Học Phi
Mỗi lần nhớ lại cảnh đói khủng khiếp năm Ất Dậu (1945), tôi vẫn còn rùng mình. Người chết đói đầy đường, đầy chợ. Có làng chết gần hết, có gia đình không còn một người, ở thành phố thì sáng nào người ta cũng thấy những chiếc xe bò lọc cọc chở đầy những xác chết đen thui nhặt được ở các đầu đường, xó chợ đem đi chôn trong một hố chung ở nghĩa địa. Một không khí chết chóc thê thảm bao trùm khắp nơi.
Nạn đói năm ấy đã cướp đi mất hai triệu đồng bào ta. Đó là hậu quả của chính sách bóc lột hết sức dã man của đế quốc Pháp và phátxít Nhật, mà trực tiếp là việc thu thóc tạ và bắt dân phá màu trồng đay, trồng thầu dầu để làm nguyên liệu phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của Nhật. Người nông dân làm được hạt thóc nào đều bị trưng thu hết, khiến cho ngay một bộ phận địa chủ lớp dưới và phú nông cũng bị lâm vào cảnh thiếu đói. Trong dân gian ngày ấy đã lưu truyền một bài hát ru em:
"Em ơi, em ngủ đi em,
Khóc làm chi nữa, chị thêm đau lòng.
Bây giờ một cổ ba tròng,
Đường đầy xác chết, chợ không bóng người.
Hận này biết thuở nào nguôi,
Bao giờ "sao" mọc cho đời nở hoa".
"Sao" nói trong bài hát là sao vàng năm cánh của cờ Việt Minh, hồi ấy đã xuất hiện ở khắp nước. Trước cảnh cùng đường, người dân chỉ còn hướng về Việt Minh, hướng về cách mạng để cứu mình, cứu nước.
Thời gian này đồng chí Trường Chinh sống ở ngoại thành Hà Nội. Từ sau ngày đi họp Trung ương ở Pác Bó về, đồng chí vẫn bám sát địa bàn Hà Nội, ngay cả trong những ngày địch khủng bố gắt gao nhất. Có anh em đề nghị đồng chí tạm lánh lên Chiến khu Việt Bắc để đỡ nguy hiểm, đồng chí không đồng ý. Đồng chí nói: "Hà Nội là trung tâm đầu não của địch, mà cũng là trung tâm phong trào công nhân của ta. Mà tôi thì ngoài nhiệm vụ Tổng Bí thư, còn là Trưởng ban Công vận của Đảng, ở xa Hà Nội thì làm thế nào mà sát được phong trào để chỉ đạo kịp thời".
Thật vậy, có ở gần Hà Nội thì khi nổ ra cuộc đảo chính của Nhật lật đổ Pháp (9-3-1945), đồng chí mới nắm được tình hình để kịp thời triệu tập Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng, đề ra chủ trương đấu tranh trong tình hình mới. Bản chỉ thị lịch sử Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta ra đời trong Hội nghị này là bó đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa... Một buổi chiều đầu xuân năm ấy, trên đường đi công tác, qua đê làng Xuân Đỉnh, ngoại thành Hà Nội, đồng chí Trường Chinh thấy một đàn quạ đang sà xuống một đống rạ, đồng chí đến gần xem thì thấy một xác chết nằm còng queo, đã bị quạ mổ mất mắt. Đồng chí thấy đau nhói tim. Vừa thương đồng bào vừa lo lắng cho phong trào. Nếu đồng bào cứ phải chết đói thế này mãi thì không những khổ đồng bào, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào cách mạng đang lên. Đồng chí đã nhận được nhiều báo cáo nói về việc này. Ở một số địa phương, chỉ vì đói quá mà các đoàn thể quần chúng không sinh hoạt được. Việc tập luyện quân sự càng khó khăn hơn. Có nơi, như ở Thái Bình, trong một buổi tập, có hai tự vệ, sau khi làm động tác nằm xuống, không đứng dậy được nữa, do bị đói lả.
Không thể để tình trạng này kéo dài được nữa. Nhưng làm thế nào? Để dân khỏi đói thì phải có cơm ăn, nhưng lấy đâu ra thóc gạo bây giờ? Suốt mấy ngày liền, đồng chí Trường Chinh trăn trở vì câu hỏi ấy. Một hôm, đồng chí bỗng sực nhớ ra có lần đọc trong một cuốn dã sử viết về Cao Bá Quát có đoạn nói khi Cao Bá Quát khởi nghĩa ở Mỹ Lương (gồm các huyện Ứng Hoà và Chương Mỹ của tỉnh Hà Đông cũ), ông đã cho phá kho thóc của Triều đình nhà Nguyễn để chia cho dân nghèo. Vì vậy dân nghèo bốn phương nô nức kéo nhau về tề tựu dưới cờ nghĩa rất đông.
Đúng rồi! Đúng rồi! Đồng chí Trường Chinh sung sướng kêu lên. Ta phải phá kho thóc của Nhật để cứu dân đang đói. Kho thóc của Nhật thì ở đâu mà không có. Thế là mấy hôm sau đồng chí đem việc ấy ra bàn với các đồng chí Trung ương. Sau khi cân nhắc kỹ càng về mọi mặt, mọi người đều nhất trí tán thành. Tức thì chỉ thị phá kho thóc của Nhật để chia cho dân đói được đưa ra. Chỉ thị hợp với lòng người ấy đã được các địa phương nhiệt liệt hưởng ứng và thực hiện ngay. Ở khắp nơi, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, quần chúng nô nức kéo nhau đi phá kho thóc của Nhật. Bọn Nhật không ngờ đến hành động táo bạo này của ta, nên không kịp đối phó. Vì đồn bốt của chúng không phải chỗ nào cũng có, các kho thóc lại để rải rác ở các làng, trừ các kho lớn có lính gác, còn thì giao cho các chức dịch sở tại bảo quản. Canh gác là mấy người tuần phiên thì làm thế nào mà ngăn cản được sức mạnh như nước vỡ bờ của hàng ngàn, hàng vạn quần chúng có tự vệ đi kèm. Vì vậy, ở đâu bọn chức dịch cũng sợ co rúm lại, không dám ra mặt, còn anh em tuần phiên thì hầu hết theo bà con đi lấy thóc. Khi bọn Nhật được tin báo, thường là rất muộn, chúng đem lính về đến nơi thì quần chúng đã giải tán, chỉ còn những cái kho trống rỗng. Có nơi đến kho cũng không còn, vì đã bị quần chúng đốt cháy.
Những ngày đi phá kho thóc của Nhật mùa xuân năm ấy thật là những ngày Tết của quần chúng. Nhiều thôn xóm trong ba ngày Tết trước đây vẫn im lìm, vắng lặng như chết, bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường với tiếng chân người đi lại, tiếng gọi nhau í ới, với tiếng cối xay lúa, tiếng chày giã gạo rộn ràng như những điệu nhạc vui. Và chiều chiều ánh lửa lại bập bùng trong những căn bếp đã từ lâu lạnh tanh. Tết đã qua rồi, nhưng bây giờ bà con mới được thực sự ăn Tết. Bà con bảo nhau đây là cái tết của Việt Minh. Từ đấy phong trào Việt Minh dâng lên như vũ bão để lật đổ ách thống trị của Nhật, Pháp, giành lại chính quyền về tay nhân dân.