, anh Trường Chinh bắt đầu đi xem. Tôi quan sát rất kỹ và nhận ra rằng anh chăm chú một cách khác thường, bắt đầu từ bộ tranh "Từ tuyến đầu Tổ quốc". Đứng trước bức tranh xa khoảng hai - ba mét nhìn toàn bộ, khi đã thấy đủ, anh đến gần bức tranh xem tên tranh, lời chú thích về chất liệu, năm sáng tác, rồi mới xem từng phần, từng chi tiết sau đó chuyển sang bức khác theo một quy trình như vậy. Có khi đã xem sang bức khác anh quay lại bức vừa xem rồi cho một lời bình luận ngắn gọn: tốt hoặc tốt lắm, hoặc đạt hay chưa đạt. Anh hỏi tôi nhiều hơn về chất liệu và cách thể hiện.

Khi chuyển sang khu vực tranh Hồ Xuân Hương, khuôn mặt anh vui hẳn lên. Anh xem kỹ từng bức tranh, tên tranh và lẩm nhẩm đọc từng bài thơ của Hồ Xuân Hương. Đến bức tranh "Chồng con cái nợ":

Hỡi chị em ơi có biết không,
Một bên con khóc một bên chồng.
Bố cu lỏm ngỏm bò trên bụng,
Thằng bé hu hơ khóc dưới hông.
Tất tả những là thu với vén,
Vội vàng nào những bống cùng bông.
Chồng con cái nợ là như thế!
Hỡi chị em ơi có biết không!

Ở bức tranh này tôi vẽ: Một người phụ nữ đang nằm cho con bú, tay cầm quạt nan. Người chồng đang khom cúi viết ở phía sau. Tôi muốn chê trách anh đàn ông "dài lưng tốn vải ăn no lại nằm". Với vẻ mặt tươi cười, hóm hỉnh anh Trường Chinh hỏi tôi: Tại sao với bài thơ này chú lại vẽ thế này, không hiện thực rồi... Tôi cũng cười trả lời rằng: Bài thơ này rất khó vẽ, nếu vẽ đúng như lời bài thơ thì nguy lắm. Thưa anh, hình tượng trong văn học trừu tượng thì có thể như thế, nhưng hình tượng trong tạo hình cụ thể thì em không dám vẽ. Anh cười rất vui vừa vỗ vai tôi một cách rất thân tình vừa nói với xung quanh: "Thế là họa sĩ còn phong kiến rồi đấy!". Mọi người cùng cười. Không khí chan hòa ấm cúng biết bao. Rồi anh hỏi luôn: "Thế chú đã vẽ Truyện Kiều chưa?" Tôi trả lời ngay:      Dạ! Em đã vẽ Truyện Kiều ngay sau khi bộ tranh khắc kẽm Hồ Xuân Hương của em được Hội đồng Giáo sư Trường Đại học Mỹ thuật Quốc gia Kiép Liên Xô khen thưởng. Rất tiếc là chuyển sang bản kẽm thì bị thất bại. Em làm 12 bản thì hỏng 11 bản".

Thế thì chú làm tiếp đi, từ nay đến kỷ niệm Đại thi hào Nguyễn Du - danh nhân văn hóa thế giới vừa được UNESCO công nhận, toàn thế giới sẽ kỷ niệm vào tháng 11 sắp tới. Lát nữa xem xong triển lãm chúng ta sẽ nói tới chuyện đó.

(tiếp theo)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com